Trung Quốc cố tỏ ra lo ngại các nước phát triển lực lượng tàu ngầm

05/06/2013 07:46
Việt Dũng
(GDVN) - TQ hoang mang vì hiện nay khu vực Đông Á đều đã trở thành khu vực tập trung tàu ngầm lớn nhất thế giới, dù về số lượng hay về cường độ hoạt động.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga

Theo Tân Hoa xã, ngày 26 tháng 5, tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản cho biết, gần đây tàu ngầm Hải quân Trung Quốc liên tiếp 3 lần xuất hiện ở khu vực tiếp giáp của Nhật Bản (bên ngoài lãnh hải khoảng 22 km). Bài báo cho rằng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định 2 lần trong số đó là hoạt động của tàu ngầm thông thường mới lớp Nguyên của Trung Quốc.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Nhật Bản không chỉ quan tâm đến điều đó. Liên tục nhiều ngày, Bộ Quốc Quốc phòng Nhật Bản liên tiếp tuyên bố phát hiện dấu hiệu hoạt động của tàu ngầm ở vùng biển gần đảo Okinawa: ngày 2, ngày 12 và ngày 19 tháng 5, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã điều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C tiến hành theo dõi đối với tàu ngầm "không rõ quốc tịch", đồng thời tăng cường cảnh giới đối với vùng biển xung quanh đảo Senkaku.

Mặc dù tình hình này phải đợi kiểm chứng, nhưng ở vùng biển Đông Á hoàn toàn không rộng lớn, ngoài việc theo dõi, giám sát lẫn nhau giữa tàu chiến mặt nước và máy bay, "cuộc chiến dưới lòng biển khơi" thực sự ngày càng gay gắt, cuộc đấu giữa theo dõi và chống theo dõi, bao vây và chống bao vây đang không ngừng diễn ra. Đông Á là khu vực hoạt động tàu ngầm nhộn nhịp nhất

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các đại dương trên thế giới đều từng là nơi diễn ra cuộc rượt đuổi tàu ngầm với số lượng khổng lồ giữa Mỹ và Liên Xô. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cùng với việc giảm mạnh số lượng tàu ngầm của Hải quân Nga, nhân vật chính chạy đua dưới lòng biển từng bước từ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ-Nga nhường chỗ cho tàu ngầm thông thường của các khu vực. Hiện nay, dù về số lượng hay về cường độ hoạt động, khu vực Đông Á đều đã trở thành khu vực tập trung tàu ngầm lớn nhất thế giới.

Tàu ngầm AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc
Tàu ngầm AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc

Xét thấy tàu ngầm có tính chất ẩn náu tương đối mạnh, uy lực đột kích dưới nước to lớn, mười mấy năm qua, các nước Đông Á đều rất coi trọng xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm, đồng thời mỗi nước sở hữu lực lượng tàu ngầm có số lượng tương đối khả quan.

Trong đó, trung đoàn tác chiến tàu ngầm 9 của Hải quân Hàn Quốc cũng là một lực lượng tàu ngầm duy nhất của Hàn Quốc hiện nay, tổng cộng có 9 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo lớp 1.300 tấn, 2 tàu ngầm Type 214. Hơn nữa, Hải quân Hàn Quốc hy vọng sở hữu "hạm đội tàu ngầm" có 25-30 tàu ngầm tính năng cao vào trước năm 2020.

Mặc dù bị hạn chế bởi "Hiến pháp hòa bình", Nhật Bản vẫn luôn duy trì số lượng tàu ngầm hiện có với khoảng 16-18 chiếc, nhưng Nhật Bản tiến hành đổi mới, thay thế bằng cách áp dụng phương thức mỗi năm cho nghỉ hưu 1 chiếc tàu ngầm cũ, biên chế 1 chiếc tàu ngầm mới, công nghệ chế tạo tàu ngầm thông thường của họ cũng đạt trình độ hàng đầu thế giới, 3 loại tàu ngầm gồm Soryu, Harushio, Oyashio có các đặc điểm như trọng tải lớn, tiếng ồn thấp, lặn sâu, khả năng dò tìm dưới nước và khả năng chạy liên tục mạnh.

Đồng thời, Nhật Bản đã tiến hành “niêm phong bảo vệ” chu đáo đối với vài chục tàu ngầm đã nghỉ hưu, có thể khôi phục sức chiến đấu trong thời gian ngắn. Nói một cách tổng thể, số lượng tàu ngầm thực sự có thể đưa vào tác chiến của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản ít nhất gấp đôi hiện có trở lên, tức là khoảng 30-40 chiếc.

Tàu ngầm diesel AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu ngầm diesel AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Lực lượng tàu ngầm cảu Hải quân CHDCND Triều Tiên luôn có màu sắc bí ẩn. Theo truyền thông Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên rất coi trọng tàu ngầm đặc biệt là chế tạo và huấn luyện sử dụng tàu ngầm cỡ nhỏ. Dự đoán, Hải quân CHDCND Triều Tiên sở hữu khoảng 60-70 tàu ngầm tác chiến.

Lực lượng tàu ngầm Nhật Bản bí mật mở rộng?!

Trừ các nước Đông Á, số lượng và tần suất tàu ngầm Mỹ, Nga xâm nhập các vùng biển Đông Á cũng liên tục gia tăng. Hiện nay, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ có 39 tàu ngầm động cơ hạt nhân, mặc dù không thiết lập căn cứ neo đậu chuyên dụng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng hàng năm tàu ngầm quân Mỹ đều tới tấp ra vào biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải.

Còn theo kế hoạch quay trở lại châu Á của Mỹ, trong mấy năm tới, khu vực chiến lược Thái Bình Dương của quân Mỹ ít nhất sẽ có 9 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Ohio, các loại tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân tăng lên tới 33-35 chiếc. Đồng thời, quân Mỹ còn đang thúc đẩy các đồng minh như Australia ra sức phát triển lực lượng tàu ngầm để ứng phó với "mối đe dọa chung".

Căn cứ vào quy hoạch của Hải quân Australia, 6 tàu ngầm thông thường lớp Collins hiện có của Hải quân Hoàng gia Australia sẽ từng bước được tàu ngầm kiểu mới có thể mang tên lửa hành trình tầm xa thay thế, phạm vi hoạt động của tàu ngầm Australia cũng sẽ mở rộng tới vùng biển Đông Á.

Tàu ngầm thông thường lớp Collins của Hải quân Australia
Tàu ngầm thông thường lớp Collins của Hải quân Australia

Hiện nay, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sở hữu khoảng 12 tàu ngầm động cơ hạt nhân và 8 tàu ngầm động cơ thông thường lớp Kilo. Căn cứ vào "Quy hoạch phát triển tương lai của Hải quân Liên bang Nga", đến khoảng năm 2025, số lượng tàu ngầm tính năng cao của Hải quân Nga sẽ tăng lên khoảng 95 chiếc, trong đó lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ được ưu tiên tăng cường.

Cần phải nói rằng, tàu ngầm tăng lên nhanh chóng ở khu vực Đông Á có bối cảnh phức tạp đa dạng. Các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ thông qua triển khai tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược, tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân có tính năng cao, thực hiện răn đe chiến lược, khẳng định hiện diện quân sự.

Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên thì dựa nhiều hơn vào chạy đua vũ trang khu vực và nhu cầu tranh chấp quyền lợi biển, mở rộng sức mạnh dưới nước của họ. Đặc biệt là Nhật Bản, không ngừng đề cập tới "mối đe dọa tàu ngầm lạ", từ đó tạo cớ mở rộng lực lượng tàu ngầm của mình.

Đối với Trung Quốc và theo cách thức nước này tuyên truyền, các loại tàu ngầm không ngừng gia tăng ở các vùng biển xung quanh đã tạo ra mối đe dọa đối với an ninh các tuyến đường hàng hải.

Từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến nay, tàu ngầm có khả năng giữ bí mật mạnh, uy lực đột kích lớn luôn là mối đe dọa to lớn của vận chuyển đường biển.

Mối đe đọa của tàu ngầm tương tự như thủy lôi, có khả năng "răn đe về tâm lý", bởi vì khi tàu ngầm “địch” hiện diện ở một vùng biển nhất định thì nó được coi như là một “vùng biển cấm” đối với đội tàu thương mại không có khả năng tự vệ.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey của Hải quân Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey của Hải quân Nga

Đặc biệt là ở hướng biển Đông, các nước Việt Nam, Philippines cũng đang hoặc có kế hoạch sở hữu lực lượng tàu ngầm của mình, thậm chí tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ cũng đang có kế hoạch đến biển Đông, thậm chí vươn tới các vùng biển của Đông Á và Thái Bình Dương xa xôi hơn.

Những năm gần đây, các tuyến đường chiến lược trên biển trong đó có tuyến biển Đông-Ấn Độ Dương-vịnh Ba Tư đã trở thành sự “bảo đảm quan trọng” cho sự phát triển kinh tế liên tục của Trung Quốc. Nếu nói cướp biển Somalia là "mối lo gần", thì các loại tàu ngầm có ý đồ “thù địch” mai phục ở các tuyến đường hải hải - nơi có tàu thương mại Trung Quốc đi qua - sẽ là "mối lo xa".

Bài báo cho rằng, đứng trước tình hình an ninh các tuyến đường trên biển ngày càng nghiêm trọng, khả năng đáp trả dưới nước của Hải quân Trung Quốc cấp bách cần được tăng cường. Sự gia tăng liên tục của các mối đe dọa “ngầm” xung quanh cũng sẽ buộc Hải quân Trung Quốc phải đẩy nhanh các bước hiện đại hóa.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ
Việt Dũng