“Đổi tên nước sẽ không có lợi, làm phát sinh thêm nhiều thủ tục”

03/06/2013 17:16
Mai Nguyễn
(GDVN) - “Việc thay đổi tên nước sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp vì phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu…” - ĐB Nguyễn Văn Tuyết nêu quan điểm tại hội trường ngày 3/6.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: Đổi tên nước thời điểm này không có lợi
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: Đổi tên nước thời điểm này không có lợi

Tham gia góp ý về dự thảo sửa đổi hiển pháp, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan, đoàn Quảng Ngãi thống nhất việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay vì đã thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất nhà nước là dân chủ, tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, đảm bảo tính ổn định.

Tên gọi này cũng đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay và đã được chính thức ghi nhận vào Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.

Có cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mặt khác việc thay đổi tên nước sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp vì phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu…

ĐB Huỳnh Thế Kỳ, đoàn Ninh Thuận thì cho rằng, tên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi khẳng định rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới. Ngoài ra tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng phù hợp với nền chính trị hiện tại và mục tiêu định hướng phát triển của đất nước của nước ta trong thời gian tới.

ĐB cho rằng, ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp, bởi lẽ: "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là tên gọi đã được Quốc hội Khoá VI quyết định vào ngày 2/7/1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và được sử dụng ổn định cho đến nay.

Tên gọi này gắn với giai đoạn hoà bình, độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước. "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là tên gọi khẳng định làm rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới là phấn đấu thực hiện thành công Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa, là phù hợp với giai đoạn cách mạng trước 1945 ở nước ta. Đó là thời kỳ đất nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa vận động trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên Chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó và phát triển theo lôgíc bởi thể chế mới là chủ nghĩa xã hội.

“Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và đảm bảo ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Giữ vững niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng, và nhà nước, tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự” – ĐB Kỳ khẳng định.

Đồng tình với việc giữ tên nước như hiện nay, theo ĐB Trần Văn Tư, đoàn Đồng Nai nêu quan điểm: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự lựa chọn không phải ngẫu nhiên mà nó là kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và 37 năm qua thấy rằng tên nước và đến thực hiện chức trách quản lý Nhà nước thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.

Do vậy theo ĐB: “Giữ tên nước như hiện nay tôi thấy vẫn đảm bảo theo định hướng, theo đường hướng của Đảng và bảo đảm cho chế độ dân chủ của nhân dân. Khi đổi tên nước hiện nay xét thấy rằng cái không được nhiều hơn cái được. Bởi vì đổi tên nước không có cơ sở, không có căn cứ thì có thể sẽ đảo lộn, gây xáo trộn không cần thiết”.

Tuy nhiên đề cập đến nội dung lựa chọn tên nước, ĐB Chu Sơn Hà lại nêu ra lựa chọn khác. ĐB Chu Sơn Hà - TP Hà Nội nói nhiều cử tri đề nghị lấy tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa vì cho rằng tên gọi này gắn với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên của nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945…

“Cử tri nhận thấy tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nó bền vững theo thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, làm niềm tin của mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài” – ĐB Hà phát biểu.


Mai Nguyễn