Báo Nga: "Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu tự vệ"

01/06/2013 06:20
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Nga nhấn mạnh Trung Quốc thực sự có tham vọng tàu sân bay để thi hành nhiều "sứ mệnh" khác nhau, trong đó có tranh chấp lãnh thổ với láng giềng.
Tàu sân bay Liêu Ninh tại Thanh Đảo
Tàu sân bay Liêu Ninh tại Thanh Đảo

Tuần báo "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga kỳ 17 năm 2013 có bài viết cho rằng, nếu Trung Quốc không có ý định chế tạo tàu sân bay, họ sẽ không mua sắm Varyag và tiếp tục cải tạo nó thành tàu sân bay Liêu Ninh.

Do đặc điểm cấu tạo tự thân, con tàu này không phải là một tàu sân bay hàng thật giá thật, Hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng nó như một tàu huấn luyện, thử nghiệm, sau đó dựa vào thiết kế của Trung Quốc để chế tạo một lô tàu sân bay “tiêu chuẩn” ở trong nước, nếu không sẽ không cần 1 tàu thử nghiệm.

Quả thật, Bắc Kinh sẽ bắt đầu chế tạo tàu sân bay lớn hơn tàu Liêu Ninh và có thể tương đương với tàu sân bay của Mỹ. Chế tạo tàu sân bay cỡ nhỏ hoàn toàn không có ý nghĩa, bởi vì tàu sân bay tương lai hoặc được dùng để tác chiến ở vùng biển xa và tác chiến viễn dương, hoặc sẽ tác chiến với địch thủ mạnh (như Hải quân Mỹ và Nhật Bản), hoặc thậm chí dùng để đối phó với đối thủ lợi hại cách xa bờ biển Trung Quốc (Hải quân Mỹ hoặc Ấn Độ). Trong bất cứ tình huống nào, mỗi chiếc tàu sân bay đều phải mang theo nhiều máy bay, nhiên liệu và đạn dược.

Đương nhiên, hiện nay không thể xác định chuẩn xác số lượng tàu sân bay Trung Quốc dự định chế tạo. Tuy nhiên, rất có thể giống số lượng tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - 6 chiếc (không bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh) - mỗi hạm đội 2 chiếc.

Trong biên đội tàu sân bay, ngoài tàu sân bay, còn có 2-4 tàu khu trục Type 052C/D và tàu hộ vệ Type 054A có số lượng tương tự (trong tương lai cũng có thể là tàu khu trục và tàu hộ vệ kiểu mới), 2-3 tàu phụ trợ. Toàn bộ tàu hộ tống có số lượng cần thiết của tàu sân bay sẽ được chuẩn bị tốt trước khi tàu sân bay đi vào hoạt động.

Tàu khu trục Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Vấn đề của Trung Quốc là thiếu kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay. Tàu sân bay Varyag và tàu sân bay Kiev, tàu sân bay Minsk của Liên Xô và tàu sân bay Melbourne của Australia (Trung Quốc mua) do có kích cỡ nhỏ,  cấu tạo tổng thể lạc hậu, đều không thể cung cấp mẫu công nghệ cần thiết cho các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc.

Hiển nhiên, kỹ sư Trung Quốc phải nghiên cứu tàu sân bay Sao Paulo của Brazil (vốn là tàu sân bay Foch của Pháp), nhưng giá trị của nó cũng rất có hạn: Kích cỡ tàu này còn nhỏ hơn tàu sân bay Liêu Ninh, hơn nữa thời gian chế tạo còn sớm hơn.

Chỉ có điều, tàu sân bay này có máy phóng và đây là điều quan tâm của người Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không thể không chế tạo tàu sân bay của chính mình, cho dù phải sao chép phương án của nước ngoài.

Một vấn đề quan trọng nhất là thiết bị động lực (động cơ) của tàu sân bay mới, đó là động cơ thông thường hay động cơ hạt nhân? Hiện nay, vấn đề ngành chế tạo động cơ của tất cả các ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất (động cơ xe tăng, động cơ hàng không và động cơ tàu chiến).

Trung Quốc muốn hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu phát triển động cơ sẽ rất khó khăn, nghiên cứu chế tạo lò phản ứng hạt nhân cũng không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã sớm nghiên cứu chế tạo động cơ hạt nhân dùng cho tàu ngầm hạt nhân, vì vậy đã có khả năng nghiên cứu chế tạo lò phản ứng cho tàu chiến mặt nước.

Một vấn đề quan trọng khác là lựa chọn phiên bản máy bay hải quân cho tàu sân bay mới. Đối tượng lựa chọn không chỉ là máy bay chiến đấu J-15 (có 2 chiếc mẫu, dùng máy bay mẫu đầu tiên của Su-33 để sao chép), còn có máy bay chiến đấu J-10 phiên bản hải quân và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-31 (đang nghiên cứu phát triển).

Hiện nay, công việc nghiên cứu phát triển đang được tiến hành. Cũng có thể là những phương án này đều được sử dụng.  Ngoài ra, Trung Quốc sẽ nghiên cứu phát triển máy bay cảnh báo sớm hải quân. Đây là một nhiệm vụ tương đối khó khăn, hiện chỉ có Mỹ hoàn thành thành công nhiệm vụ này.

Máy bay chiến đấu hải quân J-15, sao chép từ Su-33 Nga
Máy bay chiến đấu hải quân J-15, sao chép từ Su-33 Nga

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, tất cả các nước sở hữu tàu sân bay "tiêu chuẩn" đều bắt đầu từ chế tạo tàu sân bay động cơ thông thường, sau đó chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Nhưng, kinh nghiệm này rất hạn chế, bởi vì nửa sau thế kỷ 20, tàu sân bay cỡ nhỏ sử dụng máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng (thay thế cho máy bay phổ thông) bắt đầu phát triển.

Anh (đã bán cho Ấn Độ 1 chiếc), Italia, Tây Ban Nha (chế tạo cho hải quân nước mình và hải quân Thái Lan) đã chế tạo loại tàu sân bay này. Rõ ràng là, Trung Quốc không cần loại tàu sân bay này, huống hồ Trung Quốc cũng không có máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng.

Trung Quốc sẽ học ai?

Đương nhiên, Mỹ là tấm gương chính để Trung Quốc chế tạo tàu sân bay "tiêu chuẩn". Sau chiến tranh, Mỹ đã chế tạo 10 tàu sân bay cỡ lớn động cơ thông thường (2 tàu lớp Midway, 4 tàu lớp Forrestal và 4 tàu lớp Kitty Hawk), sau đó đã chế tạo 11 tàu sân bay cỡ lớn động cơ hạt nhân (tàu sân bay USS Enterprise và 10 tàu sân bay lớp Nimitz).

Kế tiếp sau 2 tàu sân bay thông thường cỡ lớn (Clemenceau và Foch), Pháp đã chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles De Gaulle.

Liên Xô đã lần lượt thực hiện những ý tưởng này. Ban đầu đã chế tạo 4 tàu tuần dương lớp Kiev trang bị máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-38 (Type 1143). Hiện nay, tàu sân bay lớp này duy nhất còn giữ lại là tàu sân bay đang cải tạo cho Ấn Độ và sẽ sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29K.

Sau đó, Liên Xô bắt đầu chế tạo 2 tàu sân bay "tiêu chuẩn" lớn hơn (tàu tuần dương trang bị máy bay) - tàu sân bay Kuznetsov và Varyag (Type 1143.6), sau đó khởi công bắt đầu chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk (1143.7).

Tàu Ulyanovsk đã áp dụng máy phóng, chứ không phải là kiểu nhảy cầu. Nhưng do Liên Xô sụp đổ, Nga chỉ kế thừa tàu sân bay Kuznetsov. Còn tàu sân bay Varyag và tàu Ulyanovsk (đầu năm 1992 mới chế tạo được 5%) đã lưu lại ở Ukraine, tàu Varyag đã trở thành tàu Liêu Ninh hiện nay còn tàu Ulyanovsk thì bị dỡ bỏ.

Máy bay chiến đấu J-10 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc

Tàu tuần dương trang bị máy bay (chứ không phải tàu sân bay) do Liên Xô chế tạo là một loại tàu chiến không được sử dụng làm hạt nhân của biên đội tấn công tàu sân bay tác chiến trên đại dương, mà là để tiến hành phòng thủ đối không ở khu vực triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tức là khu vực tác chiến cách tương đối gần bờ biển của mình.

Tàu tuần dương (trang bị máy bay) không có máy bay tấn công, mà nhiệm vụ này do tên lửa chống hạm Bazalt và Granite đảm nhiệm. Do đã trang bị những tên lửa chống hạm này (những tên lửa chống hạm này cũng đã trang bị cho tàu tuần dương tên lửa động cơ hạt nhân Type 1144 và tàu ngầm hạt nhân đa năng Type 949), tàu Type 1143 không thể được coi là tàu sân bay truyền thống, bởi vì tàu sân bay truyền thống không có vũ khí tấn công, chỉ có vũ khí phòng không tự vệ.

Như vậy, khi phóng tên lửa chống hạm, tàu chiến vừa không thể tiếp nhận máy bay, cũng không thể cất cánh máy bay, không chỉ như vậy, tất cả máy bay lúc đó đều phải nằm ở nhà chứa máy bay trên đường băng.

Một đặc điểm quan trọng nhất của tàu Type 1143.5 là sử dụng cầu nhảy ở mũi tàu thay thế cho máy phóng. Đây là loại tàu chiến duy nhất trên thế giới sử dụng ván cầu hỗ trợ cho máy bay cất/hạ cánh thông thường cất cánh. Ở nước ngoài, loại ván cầu này chỉ được tàu sân bay hạng nhẹ mang theo máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng sử dụng.

Tàu Type 1143.5 cũng không có máy phóng, nhìn từ góc độ tần suất bay lên của máy bay, điều này đã hạn chế khả năng của tàu chiến, đồng thời khi một máy bay hạ cánh, một máy bay khác không thể cất cánh (tàu sân bay Mỹ có 2 bộ máy phóng, có thể đồng thời tiếp nhận và cất cánh máy bay). Tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk vốn có kế hoạch phát triển thành tàu sân bay tiêu chuẩn thực sự.

Nếu Trung Quốc đi theo con đường giống như Mỹ, Pháp và Nga, họ có thể trước tiên chế tạo 2-3 tàu sân bay động cơ thông thường, sau đó chế tạo 3-4 tàu sân bay động cơ hạt nhân. Nhưng, cũng có thể áp dụng phương án cực đoan:

Toàn bộ 6 chiếc đều là tàu sân bay động cơ thông thường (1 phương án tương đối nhanh và rẻ), hoặc toàn bộ 6 tàu đều là tàu sân bay động cơ hạt nhân (đây là phương án tương đối dài, chi phí tương đối cao, hơn nữa là độc nhất vô nhị trên thế giới).

Đưa ra sự lựa chọn này tùy thuộc vào vấn đề động cơ (gồm động cơ thông thường và động cơ hạt nhân) được giải quyết như thế nào và Quân đội Trung Quốc có nhu cầu cấp bách trang bị tàu sân bay hay không. Đương nhiên, còn có vấn đề máy bay hải quân, nhưng vấn đề máy bay hải quân của Trung Quốc rõ ràng sẽ được giải quyết nhanh hơn so với tàu sân bay thực sự đầu tiên.

Nước ngoài cũng có Mỹ và Pháp có kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân. Song, kinh nghiệm của Pháp khó mà được cho là thành công: Trong 12 năm sử dụng, tàu sân bay Charles De Gaulle đã xảy ra những vấn đề công nghệ nghiêm trọng, trong đó có vấn đề lò phản ứng.

Vì vậy, Pháp đang nghiêm túc nghiên cứu phương án sử dụng tàu sân bay động cơ thông thường để thay thế cho tàu sân bay Charles De Gaulle. Ngoài ra, hải quân không nên chỉ sở hữu 1 tàu sân bay, bởi vì phần lớn thời gian của nó là tiến hành sửa chữa, khi đó hải quân sẽ không có tàu sân bay (hiện nay Nga như vậy). Trên phương diện này, Mỹ là tấm gương thành công duy nhất.

Còn như tàu chiến mặt nước động cơ hạt nhân (không phải tàu sân bay), Mỹ và Liên Xô/Nga đều đã chế tạo tàu tuần dương động cơ hạt nhân (lần lượt là 9 chiếc và 4 chiếc). Nhưng, kinh nghiệm này không thể nói là thành công.

Hiện nay, toàn bộ tàu tuần dương động cơ hạt nhân của Mỹ đã nghỉ hưu và dỡ bỏ. Tàu tuần dương động cơ hạt nhân của Nga chỉ còn lại 1 chiếc (Peter the Great), 3 chiếc còn lại đã bị niêm phong, khả năng sử dụng lại không lớn.

Mỹ là nước thành công nhất về chế tạo tàu sân bay
Mỹ là nước thành công nhất về chế tạo tàu sân bay

Như vậy, Trung Quốc có thể sao chép lò phản ứng của Mỹ, mặc dù không loại trừ phương án của Nga (lò phản ứng sử dụng cho tàu tuần dương Type Type 1144 nói trên). Đương nhiên, bất kể là Mỹ hay là Nga thì họ đều sẽ không chuyển nhượng loại công nghệ này cho Trung Quốc, nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc sở hữu bằng phương thức bất hợp pháp.

Nếu không thể thuận lợi, Bắc Kinh có thể lựa chọn phương án tàu sân bay động cơ thông thường, nhưng ở đây cũng có thể áp dụng phương thức mua bất hợp pháp (rất có thể mua từ Ukraine). Hoặc trực tiếp sử dụng lò phản ứng của tàu ngầm lắp cho tàu sân bay. Tóm lại, vấn đề động cơ sẽ làm chậm kế hoạch tàu sân bay của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc sẽ không hủy bỏ kế hoạch này.

TQ sẽ tăng cường trận địa

Sau khi trang bị tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện một số chiến lược cơ bản có liên quan chặt chẽ với nhau sau đây:

Ngăn chặn Không, Hải quân Mỹ tiến hành tấn công đối với Trung Quốc, chọc thủng sự phong tỏa biển gần và biển xa của Hải quân Mỹ đối với Trung Quốc.

Bảo đảm an ninh của toàn bộ các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu trên biển.

Khi nước xuất khẩu nguyên liệu cho Trung Quốc xảy ra tiến trình chính trị bất lợi cho Trung Quốc, tiến hành gây ảnh hưởng quân sự và tâm lý đối với những nước này cũng có thể giành được nguồn nguyên liệu mới.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể xây dựng xong 1 lực lượng hải quân ngang ngửa với Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đồng thời sở hữu khả năng tấn công tương đương với Hạm đội đội Thái Bình Dương Mỹ. Hiện nay, người Trung Quốc lạc hậu rõ rệt so với Mỹ trong lĩnh vực săn ngầm. Cách đây không lâu, lực lượng phòng không của họ còn lạc hậu nghiêm trọng, nhưng khoảng cách này đang nhanh chóng rút ngắn.

Trong tương lai, Trung Quốc đối mặt với tàu sân bay trực thăng Nhật Bản lớn hơn
Trong tương lai, Trung Quốc đối mặt với tàu sân bay trực thăng Nhật Bản lớn hơn

Đương nhiên, kinh nghiệm tác chiến của Hải quân Mỹ là điều mà Hải quân Trung Quốc không thể đuổi kịp, song Hải quân Mỹ hiện nay cuối cùng sẽ đồng hành với Trung Quốc trên biển chứ không phải giao chiến với người khác.

10 năm trước, Mỹ rõ ràng thắng Trung Quốc ở vùng biển quốc tế, nhưng ở vùng biển gần bờ thì chưa chắc. Sau khi Hải quân Trung Quốc trang bị tàu sân bay “tiêu chuẩn”, Mỹ sẽ chỉ có thể tác chiến với Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc trực tiếp tiến hành xâm lược, mà khả năng này rất nhỏ.

Sở hữu tàu sân bay sẽ tăng cường rất lớn vị thế của Trung Quốc khi xảy ra xung đột với Nhật Bản, bởi vì Trung Quốc sẽ không chỉ có thể tiến hành tấn công Nhật Bản từ hướng tây, mà còn có thể tiến hành tấn công Nhật Bản từ hướng đông, hơn nữa có thể tiến hành tấn công toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Khi xảy ra chiến tranh với Nga, Hải quân Trung Quốc sở hữu tàu sân bay sẽ có thể tiến hành tấn công Sakhalin, quần đảo Kuril và Kamchatka, thậm chí đổ bộ lên đó.

Sở hữu tàu sân bay sẽ còn tăng cường rất lớn vị thế của Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông với các nước ASEAN (ở đây Trung Quốc là nước tạo ra tranh chấp, mưu đồ độc chiếm biển Đông). Trong tương lai, khả năng Trung Quốc sử dụng tàu sân bay áp chế Ấn Độ là rất lớn. New Delhi đang tích cực xây dựng hải quân tầm xa, nhưng người Ấn Độ rất khó sánh ngang với Trung Quốc, chắc chắn cũng không thực tế.

Vượt nhu cầu tự thân

Về tác chiến đánh chiếm Đài Loan, rõ ràng là, do Đài Loan và Trung Quốc gần nhau trong gang tấc, tàu sân bay không cần tham gia tác chiến với Đài Loan.

Nhưng sở hữu tàu sân bay có thể cải thiện điều kiện tác chiến đánh chiếm Đài Loan cho Bắc Kinh. Khi đó, tàu sân bay sẽ được triển khai ở phía đông Đài Loan, từ hướng này tiến hành tấn công Đài Loan (do cần đối phó với các cuộc tấn công từ các hướng, lực lượng phòng không Đài Loan sẽ khó khăn hơn), tiến hành phong tỏa trên biển tầm xa đối với Đài Loan, ngăn chặn Mỹ can thiệp xung đột eo biển Đài Loan. Hải quân Trung Quốc sở hữu 2-3 tàu sân bay đủ để hoàn thành những nhiệm vụ này, đồng thời 1 chiếc trong số đó thậm chí có thể là tàu sân bay Liêu Ninh.

Trung Quốc "ôm" quá nhiều tham vọng trên biển, ngày càng gây khó chịu cho láng giềng.
Trung Quốc "ôm" quá nhiều tham vọng trên biển, ngày càng gây khó chịu cho láng giềng.

Nhưng, khả năng Hải quân Trung Quốc tiếp nhận chiếc tàu sân bay hạng thật giá thật đầu tiên trước năm 2020, trang bị toàn bộ 6 tàu sân bay trước năm 2030-2035 là rất nhỏ. Đồng thời, Bắc Kinh rõ ràng muốn giải quyết vấn đề Đài Loan trước những thời hạn này.

Vì vậy, có thể khẳng định, Trung Quốc chế tạo tàu sân bay không phải là để đánh chiếm Đài Loan, mà là để giải quyết nhiệm vụ thực tế sau khi “thu hồi” Đài Loan. Huống hồ đoạt lại Đài Loan có thể làm cho Trung Quốc tự do triển khai binh lực hải quân ở đại dương.

Đồng thời, trái ngược với những ý kiến của rất nhiều chuyên gia phương Tây, đối với Trung Quốc, hải quân hoàn toàn không phải là phương hướng ưu tiên đặc biệt.

Đối với phương Tây, việc xây dựng Hải quân Trung Quốc gây chú ý nhất, bởi vì NATO thực ra không có cơ hội “gặp nhau” với Quân đội Trung Quốc trên đất liền. Nga cần phải hiểu rõ rằng: Không quân và Lục quân Trung Quốc sẽ đạt được sự phát triển. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu tự vệ.

Việt Dũng