Trong một văn bản phát đi vào cuối giờ chiều 8/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cơ quan này thời gian qua triển khai nhiều giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường là nhằm “thực hiện nghị quyết của Quốc hội về bình ổn thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế và thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ “vàng hóa” trong nền kinh tế và trên cơ sở đánh giá tình trạng mất cân đối về cung cầu vàng trong nước (trong đó có nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng để tất toán về cơ bản số dư huy động vốn bằng vàng đã sử dụng trước ngày 30/6/2013)”.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, khối lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước sử dụng để nhập khẩu vàng là nhỏ hơn nhiều lần lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu vàng trong những năm trước đây. |
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố đã “sử dụng một phần ngoại tệ thuộc dự trữ ngoại hối Nhà nước để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng tăng cung cho thị trường thông qua đấu thầu”. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ đã nhập bao nhiêu vàng, với giá trị bao nhiêu.
Thống đốc NHNN nói về người được lợi khi giá vàng chênh lệch
Đánh giá của Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, để can thiệp vào thị trường vàng, cơ quan này đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết. “Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và tuân thủ các quy định tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định 86 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, Quyết định 16 của Thủ tướng Chính phủ về mua bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường trong nước và các văn bản hướng dẫn thi hành hai nghị định nêu trên”, văn bản có đoạn viết. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này bán vàng cho các đơn vị trong thời gian qua là “theo giá thị trường”. “Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường với tư cách người mua, bán cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước bán theo giá thị trường, không bao cấp, không bù lỗ và tuân thủ đúng quy định, bảo đảm lợi ích của Nhà nước”, văn bản viết. Theo Ngân hàng Nhà nước, trên thực tế, về tổng thể, toàn bộ vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng tiêu thụ tại Việt Nam phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu từ nước ngoài. Tại một số thời điểm, vàng miếng được xuất khẩu ra nước ngoài để thu ngoại tệ. Do vậy, về bản chất, vàng miếng được lưu thông trong nước cần phải được quản lý như ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Toàn bộ lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng được lấy từ nền kinh tế. Do vậy, nhập khẩu vàng trên quy mô lớn trước đây đã ảnh hưởng lớn đến tỷ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước. Cũng trong văn bản nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã điểm lại những giải pháp bình ổn thị trường vàng đã thực hiện từ đầu năm 2012 đến nay. Trong đó, thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng kết hợp với hiệu quả của các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tình hình cung cầu ngoại tệ đã cải thiện cơ bản, giảm đáng kể tình trạng đô la hóa nền kinh tế.Thứ hai, việc thực hiện chính sách Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã làm giảm mạnh nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Và thứ ba, việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thực hiện chính sách chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã loại trừ rủi ro liên quan đến vàng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đồng thời, xử lý triệt để hiện tượng “vàng hóa”. Hơn nữa, trong một năm qua, các tổ chức tín dụng đã mua được trên 100 tấn vàng trên thị trường trong nước để chi trả cho người dân mà không cần ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Văn bản của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, khối lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước sử dụng để nhập khẩu vàng là nhỏ hơn nhiều lần lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu vàng trong những năm trước đây. Đồng thời, lượng ngoại tệ này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước đã mua vào tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc cơ quan này độc quyền nhập khẩu vàng theo quy định tại Nghị định 24 “không tác động bất lợi đến cung cầu ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian trước đây (việc nhập khẩu vàng luôn ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường và sự ổn định kinh tế vĩ mô). Đây cũng chính là mục tiêu chủ chốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khi xây dựng và ban hành Nghị định 24”. Ngoài ra, theo văn bản này, thực hiện chính sách chống “vàng hóa” nền kinh tế, Nghị định 24 cũng đã có quy định cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán. Trên thực tế, kể từ khi ban hành Nghị định 24, vàng không còn là phương tiện thanh toán phổ biến và nhu cầu đầu tư vàng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt. “Như vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định 24 đã góp phần quan trọng vào việc tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và giảm đáng kể hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước kết luận.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo VnEconomy