LS Triển: Cần khởi kiện ra tòa các trang tin "chôm chỉa" như kiểu 24h

07/06/2013 06:58
Văn Hoàng
(GDVN) - “Ăn cắp bản quyền báo chí đã là nạn dịch, vẫn chưa bị ai tuýt còi từ lâu để chống lại 'nạn dịch' này. Các cơ quan báo chí, phóng viên, tác giả bị “ăn cắp” bài viết phải lên tiếng và có quyền khởi kiện ra toàn án để giải quyết tranh chấp” – TS.LS Trần Đình Triển cho biết.
Mới đây các Bộ, ban, ngành, các cơ quan nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố nhận được thông báo 1432 của Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về sự việc các trang web “đội lốt” các cơ quan báo chí gây hiểu nhầm.

Thậm chí là tình trạng “ăn cắp” tin bài trái phép, xáo xào tin bài của các báo điện tử, vi phạm nghiêm trọng bản quyền, tước đoạt mồ hôi công sức của những người làm báo... mà có thể kể ra đây cái tên trang tin 24h. Một lần nữa vấn đề bản quyền trên báo chí internet lại được bàn đến.

Vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ, luật báo chí, xuất bản báo chí


TS.LS Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) khẳng định: “Ăn cắp bản quyền báo chí đã trở thành nạn dịch mà không bị ai tuýt còi”
TS.LS Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) khẳng định: “Ăn cắp bản quyền báo chí đã trở thành nạn dịch mà không bị ai tuýt còi”


Liên quan đến vấn đề “ăn cắp” bản quyền trên của các tờ báo nói chung, trên các tờ báo điện tử nói riêng, mà điển hình là trường hợp của trang tin 24h. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam TS.LS Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) khẳng định: “Đây là đã trở thành nạn dịch và vẫn chưa bị ai tuýt còi”.

Theo TS.LS Trần Đình Triển tình trạng ăn cắp bản quyền của các tờ báo đã diễn ra từ lâu. Trước đây tình trạng báo giấy ra báo rồi nhưng một số báo lấy lại và đăng nhưng chắc chắn bài viết này đều đăng sau nên không có ý nghĩa (thông tin không có giá trị thời sự - pv) vì vậy việc lấy thông tin đăng lại bài của nhau là rất ít xảy ra.

Nhưng với các trang thông tin điện tử thì chỉ cần bài viết của một cơ quan báo chí nào đó đưa lên thì có thể ngay lập tức các trang thông tin điện tử có thể lấy lại bài đó.

"Để được cấp phép, 24h chỉ cần các văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp tin, cụ thể là các tờ báo điện tử. Nhưng trên thực tế thì họ lấy tin vô tội vạ của tất cả các tờ báo.

Vì vậy, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra hoạt động của các trang mạng thông tin kiểu như 24h". - Luật sư: Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng


TS.LS Trần Đình Triển cho rằng hiện nay có rất nhiều cách để các trang tin điện tử, trang web “ăn cắp” bài viết trên các tờ báo điện tử. Về nội dung bài viết các trang tin điện tử có thể lấy bài theo 2 cách, một là người ta lấy bài nguyên bản, thứ hai là người ta có thể lấy nội dung trong bài và chế biến đi trở thành bài riêng của họ.

“Trong khi đó hiện nay sự cạnh tranh thông tin trên các trang báo mạng là tính thông tin nhanh, độc quyền thu hút người đọc rõ ràng việc một anh phải bỏ trí tuệ, bỏ công sức đi khai thác viết bài với một anh ở nhà chờ bài đăng “xào xáo” để trở thành của mình và thu hút người đọc là bất công” – TS.LS Trần Đình Triển cho biết.

Cũng theo TS.LS Trần Đình Triển ngoại trừ một số báo điện tử, một số tác giả bài báo khi đăng bài muốn được link bài viết mình truyền đi trên nhiều trang điện tử để tạo dư luận thu hút người đọc.

Hoặc trường hợp các trang tin điện tử có ký hợp đồng với các tờ báo điện tử để được lấy lại thông tin, các ký kết dẫn nguồn thông tin, hay trang tin điện tử trích dẫn lại từ các tờ báo điện tử, có ghi nguồn chính xác là từ báo nào, của tác giả nào là không vi phạm pháp luật.

Có một thực tế được TS.LS Trần Đình Triển đưa ra là hiện nay rất nhiều trang tin điện tử được cấp phép ra đời nhưng hoạt động không đúng theo giấy phép. “Vì theo quy định các trang tin điện tử trang web không có tư cách pháp nhân khi khai thác thông tin, phỏng vấn đưa tin, bài viết như phóng viên, nhà báo tại các cơ quan báo chí.

Chính vì vậy nhiều trang tin điện tử đã “ăn cắp” thông tin bài viết chế biến mà không ghi rõ nguồn hoặc lấy tin bài nhưng không xin phép những hành động như vậy là vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ, luật báo chí, xuất bản báo chí…” – TS.LS Triển phân tích.

Các cơ quan báo chí, tác giả cần khởi kiện ra tòa

Cùng với đó TS.LS Trần Đình Triển cũng chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trang thông tin điện tử lấy bài từ các tờ báo điện tử trong suốt thời gian qua là do các cơ quan báo chí chính thống, tác giả các bài viết tại các cơ quan này không liên tiếng.

Thay vì có một sản phẩm báo chí, những người làm nghề báo chân chính phải lăn lộn vất vả, đổ mồ hôi, thậm chí là máu...Thì những "phóng viên" trang tin điện tử chỉ ở nhà "xào xáo" và biến thành của mình một cách đơn giản.
Thay vì có một sản phẩm báo chí, những người làm nghề báo chân chính phải lăn lộn vất vả, đổ mồ hôi, thậm chí là máu...Thì những "phóng viên" trang tin điện tử chỉ ở nhà "xào xáo" và biến thành của mình một cách đơn giản.


“Ở những bài viết gây ảnh hưởng lớn lớn nếu việc các trang thông tin điện tử, trang web lấy lại bài viết của các phóng viên, bài viết của các báo mà gây phương hại cho tờ báo hay tác giả bài báo đó hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự, hoặc tố cáo với các thanh tra của sở thông tin truyền thông (với trang tin điện tử, trang web xin phép của sở) và Bộ Thông tin và Truyền thông với trang web, trang điện tử xin cấp phép của Bộ TT&TT để giải quyết những tranh chấp đó” – TS.LS Trần Đình Triển khẳng định.

Tuy nhiên, theo TS.LS Trần Đình Triển sẽ rất khó giải quyết tranh chấp vì đây là vấn đề trở nên phổ biến, “như một nạn dịch và không ai cầm còi để tuýt cả, cho nên vẫn vi phạm đều”. Mặc dù mới đây được biết Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có văn bản đề nghị các trang web, trang tin điện tử có đăng ký và nhắc nhở chuyện này. Tuy nhiên việc nhắc nhở đã có nhiều nhưng từ trước đến nay chưa có một vụ việc xử lý nghiêm túc nào về vấn đề này dẫn đến vẫn vi phạm.

Theo một thông tin mới nhất mà phóng viên báo Giáo dục Việt Nam nhận được thì hiện rất nhiều TBT của các tờ báo đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để chuyển hồ sơ vụ việc khiếu nại việc các trang tin ăn cắp tin bài trái phép từ tờ báo chính thống của mình lên các cơ quan chức năng như Bộ TTTT, Cục sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, các văn phòng luật sư cũng đang chuẩn bị hồ sơ, nhận sự ủy quyền của các tờ báo để tiến hành kiện các trang tin đã vi phạm luật báo chí và luật sở hữu trí tuệ ra tòa án....

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...


Ông Tô Văn Long, Trưởng phòng Quyền tác giả - Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết, những tin, bài báo chí là một loại tài sản trí tuệ, tuy là tài sản vô hình nhưng vẫn được bảo vệ về bản quyền tác giả, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất ra bài báo đó.

Theo Nghị định 47/2009/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm bản quyền như các trang tin trên có thể bị phạt ở mức cao nhất từ 400 – 500 triệu đồng đối với hàng hóa có giá trị trên 500 triệu đồng.


Văn Hoàng