|
Theo ĐBQH Lê Nam (đoàn Thanh Hóa), điều 4 quy định trong hiến pháp thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng được nhân dân góp ý nhiều, tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, thống nhất cao. ĐB Nam đề nghị hiến pháp cần xem xét để làm sao cho sự lãnh đạo của Đảng phải phù hợp và tốt hơn. Câu chữ, bố cục của điều này còn một số vấn đề, nội dung cần tiếp tục có sự thảo luận, bổ sung cho hoàn chỉnh.
Đồng tình với vai trò lãnh đạo của Đảng, ĐBQH Lê Hiền Vân (đoàn Hà Nội) cho rằng, mục tiêu của Đảng là đảm bảo cuộc sống ấm lo, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua nhiều thời kỳ khó khăn nhưng Đảng vẫn khẳng định vai trò của mình… Bên cạnh đó đối với lực lượng vũ trang nhân dân phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân.
Cùng đề cập đến điều 4 hiến pháp, ĐBQH Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) khẳng định “vai trò lãnh đạo của Đảng là rất đúng. Nhưng ĐB Hà cũng đề nghị cần có cách viết, có quy định rõ hơn.
Thể hiện sự nhất trí cao, tuy nhiên theo ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội), để tránh bị lợi dụng, xuyên tạc, cần phải đưa thêm một nội dung nói rõ: “Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Nhưng Đảng không làm thay”.
Theo ĐBQH Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) tại khoản 3, điều 4 có nội dung: Các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. ĐB Quang đề nghị chỉ cần để các tổ chức của Đảng (không cần thêm cụm từ “và Đảng viên”) vì trước khi vào Đảng thì người Đảng viên đó đã là một công dân. Nghĩa là phải chấp hành đầy đủ hiến pháp và pháp luật.
“Đã là Đảng viên thì phải gương mẫu, vì thế khoản 3 điều 4 phải thể hiện rõ cụm từ “gương mẫu chấp hành pháp luật”. Trách nhiệm của Đảng viên với việc chấp hành hiến pháp, pháp luật cao hơn công dân bình thường” – ĐBQH Chu Sơn Hà đề nghị.
Thảo luận tại tổ hôm nay, nhiều ĐBQH cũng đề cập đến yếu tố quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, vai trò của Tòa án, VKS…
Đề cập đến nội dung có nên ban hành án lệ hay không, ĐBQH Đào Văn Bình cho rằng, hiện nay trong xử án có nhiều vụ án hành vi phạm tội tương tự nhau, trình độ xử án các cấp cũng cần được đào tạo. Vì thế nên có án lệ - hay còn gọi là bản án mẫu. Khi đã có án mẫu sẽ nâng cao trình độ, đồng thời công khai dân chủ. Qua đó người ta sẽ biết việc xét xử có công minh, công bằng hay không.
Một nội dung khác được nhiều ĐB quan tâm là việc đổi tên nay giữ nguyên như tên nước hiện nay. Đa số các ĐB ủng hộ phương án giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu đổi tên nước thành Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ phải thay đổi nhiều cái khác như con dấu, quốc huy sẽ rất phức tạp.
Trong quá trình thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có một số ý kiến xung quanh quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Về vấn đề này, TS Trương Minh Tuấn có một số ý kiến.
"...Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tuy nhiên, trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, quyền lực của Đảng luôn là quyền lực chính trị. Đảng cầm quyền, không có nghĩa là quyền lực chính trị của Đảng trở thành quyền lực nhà nước. Quyền lực chính trị của Đảng cầm quyền và quyền lực nhà nước là hai phạm trù khác nhau, mặc dù liên quan mật thiết với nhau. Quyền lực chính trị của Đảng cầm quyền trong mối quan hệ với Nhà nước được thể hiện trên hai phương diện: quyền định hướng chính trị cho tổ chức và hoạt động của nhà nước và quyền sử dụng bộ máy nhà nước để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Đảng cầm quyền không thực hiện quyền lực nhà nước và phải thông qua bộ máy nhà nước để thực hiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của mình. Đảng không làm thay công việc của Nhà nước. Do vậy để đảm đương sứ mệnh cầm quyền, Đảng phải chăm lo xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, bảo đảm cho bộ máy nhà nước thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ theo luật định...." - Nguồn: Báo Nhân Dân