Nhà văn Nguyên Ngọc lần thứ 2 bàng hoàng vì... Bộ Giáo dục

09/05/2013 07:12
Diệu Linh
(GDVN) - "Đấy là toàn bộ sự thật, xin được trình bày cùng công luận. Rất đáng ngạc nhiên khi một phương án với một tư duy rõ ràng của chúng tôi lại phải đi qua những khúc khuỷu khó hiểu và trở nên rắc rối một cách không đáng có như vậy”.

"Có một ý đồ rõ ràng gây hiểu sai về Trường Phan Châu Trinh"

Ngày 30/4, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng bài viết “Nhà văn Nguyên Ngọc bàng hoàng vì Bộ giáo dục đổi số 5 thành số 2”, trong đó nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh đã tỏ rõ sự bức xúc khi phương án tuyển sinh của trường gồm 5 tiêu chí đã bị đưa ra báo chí “mổ xẻ”, lấy ý kiến công luận thì lại chỉ còn 2 tiêu chí, đó là “Điểm thi tốt nghiệp phổ thông’ và “Điểm trung bình 3 năm học PTTH”.

Vào ngày 7/5 vừa qua, ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục tuyên bố trên báo Thanh Niên: “Hoàn toàn không có chuyện Bộ tự ý điều chỉnh phương án tuyển sinh riêng của Trường Phan Châu Trinh từ 5 tiêu chí xuống thành 2 để gửi cho các báo đăng tải để lấy ý kiến”.

Sau khi thông tin này được đăng tải, nhà văn Nguyên Ngọc tiếp tục có những chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, tái khẳng định những thông tin một số tờ báo đã nêu (trong đó có một tờ báo chuyên về giáo dục) nhằm vào trường Phan Châu Trinh là sự thật.

“Cách làm này của họ có ý đồ rất rõ ràng là làm cho dư luận hiểu sai về phương án tuyển sinh của trường. Những tờ báo này chỉ hỏi các Giáo sư, Tiến sĩ về 2 tiêu chí kia, nên rõ ràng sẽ bất lợi cho trường chúng tôi. Nếu hỏi như vậy, thì không cần đến các chuyên gia, mà một em sinh viên cũng thừa biết hai tiêu chí ấy chưa hoàn toàn đáng tin cậy. Tôi phải nhắc lại một lần nữa, trường chúng tôi có 5 tiêu chí tuyển sinh, chứ không phải 2. Nhưng họ cứ nhằm vào 2 tiêu chí chứ không hề nhắc tới những tiêu chí còn lại, là có ý đồ gì?”, ông Ngọc nói về lý do ĐH Phan Châu Trinh buộc phải lên tiếng.

Nhà văn Nguyên Ngọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc.

Quá trình làm việc với Bộ GD&ĐT: "Chính Bộ đề nghị bỏ tiêu chí xét tuyển theo điểm sàn đại học"!

Một lần nữa, nhà văn Nguyên Ngọc nhắc lại diễn biến của quá trình đề xuất phương án tuyển sinh riêng cho năm 2013:

Theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Trường Đại học Phan Châu Trinh đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng gồm 5 tiêu chí: 1) điểm thi đại học theo phương thức ba chung (khi cuộc thi này còn được tổ chức như hiện nay), 2)điểm thi tốt nghiệp phổ thông, 3) điểm trung bình trong 3 năm học trung học phổ thông; 4) điểm đánh giá khả năng tư duy của thí sinh thể hiện kết quả tổng hợp 12 năm học phổ thông, 5) điểm đánh giá tố chất của thí sinh qua phỏng vấn.

“Trong quá trình làm việc với Bộ, chúng tôi chấp nhận sẽ thực hiện phương án hoàn chỉnh trên theo một lộ trình từng bước, dự kiến có thể từ năm 2013 đến 2015 hay 2016.

Ngày 11/4/2013, tôi cùng hiệu phó của trường ra làm việc trực tiếp với Cục Khảo thí của Bộ, trình phương án cho năm 2013, gồm ba tiêu chí 1,2,3. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ cho chúng tôi cùng một số trường làm thí điểm. Cuối giờ chiều ngày 16/4, Cục trưởng Cục Khảo thí của Bộ báo cho chúng tôi thông tin trong cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia, phương án của chúng tôi cơ bản đã được chấp nhận với điều kiện chỉ cần điều chỉnh bỏ đi tiêu chí 1 (xét điểm thi đại học) là sẽ được phê duyệt cho làm thí điểm”, ông Ngọc cho biết.

Ông Ngọc cho biết, sau hướng dẫn ấy, ĐH Phan Châu Trinh dự tính nếu phải bỏ tiêu chí 1 theo ý kiến của Bộ do Cục Khảo thí truyền đạt lại – một việc rất lấy làm lạ - thì sẽ tăng cường các tiêu chí 4 và 5 (kiểm tra tư duy và phỏng vấn) trong việc xét tuyển để đảm bảo tính nhất quán của tinh thần phương án tuyển sinh ban đầu.

“Tuy nhiên, ngay sau đó ít ngày chúng tôi thấy báo chí, theo nguồn tin từ Bộ, công bố phương án được coi của là của trường chúng tôi để công luận phê phán, chỉ gồm hơn trăm chữ và chỉ còn hai tiêu chí 2 và 3 mà ai cũng biết trong thực tế hiện nay bị coi là ít độ tin cậy nhất (chính vì vậy nên chúng tôi đã tìm cách bổ sung, điều tiết bằng các tiêu chí khác). Đấy là toàn bộ sự thật, xin được trình bày cùng công luận. Rất đáng ngạc nhiên khi một phương án với một tư duy rõ ràng của chúng tôi lại phải đi qua những khúc khuỷu khó hiểu và trở nên rắc rối một cách không đáng có như vậy”, ông Ngọc nói.

Cuối cùng, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, ông và nhà trường sẽ tiếp tục đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục tạo điều kiện cho trường thực hiện phương án tuyển sinh như đã đề xuất.

Ông bày tỏ: “Trước sau quan điểm của chúng tôi về một phương án như đã trình bày từ đầu là nhất quán. Chúng tôi cho rằng cần ra sức tối đa bằng nhiều cách tìm và phát huy những mặt mạnh khác nhau của từng thí sinh, không vội vã loại ngay bất kỳ ai chỉ bằng một lần đánh giá có thể có nhiều ngẫu nhiên, cố gắng tối đa giúp các em, từng em được học tập và phát triển. Vội vàng gạt ngay đi một con người chỉ qua một cuộc thi đầy rủi ro, chặn hết đường phát triển của họ, nói theo một cách nào đó là tàn nhẫn, thậm chí độc ác”.

Quá trình lắt léo dẫn đến hiểu sai bản chất phương án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh như sau: 

* Bộ trưởng: 'Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng' --> Trường Phan Châu Trinh và một số trường khác xây dựng phương án trình Bộ.

Khi trình lên Bộ, đề án của trường ĐH Phan Châu Trinh gồm 5 tiêu chí. Xem chi tiết: Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013

'Điểm thi đại học chỉ có giá trị 20%, thế là đủ'

Nhà văn Nguyên Ngọc: 'Muốn vào trường tôi, đừng học thuộc lòng'

'Hoan hô bác Nguyên Ngọc'!

Điểm thi đại học: 7-3-3. Điểm xét tuyển: 66,87. Đỗ hay trượt?

Nữ TS toán đầu tiên của VN ủng hộ nhưng 'lo' cho ĐH Phan Châu Trinh

'ĐH Havard phỏng vấn 34000 người/năm, VN có thể học tập được'

GS Hoàng Tụy: 'Bây giờ mới thấy 1 cách tuyển sinh ĐH tiến bộ như vậy'

* Ngày 12/4, sau buổi làm việc với Cục Khảo thí, nhà văn Nguyên Ngọc thông báo, Cục này gợi ý cần thực hiện một lộ trình, trước mắt năm 2013 còn 3 tiêu chí (bao gồm có tiêu chí điểm thi ĐH)
Xem: Nhà văn Nguyên Ngọc: 'Mong Bộ trưởng sớm thực hiện lời hứa'

* Sau khi có các cuộc trao đổi của Bộ, như nhà văn Nguyên Ngọc kể, Bộ GD&ĐT đã đem phương án chỉ còn 2 tiêu chí(là điểm thi tốt nghiệp và kết quả THPT - vốn lâu nay bị xã hội nghi ngờ về tính chính xác) để công bố cho dư luận nhằm "lấy ý kiến", khiến dư luận hiểu sai bản chất phương án tuyển sinh của trường. 
Xem: Nhà văn Nguyên Ngọc bàng hoàng vì Bộ giáo dục đổi số 5 thành số 2

Diệu Linh