Tranh chấp lãnh thổ vẫn là rào cản trong quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ

22/05/2013 08:07
Nguyễn Hường (nguồn CSMonitor)
(GDVN) -  Tuy nhiên, những bất đồng về lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn âm ỉ cháy. Ấn Độ ngày nay đang ngày càng gần gũi với Washington và tỏ ra không ủng hộ nước này trong tranh chấp Biển Đông - một động thái mà Bắc Kinh không hề mong muốn.
Trung Quốc luôn hô khẩu hiệu rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai gã khổng lồ của châu Á, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và là hai láng giềng có nhiều điểm chung khác.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) và Trung Quốc Lý Khắc Cường tại New Delhi.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) và Trung Quốc Lý Khắc Cường tại New Delhi.

Tuy nhiên, chuyến công du New Delhi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua lại được giới phân tích xem là bằng chứng của mối quan hệ láng giềng khó hòa hợp.
"Ấn Độ là một quốc gia rất quan trọng đối với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi lại thiếu sự tin tưởng chiến lược" - Hồ Sĩ Thắng, người đứng đầu khoa Nghiên cứu Nam Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết.
Trong chuyến đi 3 ngày bắt đầu hôm 18/5, ông Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Manmohan Singh rằng, chuyến công du này nhằm mục đích để chỉ cho thế giới thấy sự tin tưởng chính trị lẫn nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, các hợp tác thiết thực đang được mở rộng và hai bên có nhiều lợi ích chung hơn là sự khác biệt.
Trung Quốc thực sự muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ trong thời điểm này vì một số lý do, trước hết Bắc Kinh không muốn Ấn Độ kết thân với Mỹ và các đối thủ khác của mình ở Thái Bình Dương như Nhật Bản. Thứ hai, Ấn Độ là một thị trường quan trọng đối với các công ty cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ có quan hệ láng giềng gần gũi mà còn đều là hai cường quốc đang phát triển và đã trở thành đối tác chiến lược đối với nhiều vấn đề quốc tế. Do đó, New Delhi và Bắc Kinh đã tìm thấy nhiều điểm chung trong các diễn đàn toàn cầu về các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc cải cách hệ thống tài chính quốc tế. 

Biên giới Trung-Ấn.
Biên giới Trung-Ấn.
Hai bên cũng tìm thấy nhiều cơ hội để thúc đẩy thương mại mang lại các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la cho mỗi bên mỗi năm.Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn còn ẩn chứa nhiều xung đột ngầm liên quan tới vấn đề biên giới.  
Trước khi Lý Khắc Cường tới Bắc Kinh, tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải một bài bình luận nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý "tách vấn đề biên giới ra khỏi mối quan hệ tổng thể và đảm bảo sự khác biệt không ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ song phương".
Nhưng lời nói chẳng dễ như việc làm. Theo Lora Saalman, một chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn Độ tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace ở Bắc Kinh, nếu đặt vấn đề chiến lược sang một bên chỉ tập trung vào quan hệ kinh tế thì sự bùng phát xung đột sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện - bà cảnh báo.
Tuy nhiên, những bất đồng về lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn âm ỉ cháy. Ấn Độ ngày nay đang ngày càng gần gũi với Washington và tỏ ra không ủng hộ nước này trong tranh chấp Biển Đông - một động thái mà Bắc Kinh không hề mong muốn.
Trong cuộc hội kiến với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tình hình các đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Nguyễn Hường (nguồn CSMonitor)