Mầm non lao đao thuở “xã hội hóa”

19/05/2013 09:49
Theo Tuổi Trẻ
Mười năm qua là một giai đoạn đầy biến cố đối với bậc học mầm non. Từ một bậc học bị đẩy ra “xã hội hóa” mạnh mẽ nhất, mầm non đã được nhà nước gánh trách nhiệm trở lại. Tuy nhiên, những hệ lụy hằn khắc vào đời sống tinh thần của xã hội do thiếu trường mầm non công một thuở không dễ gì xóa bỏ.

Trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận hồi đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhắc đến nghị quyết 05/2005/NQ-CP như một điển hình cho mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa một số chủ trương chính sách với thực tiễn khiến lãnh đạo chính quyền các địa phương phải đau đầu tính toán.

Theo ông Thảo, trong những năm gần đây bậc học mầm non của Hà Nội đã phát triển ngược hoàn toàn so với yêu cầu của Trung ương. Nếu như nghị quyết 05 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2010 số học sinh nhà trẻ học ở các cơ sở mầm non ngoài công lập đạt tỉ lệ 80%, trẻ mẫu giáo là 70% thì hiện nay 85% trẻ mầm non nói chung của Hà Nội lại được học trong các trường công lập. “Nhưng Hà Nội vẫn bị phê bình”, ông Thảo nói.

Thật ra cũng chẳng có cấp trên nào thực tâm muốn phê bình Hà Nội đã không thực hiện nổi nghị quyết. Thậm chí, như một cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở nói, trong các hội nghị về giáo dục mầm non người ta còn “lờ” đi nghị quyết 05. Có chăng, vào mỗi kỳ tuyển sinh, trên mặt báo đầy rẫy các thông tin kiểu như “trắng đêm xếp hàng” mô tả cảnh trần ai phụ huynh xin cho con vào trường mầm non…

Hà Nội: Gồng mình tìm lối khác

Từ năm 2007 đến nay là giai đoạn ngành mầm non Thủ đô chịu áp lực đặc biệt căng thẳng mỗi khi đến mùa tuyển sinh. Cao trào là năm 2011 khi hàng loạt báo mạng và báo giấy cùng đăng những phóng sự ảnh trắng đêm xếp hàng xin học của người dân ở nhiều trường mầm non công lập (những năm trước chỉ mới lác đác một vài báo phản ánh). Nhiều trường khác dù không có cảnh xếp hàng trắng đêm nhưng đường dây nóng của các cơ quan báo chí nóng rực lên bởi những lời kêu than của phụ huynh khi không biết gửi con ở đâu! Trường công thì không có chỗ. Trường tư quá đắt đỏ. Các nhóm trẻ gia đình cũng chẳng rẻ hơn được bao nhiêu lại không yên tâm về chất lượng… Kết thúc mùa tuyển sinh năm 2011, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã phải tổ chức chuyên đề về tuyển sinh mầm non trong một phiên họp báo định kỳ. Tại đây bà Nguyễn Thị Lan Hương, lúc đó là Trưởng phòng GD Mầm non – Sở GD-ĐT Hà Nội đã “nã pháo” vào nghị quyết 05.

Giờ đây, vừa mới nghỉ hưu, bà Lan Hương vẫn còn ngùn ngụt xúc động khi nói về giai đoạn Hà Nội quyết tâm gồng mình rẽ lối khác khi đối mặt với thực tế nhu cầu nóng bỏng “được học mầm non công lập” của con em người dân Thủ đô. Trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 150 trường mầm non bán công nông thôn phát triển rất èo uột với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ cũng như hệ thống giáo viên thiếu được đào tạo.

“Nghị quyết 05 yêu cầu thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non, Luật Gíao dục 2005 không cho phép tồn tại loại hình trường bán công. 150 trường bán công nông thôn đứng trước nguy cơ phải chuyển sang dân lập hoặc tư thục và nếu vậy xem như ngành GD mầm non Hà Nội không thể ngóc đầu lên nổi, số trẻ huy động ra lớp cho dẫu có tăng nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo vì người dân làm sao có tiền trả học phí cho những cơ sở tư thục tốt! Hà Nội phải “lách” chủ trương “xã hội hóa” bằng cách xin chuyển các trường mầm non bán công sang công lập có tự chủ tài chính. Mỗi khi có cơ hội được làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân, ngành GD-ĐT Hà Nội lại đặt vấn đề này ra” – bà Lan Hương chia sẻ.

Hà Nội đã chuyển 150 trường mầm non bán công nông thôn sang công lập vào đầu năm 2008. Tháng 8-2008, do mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm 357 trường mầm non bán công nông thôn và số trường này cũng được chuyển sang loại hình công lập vào tháng 4-2009. Trước đó, từ năm 2007, trong làn sóng chủ trương xã hội hóa bổ vây tứ phía, ngành GD-ĐT Hà Nội vẫn kịp thuyết phục được chính quyền thành phố đầu tư thường xuyên cho các trường mầm non bán công với định mức 2 triệu đồng/ học sinh/ năm.

 TP HCM: Phải xây thêm nhiều trường công lập!

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã sớm giật mình trước tương lai ngành giáo dục mầm non thành phố khi nỗi lo chỗ học bị đẩy hết sang cho dân khi tiến hành mạnh mẽ chủ trương “xã hội hóa”. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh nhớ lại: “Những năm 2007 – 2008 là thời gian xảy ra một loạt vụ bạo hành trẻ ở các nhóm trẻ tư nhân, điển hình là vụ bà Quảng Thị Kim Hoa ở TP Biên Hòa, Đồng Nai (về sau bị kết án tù). Đó cũng là những năm hệ thống trường tư phát triển khá mạnh mẽ, nhưng chính từ đó mà chúng tôi nhận ra một số vấn đề. Trường tư tốt thì học phí cao, ít ra cũng mức 2 – 3 triệu đồng/ tháng/em trở lên. Dân mình phần đông chưa đủ khá giả để cho con học ở những trường tư đó. Trường công thì không đủ trong khi nhu cầu gửi con của người dân rất bức xúc. Vậy là đẻ ra một loạt nhóm trẻ gia đình hoặc trường tư thu giá rẻ ở mức mà dân nghèo có thể chịu được. Nhưng những nhóm, trường đó lại có vấn đề về chất lượng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho trẻ”.

Trước thực trạng trẻ em bị ngược đãi trong các nhóm trẻ gia đình, đầu năm 2008, lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ mầm non. Vấn đề xây thêm trường mầm non công cho thành phố đã được đặt ra. Một đại diện Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng thành phố không thiếu tiền đầu tư xây trường cho trẻ nhưng vướng là nghị quyết 05 về chủ trương xã hội hóa giáo dục và quyết định 161 (ban hành tháng 11-2002) không cho phép tiếp tục xây thêm trường mầm non công lập ở vùng kinh tế xã hội không thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong cuộc họp này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM  vẫn tuyên bố: “TP. HCM phải xây thêm nhiều trường mầm non công lập!”. Theo bà Hà, các quận huyện cứ mạnh dạn làm, nếu vướng chỗ nào cứ báo cáo, thành phố sẽ đưa ra thường trực UBND TP để chủ tịch quyết định, vì “nếu không làm là có tội với các cháu”.

“Lúc đầu ngành GD-ĐT thành phố cũng phải thuyết phục các cấp lãnh đạo khi đi ngược lại với chủ trương trung ương. Rất may TP. HCM là một thành phố năng động. Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của thành phố hồi đó đều là phụ nữ, là những người đã từng nuôi con nhỏ như chị Phương Thảo, chị Thu Hà…nên họ rất thông cảm với các phụ huynh. Vả lại, TP.HCM vốn dĩ là địa phương có phong trào xây trường mầm non từ ngay sau giải phóng. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn là Chủ tịch UBND TP.HCM đã có câu nói nổi tiếng: “dành những gì tốt nhất cho trẻ nhỏ”. Nhờ thế mà  ngành mầm non chúng tôi được sở hữu những trường học được xây, cải tạo từ những biệt thự mặt tiền rất đẹp mà nhà nước trưng dụng. Tôi nghĩ là thành phố này chưa bao giờ tiếc tiền xây trường cho trẻ” – bà Kim Thanh tâm sự.

 Cái chết của một chủ trương

Sau khi nghị quyết 05 ra đời, ngay trong không khí phấn chấn với chủ trương xã hội hóa này với nhiều bài viết ca ngợi nơi này nơi kia chuyển đổi trường bán công sang tư thục/dân lập ra sao, nhiều nhà chuyên môn, nhiều cán bộ quản lý cũng đã sớm nhìn ra những bất cập của nghị quyết này. Trên báo Sài Gòn Giải Phóng ra ngày 5-7-2006, tác giả Ngô Đạt đã đề nghị chính phủ sớm điều chỉnh chỉ tiêu với bậc học mầm non.

Theo ông Ngô Đạt, trong hướng dẫn triển khai nghị quyết 05, việc Bộ GD-ĐT chỉ đạo “không thành lập mới các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thành phố, thị xã, vùng kinh tế phát triển” là nguyên nhân vì sao mặt bằng xây dựng các trường mẫu giáo bị đóng băng.  Ông Đạt đề xuất trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, nhà nước phải nhận khó về mình, đóng vai trò chủ đạo, điều chỉnh chỉ tiêu định hướng nghị quyết 05 để nâng tỉ lệ trẻ em tuổi mầm non được nuôi dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ít nhất phải đạt 40%-50% và có xu hướng tăng dần để đến năm 2020, đa số trẻ em dưới 6 tuổi được nuôi dạy miễn phí trong các trường mầm non công lập.

Theo nhiều chuyên gia, không phải đến nghị quyết 05, giáo dục mầm non mới bị rơi vào nguy cơ “thoi thóp”. Từ nhiều chục năm qua, trong khi nhà nước mải mê hết phổ cập giáo dục tiểu học (bắt đầu từ năm 1991), rồi phổ cập giáo dục THCS (từ năm 2004), mầm non là bậc học gần như bị bỏ rơi. Một vài động thái “sực nhớ” qua một vài văn bản chỉ đạo, tưởng như vực dậy ngành giáo dục mầm non nhưng kỳ thực càng làm cho mầm non lạc đường, mà quyết định 161 ban hành năm 2002 nêu trên là một ví dụ. Quyết định này đưa ra các chính sách với giáo dục mầm non, trong định hướng phát triển khẳng định cơ sở giáo dục mầm non công lập được xây dựng chủ yếu ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa.

Nghị quyết 05 chính là bước tiếp nối một cách hùng dũng quan điểm đẩy mạnh “xã hội hóa” ngặt nghèo này. Một cán bộ cấp Vụ của Bộ GD-ĐT, người tham gia tham mưu cho Chính phủ soạn thảo nghị quyết 05 phân trần: “Từ quan điểm của ngày hôm nay rất khó để nói về nghị quyết 05. Đó là những năm cả nước sục sôi khí thế đẩy mạnh “xã hội hóa”, ngành nào cũng nói về xã hội hóa. Lúc đó giáo dục mầm non chưa phát triển nên người ta nghĩ rằng có thể để dân lo giúp nhà nước”.

“Phong trào phản biện” nghị quyết 05 từ Hà Nội, TP.HCM về sau lan dần khắp cả nước bằng một thực tế là chẳng địa phương nào đạt nổi chỉ tiêu 70 – 80% trẻ mầm non, mẫu giáo được học trong các cơ sở ngoài công lập. Thậm chí hầu như việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang dân lập/ tư thục không nhúc nhích khiến vào tháng 5-2009, Bộ GD-ĐT phải ban hành thông tư 11 cho phép (và hướng dẫn) chuyển đổi các cơ sở mầm non bán công sang công lập. Việc ban hành thông tư này như động thái thông đường giúp hàng ngàn trường bán công trong cả nước chuyển sang công lập. Nhưng động thái chính thức nhận trách nhiệm chăm lo cho thế hệ mầm non đất nước của chính phủ chính là ở việc ban hành quyết định phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015, ký ngày 9-2-2010. Theo đề án này, chính phủ nhận nhiệm vụ đến năm 2015 sẽ đảm bảo gần 80% trẻ 5 tuổi được học trong các trường mầm non công lập, riêng các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long và các vùng khó khăn là 100%.

Một kết thúc có hậu khác của phong trào phản biện nghị quyết 05 là việc Chính phủ ban hành quyết định 60/2011/QĐ-TTg thay thế quyết định 161với khẳng định “ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015, gồm có: ngân sách chi thường xuyên giáo dục và đào tạo, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA”. Rốt cuộc, ít nhất là các bậc cha mẹ – mà trong đó có không ít người từng mặc áo mưa đứng suốt đêm trước cổng trường mầm non để nộp đơn xin học cho con – nay cũng đã tạm yên lòng.



Theo Tuổi Trẻ