'Kịch bản Làng ma ban đầu có chuyện giống vụ Đoàn Văn Vươn'

15/05/2013 12:45
T.N
(GDVN) - Ngày 14/5 vừa qua, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần có cuộc trao đổi với báo giới về bộ phim "Làng ma – 10 năm sau", phần tiếp theo của bộ phim Ma làng.

Đạo diễn có thể giải thích về tên phim “Làng ma-10 năm sau”?

Trước hết, tôi không thích đặt tên phim là Ma làng 2. Bởi người ta sẽ so sánh với Ma làng 1. Và tôi cũng không muốn “ăn theo” Ma làng. Ngoài ra, Làng ma-10 năm sau là sự tiếp nối chuỗi sự kiện xảy ra trong làng xã Bâm Dương, nó hoàn toàn có thể là 1 bộ phim độc lập bởi nó có tuyến nhân vật riêng, có cốt truyện riêng.

Những thuận lợi và khó khăn khi quay phim là gì?

Thuận lợi thì nhiều. Ví dụ như việc bối cảnh của phim vẫn ở Bâm Dương, đoàn phim đã quay ở đó rồi, nên khi trở lại thì không còn bỡ ngỡ nữa. Người dân cũng đã qua 1 lần “đào tạo” nên diễn viên quần chúng cũng “chuyên nghiệp” hơn.

Rồi dàn diễn viên và ekip của Ma làng trước đó tôi cũng mời được gần như nguyên vẹn. Ngoài ra, công ty TV Plus-nhà sản xuất của phim cũng rất “chiều” ý tôi.

Về mặt khó khăn thì cũng có. Vì qua 1 thời gian, khung cảnh cũng thay đổi nhiều. Ví dụ cảnh làm cháy nhà trước đó, chúng tôi mượn 1 căn nhà hoang, sau đó lợp mái lá lên trên và đốt. Nhưng tới bây giờ thì không còn những  ngôi nhà như thế nữa…

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chỉ đạo diễn xuất phim Ma làng 2.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chỉ đạo diễn xuất phim Ma làng 2.

Tuyến nhân vật của phim có nhiều thay đổi so với Ma làng?

Cũng có nhiều thay đổi. Trong phim này, tuyến nhân vật gần như đảo ngược, đổi mới. Ví dụ như cô Ló có thể ngoa ngoắt, trộm cắp… nhưng sang phim này lại là 1 người mẹ hết lòng vì con. Anh Nghiệp ngày trước là anh “Nghiệp rồ”, nhưng bây giờ anh ấy trở thành 1 người hoàn toàn khác.

Anh ấy thành lập 1 công ty và đại diện cho việc phát triển nông thôn bằng việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp, khai thác triệt để hiệu quả của đất.

Mâu thuẫn trong phim này là 2 cách để đổi mới nông thôn. Một bên là muốn giữ đất cho dân, khai thác hiệu quả đất đai để phát triển nông nghiệp và một bên là thu gom đất để đầu tư làm khu công nghiệp, sân golf, khu du lịch…

Liên quan đến chuyện đất đai, trong phim có đề cập đến vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng không?

Thật ra, trong kịch bản phim của tôi cũng có 1 câu chuyện giống với vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Tôi viết kịch bản đó trước cả khi xảy ra chuyện cưỡng chế đất ở Tiên Lãng khoảng 6 tháng. Nhưng sau đó, khi sự việc xảy ra, tôi đã rút phân cảnh đó khỏi kịch bản.

Có phải đạo diễn “ngại” đụng chạm đến vấn đề chính trị nên mới rút phân cảnh đó khỏi kịch bản?

Không. Không không phải là tôi sợ đưa vụ Đoàn Văn Vươn vào đâu. Tôi đã viết chuyện đó trước khi xảy ra vụ việc đấy chứ! Nhưng nếu như phim đã chiếu rồi mới xảy ra vụ việc thì không sao. Nhưng phim chiếu sau khi xảy ra chuyện thì người ta sẽ cho rằng tôi bắt chước hiện thực.

Trong phim có 1 vai diễn của NSUT Trần Hạnh, vai diễn đó như thế nào?

Trần Hạnh vẫn đảm nhiệm 1 vai lão nông. Thật ra thì vai đó ai đóng cũng được. Nhưng tôi muốn mời Trần Hạnh vì trước đó ông đã đóng Ma làng rồi. Khi khán giả xem phim, thấy ông xuất hiện thì sẽ có lợi cho phim vì đó là 1 diễn viên nổi tiếng, quen thuộc.

Trần Hạnh là một diễn viên làm việc rất cẩn thận và nghiêm túc. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn ông được sống cùng nghệ thuật, và đó cũng là cái tình nghĩa mà chúng tôi dành cho nhau.

Thế còn vai diễn của NSUT Trung Hiếu?

Trung Hiếu đảm nhận vai Dỏ. Trước đó, vai diễn này do Hồng Sơn đảm nhiệm. Hồng Sơn qua đời, tôi cũng rất vất vả trong việc mời người vào vai này. Sau đó tôi quyết định mời Trung Hiếu. Ban đầu, cũng lo lắm! Nhưng sau đó thì rất yên tâm vì Trung Hiếu làm rất tốt.

Nếu Hồng Sơn thành công với vai Dỏ ở giai đoạn trước, thì Trung Hiếu lại phù hợp với anh Dỏ ở thời đại mới.

Diễn viên Trung Hiếu trong vai Dỏ.
Diễn viên Trung Hiếu trong vai Dỏ.

Đạo diễn có thể chia sẻ những kỷ niệm vui khi quay phim?

Có 1 câu chuyện vui vui. Đó là bộ phim này rất…mắn đẻ. (Cười) Khi mà casting thì không sao, nhưng khi bắt đầu quay thì có 3 cô diễn viên báo là đang có bầu. Mà các cô ấy béo lên từng ngày, ngoại hình thay đổi từng ngày. Chúng tôi đành phải “giải quyết” các cảnh của các cô này trước, sau đó mới làm các phần việc khác sau.

Dường như đạo diễn rất thích làm phim về nông thôn?

Thật ra thì trước đây tôi không làm phim về nông thôn đâu. Tôi thích làm những phim thơ thơ kiểu Em còn nhớ hay em đã quên, Bản tình ca trong đêm… Nhưng từ sau khi được giao làm phim Đất và người, tôi mới thấy hiệu quả xã hội của những phim này rất lớn.

Qua những bộ phim này, tôi cũng muốn đóng góp 1 chút vào công cuộc đổi mới nông thôn.

T.N