Tại Hội đồng thi Trường THPT Việt – Úc, trước thời gian kết thúc môn thi 30 phút đã có nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi, do chưa có hiệu lệnh nên mặc dù làm xong bài nhưng các em không được ra ngoài.
Ra sớm nhất,thí sinh Lê Văn Thành học sinh trường Phổ thông năng khiếu Thể dục –Thể thao Hà Nội cho biết, đề Văn năm nay phù hợp với kiến thức của học sinh trung bình. Đề không khó nhưng khá dài, đòi hỏi tư duy và cách làm của thí sinh phải áp dụng hết mức.
Cũng ra trước khi hết giờ làm bài, thí sinh Lê Thị Loan, học sinh Trường THPT Trí Đức hồ hởi và vui sướng khi làm xong tất cả các câu trong đề. Đánh giá câu hay nhất theo Loan là câu nghị luận về một gương sáng học đường. Câu này rất thực tế và gây bất ngờ cho thí sinh.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Việt - Úc, nhiều thí sinh làm xong sớm với đề môn Văn. Ảnh Xuân Trung |
“Em làm xong hết, nói chung so với đề Văn mà em đã từng làm thử thì đây là đề khá hay và bất ngờ. Khơi gợi sự hiểu biết xã hội của thí sinh, em nghĩ em cũng phải được 7 điểm hoặc hơn” Loan tự tin cho biết.
Em đánh giá câu nghị luận xã hội về bạn Nguyễn Văn Nam (Nghệ An) khá sáng tạo, câu này em viết hết với tấm lòng cảm phục của em đối với bạn ấy. Do thi khối C nên môn Văn sáng nay em nghĩ cũng phải được 8 điểm trở lên” Linh cười tươi.
Đánh giá về đề Văn sáng nay và câu nghị luận xã hội nói riêng, thí sinh Nguyễn Trúc Quỳnh phân tích: “Đề ra mở, nếu những năm trước dạng nghị luận thường ít được đưa vào, nếu có cũng chỉ bó hẹp ở khoảng nào đó. Nhưng năm nay câu nghị luận này hay và mang tính hiện tượng xã hội, rất thú vị vì đề tạo sự bất ngờ cho thí sinh”.
Tại điểm thi ở trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, phần lớn các thi sinh nhận định đề thi "dễ thở". Ra sớm trước giờ thu bài, Nguyễn Thị Trà My học sinh trường THPT Cầu Giấy, hào hứng bình luận về đề thi. Theo My, cấu trúc đề thi năm nay khá hay và hay nhất ở câu nghị luận xã hội.
Thí sinh bất ngờ với câu hỏi nghị luận xã hội về một gương học sinh tiêu biểu. Ảnh Xuân Trung |
My cho rằng, với dạng đề ra một tình huống cụ thể về một gương học sinh hay nhân vật, trước hết thấy rất khâm phục lòng dũng cảm của nhân vật. Từ một điển hình cụ thể này các bạn thí sinh có thể học tập và rèn luyện để hoàn thiện mình hơn.
Với Trà My, em thi khối A nên môn Văn không được tự tin lắm vì các môn thế mạnh chưa thi, cố gắng làm thật tốt từng môn là mục tiêu của My.
Trái với My, một học sinh trường THPT Đông Đô lại cho rằng, đề ra sát với chương trình SGK và rất bất ngờ với câu nghị luận xã hội. “Vấn đề mở luôn được chúng em thích vì như vậy sẽ hạn chế quay cóp mà thay vào đó là phát triển tư duy, và sự am hiển cuộc sống của mỗi thí sinh. Với bạn Nam trong đề nghị luận dù hơi bất ngờ nhưng em làm rất tốt” My tự tin.
Tại khu vực Q. Hà Đông, ghi nhận cho thấy sau khi làm xong môn Văn nhiều thí sinh tỏ ra thích thú với câu 2 của đề, đánh giá đây là câu hỏi hay, mang tính thời sự và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Cau hỏi yêu cầu: “Viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:
Chiều ngày 30/4/2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 T7, trường THPT Đô Lương I nghe tiếng cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chơi dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi”
Để làm tốt câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức xã hội và kỹ năng viết văn nghị luận. Một thí sinh vui mừng nói: ““Câu 2 là câu khó nhất trong đề thi nhưng cũng là câu em thích nhất. Em đã dành tình cảm cho bài làm và em hài lòng với bài thi của em hôm nay”.
Xuân Trung