BigC bán táo thối: Sự cố tiêu dùng gây bức xúc tuần qua

03/06/2013 07:49
P. Liễu
(GDVN) - Tuần qua, sự cố BigC bán táo thối cho người tiêu dùng một lần nữa khiến dư luận bức xúc.
1. BigC bán táo thối cho khách hàng

Theo Người lao động, sáng 25/5, chị Vũ Thị Hạnh ngụ tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm - TP Hà Nội cùng gia đình đi mua sắm tại siêu thị BigC the Garden (Mỹ Đình - Hà Nội).
 
Sau khi mua những thứ hàng cần thiết, khi đi ngang quầy hàng bán trái cây, chị Hạnh thấy siêu thị đang có chương trình khuyến mại sản phẩm táo đỏ nhập khẩu từ Mỹ với giá 39.900 đồng/kg. Thấy giá quá rẻ nên chị Hạnh đã mua 3 quả táo Mỹ, trọng lượng 0,584 kg với giá thanh toán là 23.302 đồng.
 
Táo được chị Hạnh mua tại siêu thị Big C.
Táo được chị Hạnh mua tại siêu thị Big C.

Mua được sản phẩm trái cây nhập ngoại với giá rẻ, về đến nhà chị Hạnh bổ 3 quả táo ra để cả gia đình cùng thưởng thức. Thế nhưng, khi bổ xong quả thứ nhất, cả nhà chị đã tá hỏa khi thấy quả táo thối đen và hư hỏng toàn bộ bên trong, dù vỏ quả táo vẫn tươi ngon và nhìn bên ngoài trông rất đẹp mã. Sau đó, chị Hạnh tiếp tục bổ 2 quả táo còn lại, thì táo cũng bị thối tương tự như quả táo ban đầu.
 
Theo chị Hạnh, sau khi kiểm tra, đại diện siêu thị BigC the Gaden đã xin lỗi và mong gia đình chị Hạnh thông cảm và cho rằng đây là "sự cố đáng tiếc", đồng thời xin hoàn trả lại số tiền mà chị Hạnh đã mua số táo nói trên.

2. Tương ớt Trung Thành sủi bọt, gây đau bụng cho NTD

Theo Pháp luật và xã hội đưa tin, chị Thu Phương, ngõ 24, Ngọc Lâm, Hà Nội cho biết, cách đây 1 tuần, gia đình chị có mua 1 lọ tương ớt có dung tích 250ml, mang nhãn hiệu Trung Thành của Công ty TNHH Trung Thành  (loại tương ớt vàng).

Đến sáng 26/5, sau khi ăn sáng bằng phở có trộn tương ớt Trung Thành, chị Phương thấy người mệt mỏi và liên tục bị đau bụng, đi ngoài.

Tương ớt Trung Thành sủi bọt, gây đau bụng cho NTD.
Tương ớt Trung Thành sủi bọt, gây đau bụng cho NTD.

“Do nghi ngờ lọ tương ớt không đảm bảo chất lượng nên gia đình tôi đã mang lọ tương ớt này ra kiểm tra. Qua quan sát bằng mắt thường, tôi phát hiện lọ tương ớt này bốc mùi chua và bị sủi bọt trắng xóa nổi ở bề mặt bên trên tương ớt”, chị Phương cho hay.

Theo quan sát của PV, chai tương ớt mà gia đình chị Phương sử dụng ghi ngày sản xuất 24/12/2012 có hạn sử dụng đến 24/12/2013. Bên trong lọ tương ớt bọt trắng nổi từng lớp phủ gần kín bề mặt phía trên.  Lớp bọt trắng này kết tủa lại với nhau trông rất mất vệ sinh.

“Sau khi phản ánh sự việc, đại diện của Công ty TNHH Trung Thành đã đến xin lỗi gia đình về chai tương ớt sủi bọt, kết tủa. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Trung Thành cho rằng, chai tương ớt bị…lên men”, chị Phương nói.
3. Mít xanh non bị tiêm hóa chất để thúc chín

Theo Vietnamnet, hiện tại các chợ lớn nhỏ của Hà Nội quanh năm bán mít, các xe hàng rong cũng bán mít khắp các phố phường khiến người dân được ăn mít quanh năm.

Những quả mít xanh nhưng bên trong chín vàng được bày bán.
Những quả mít xanh nhưng bên trong chín vàng được bày bán.

Quan sát những quả mít còn nguyên vẹn lớp vỏ bên ngoài, thì vỏ mít cứng, xanh non chứ không chuyển màu nâu, gai mít dày, nhọn, cứng và thân không tỏa ra mùi hương ngào ngạt như mít chín tự nhiên. Tuy nhiên, toàn bộ bên trong các múi đều chín vàng, kể cả trong trường hợp có những quả mít bổ ra múi rất nhỏ do chưa đạt đến tuổi thu hoạch.

TS Nguyễn Văn Khải, một chuyên gia về nuôi trồng rau quả sạch cho biết: Người trồng có thể tiêm nhiều loại hóa chất khác nhau thuộc nhóm etilen hoặc metilen để kích thích mít chín nhanh, nồng độ ít hay nhiều còn phụ thuộc vào sự am hiểu của người tiêm, tuy nhiên hiện nay việc sử dụng hóa chất này rất tùy tiện, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

4. Tai heo tẩm nhựa thông thành đồ nhậu giòn thơm

Trên tờ Người lao động cho biết, ngày 28 và 29/5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng huyện Bình Chánh kiểm tra khu chế biến lòng, tai heo tại cơ sở Võ Hồng Trân, nằm trong khuôn viên Công ty TNHH Thương mại Chế biến thủy hải sản Hải Yến (E11/318 Quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh).

Xưởng sản xuất tai heo bẩn.
Xưởng sản xuất tai heo bẩn.

Đi sâu vào bên trong, đoàn kiểm tra càng lạnh người bởi công đoạn “làm sạch sản phẩm” của cơ sở này quá bẩn thỉu. Đầu và tai heo thu gom về được nhân viên đổ vào lò nhựa thông đang sôi sùng sục. Sau 3 phút, họ lấy vợt vớt ra rồi dùng quạt máy thổi khô để tách lông cho dễ dàng.

Tiếp theo, sản phẩm được bỏ vào một bồn nhựa đựng đầy nước đá đặt cạnh nhà vệ sinh. Vài phút sau, chúng được đưa ra khỏi “căn phòng bí mật”. Bên ngoài, một số nhân viên chờ sẵn để làm tiếp công đoạn rửa, ngâm, cho vào túi ni lông rồi đưa vào kho lạnh.

5. 80% hàng giả nhập lậu từ Trung Quốc

Đây là con số được Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) đưa ra tại hội thảo “Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán rượu và thuốc tân dược giả tại Việt Nam”, do Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an, phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.
 
Hàng giả sản xuất từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam phần lớn là thành phẩm hoàn chỉnh, còn được nhập khẩu bằng đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch nhưng chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80%).
 
Đáng chú ý, những sản phẩm này còn cạnh tranh trực tiếp với hàng chính hiệu như dầu gội đầu của Unilever Việt Nam, phụ tùng xe máy nhãn hiệu Honda, vòi sen tắm nhãn hiệu Joden, Sanwa, hóa mỹ phẩm hiệu Debon, Sishedo, phụ tùng ô tô Toyota, Daewoo, quần áo hiệu Gucci, Adidas, Nike, đồ điện gia dụng hiệu Phillips, National…

6. Nguy cơ nhiễm độc tố trong đồ chơi trẻ em

VTV đưa tin, nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em tại Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can (Hà Nội)… đã giảm nhiều lượng hàng bày bán, thậm chí có cửa hàng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Tại các cửa hàng còn lại, đa số sản phẩm bày bán không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi. Những sản phẩm này chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Đồ chơi Trung Quốc có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm và gây ra nhiều bệnh khác nhau.
Đồ chơi Trung Quốc có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm và gây ra nhiều bệnh khác nhau. 

Theo bác sĩ Lê Thanh Huyền (Bộ Y tế), trẻ có thể nhiễm độc từ các yếu tố thôi nhiễm nguy hiểm có trong các loại đồ chơi như siêu nhân, ô tô, bộ xếp hình... Các yếu tố này chính là các nguyên tố cấu tạo nên vật liệu nhựa, thủy tinh, kim loại, phẩm màu. 

Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm và gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày... Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.

P. Liễu