Thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ngày hôm qua (14/05) nắng nóng đã xuất hiện trên diện rộng ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36 - 38 độ, một số điểm có nhiệt độ trên 38 độ như Hòa Bình: 38,9C; Láng: 38.1 độ; Hồi Xuân: 38,2C; Tương Dương: 38,5C; TP. Huế: 38,3C….
Ngày hôm nay (15/05), vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam, nắng nóng sẽ mở rộng ra toàn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, một số nơi ở phía tây Bắc Bộ và ven biển nam Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 – 38 độ, một số nơi có thể xuất hiện nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao trên 39 độ.
Trẻ em ra đường cần được mặc áo chống nắng đầy đủ. Ảnh: VnExpress |
Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, TS Ngô Đức Ngọc, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi nền nhiệt lên cao và nắng nóng kéo dài, người dân rất dễ bị mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hô hấp.
Để hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro do các bệnh này gây ra trong những ngày nắng nóng này, TS. Ngọc đưa ra những khuyến cáo rất quan trọng:
Nhiệt độ tăng cao, tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da, ung thư da. Đồng thời tia cực tím sẽ xuyên qua gáy vào bộ phận não dễ gây ra những tổn thương về mặt thần kinh.
Ánh nắng gay gắt mà đi làm ngoài đồng, hoặc công nhân làm ở những khu mặt đường… mồ hôi ra nhiều, nhiệt độ cơ thể tăng nhanh nên dễ bị say và dẫn tới khả năng tử vong cao.
Vì vậy, khi đi ra ngoài đường cần đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng và nhớ mang theo bên mình nước uống để luôn bổ sung nước kịp thời. Không nên uống nhiều nước một lúc mà lúc lại nhấp ngụm nước.
TS. Ngọc tư vấn thêm: Quan trọng cơ thể phải được cung cấp lượng nước đầy đủ hàng ngày. Ngày thường, trung bình phải uống 2 lít nước/ngày, nhưng những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao như thời gian này, phải uống từ 3 – 4 lít nước/ngày để giữ nhiệt cho cơ thể.
Trước thực trạng, người dân đổ xô đi uống bia vào những ngày nắng nóng, TS. Ngọc cũng đưa ra lời khuyến cáo: Mọi người thường nghĩ uống bia là mát nhưng hoàn toàn ngược lại. Bia chỉ mát lúc uống còn sau đó sẽ khiến nhiệt độ trong cơ thể tăng.
Để đảm bảo lượng nước trong cơ thể, TS. Ngọc đưa ra lời khuyên người dân nên ăn các loại dưa: dưa hấu, dưa bở, dưa chuột… và tránh các loại thực phẩm có nhiều năng lượng như mỡ, thịt và hạn chế những chất có nhiều đường.
Riêng với trẻ em, TS. Ngọc khuyến cáo: Cơ thể trẻ em rất dễ bị say nắng, điều nhiệt kém. Chính vì thế, mặc dù đi đường nắng nóng nhưng cũng phải mặc áo chống nắng kín cho trẻ; cho trẻ em ăn các loại sinh tố được chế xuất từ dưa. Đặc biệt, không nên để quạt trực tiếp vào trẻ, không cho trẻ uống nước lạnh, tắm nước lạnh… để tránh các bệnh về đường hô hấp và luôn đảm bảo lượng nước cho cơ thể trẻ.
TS. Ngọc nhấn mạnh: Bệnh dễ phát sinh nhất với trẻ em, người lớn trong những ngày này là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa nhất là khi sử dụng các loại đá không đảm bảo chất lượng, đồ đựng không được rửa sạch, ý thức vệ sinh kém, thức ăn là đồ mát phần nhiều lại ăn sống như rau sống, dưa… nếu không vệ sinh tốt rất dễ phát sinh bệnh.