Nợ xấu ngân hàng từ thẻ tín dụng: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

08/06/2013 14:38
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu để tránh “nợ xấu” từ thẻ tín dụng các ngân hàng phải giảm hạn mức tín dụng đồng thời phải khảo sát, điều tra, nghiên cứu kỹ khả năng thanh toán của khách hàng.
Dùng thẻ tín dụng để giao dịch không phải là mới ở Việt Nam và nó vẫn đang được coi là một trong những phương thức thanh toán hiện đại. Đây là hình thức thanh toán này được thực hiện dựa trên uy tín. Chủ thẻ tín dụng không cần phải trả tiền mặt ngay khi mua hàng. 
Thay vào đó, ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán và Chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Thẻ tín dụng cho phép khách hàng "trả dần" số tiền thanh toán trong tài khoản. Thẻ tín dụng khác với thẻ ghi nợ vì tiền không bị trừ trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của chủ thẻ ngay sau mỗi lần mua hàng hoặc rút tiền mặt.
Nguy cơ nợ xấu từ thẻ tín dụng là rất lớn
Nguy cơ nợ xấu từ thẻ tín dụng là rất lớn
Đồng thời chủ thẻ cũng không phải thanh toán toàn bộ số dư trên bảng sao kê giao dịch hàng tháng. Tuy nhiên, chủ thẻ phải trả khoản thanh toán tối thiểu trước ngày đáo hạn đã ghi rõ trên bảng sao kê. Do thanh toán sau nên việc trả nợ cho ngân háng sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của chủ thẻ ở mỗi thời điểm khác nhau. Nếu chủ thẻ tín dụng bị mất việc, giảm thu nhập không có khả năng trả nợ trước ngày đáo hạn, số nợ này sau đó sẽ bị tính với mức lãi suất lớn. Nếu tiếp tục chủ thẻ không có khả năng thanh khoản sẽ khiến số nợ này trở thành nợ xấu tại các ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là làm sao vừa phát triển thẻ tín dụng mà vẫn đảm bảo an toàn tài chính cho ngân hàng. Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia cao cấp ngành Tài chính – Ngân hàng, người đã có 32 năm làm việc trong ngành ngân hàng tại Mỹ, Đức và một số nước Châu Âu khác.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia cao cấp ngành Tài chính – Ngân hàng, người đã có 32 năm làm việc trong ngành ngân hàng tại Mỹ, Đức
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia cao cấp ngành Tài chính – Ngân hàng, người đã có 32 năm làm việc trong ngành ngân hàng tại Mỹ, Đức 
- Thưa TS Nguyễn Trí Hiếu, ông đánh giá thế nào việc sử dụng thẻ tín dụng phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam thời gian qua?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Điều này thể hiện nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển với phương thức thanh toán, giao dịch hiện đại. Cũng khẳng định sự phát triển mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua. Để phát triển thị trường bán lẻ, các ngân hàng thực hiện phát hành thẻ tín dụng nhằm tăng khả năng giao dịch, mua bán mà không sử dụng tiền mặt. Đồng thờ hỗ trợ việc mua hàng trên mạng, book khách sạn, vé máy bay trực tuyến... Nhìn chung đó là tín hiệu tích cực về bộ mặt kinh tế nhưng nếu phát triển ồ ạt sẽ làm ra tăng nợ xấu tại các ngân hàng khi chủ thẻ không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Cộng với lãi suất nợ thẻ cao khiến khả năng trả nợ của chủ thẻ càng trở nên mong manh khi đó để giải quyết vấn đề ngân hàng phải nhờ sự can thiệp của toà án. Lúc này người chịu thiệt sẽ là các ngân hàng đặc biệt với chủ thẻ không có tài sản, mất hoàn toàn khả năng trả nợ.
- Không để “mất bò với lo làm chuồng” theo ông, các ngân hàng cần làm gì để tránh nguy cơ “nợ xấu” từ thẻ tín dụng?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi có hai cách, thứ nhất là phải giảm hạn mức tín dụng tất nhiên cũng sẽ giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, vì hạn mức tín dụng càng cao thì khách hàng càng được rút tiền mặt hoặc thực hiện mua bán, giao dịch càng lớn. Đến khi không còn khả năng trả nợ thì số tiền sự dụng theo hạn mức tín dụng đã quá lớn ảnh hưởng đến ngân hàng. Vì vậy trước tiên phải hạ mức tín dụng ngân hàng xuống một mức hợp lý. 
Cách thứ hai quan trọng hơn là việc phải khảo sát, điều tra, nghiên cứu khả năng thanh toán của khách hàng. Tôi xin lấy ví dụ tại Mỹ đang áp dụng hệ thống tính điểm cho tất cả người tiêu dùng theo thang bậc từ 400 – 800 điểm dựa trên tính toán từ ba công ty chính lớn nhất luôn làm công việc xếp hạng tín dụng cho người tiêu dùng là Standard & Poor's (S&P), Moody's, và Fitch Group.
Thang điểm từ 400 – 800 dựa trên nhiều chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất là thu nhập tiếp đó là chỗ ở cố định vì theo tính toán những người càng ổn định thu nhập, ổn định chỗ ở sẽ có khả năng trả nợ cao hơn, ít rủi ro hơn. Tiếp theo các công ty xếp hạng tín dụng sẽ tìm hiểu lịch sử trả nợ của người đó với các thẻ tín dụng họ đang sử dụng hoặc thẻ tín dụng của các ngân hàng trong quá khứ. 
Từ cách tính toán đó nếu một người đạt từ 700 – 800 điểm là nhóm tuyệt vời, từ 600 – 700 là tốt… đến nhóm dưới 400 điểm là nhóm nợ xấu sẽ không được cấp thẻ tín dụng. 
Đối chiếu sang thì ở Việt Nam chưa có hệ thống tính điểm như vậy các ngân hàng muốn tránh rủi ro phải điều tra rõ ràng thu nhập của một người/1 tháng và công việc của họ là gì, chỗ ở, cư trú tại đâu… Tiếp theo các ngân hàng cũng cần tìm hiểu thông tin xem họ đang nợ tại các ngân hàng nào, việc hoàn trả nợ đó ra sao, sử dụng thẻ tín dụng tại các ngân hàng nào? Về thông tin này các ngân hàng có thể tìm được tại Trung tâm thông tin tín dụng của CIC của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy cần kết hợp cả việc điều tra, nghiên cứu, khảo sát phân loại khách hàng cộng với giảm hạn mức tín dụng các ngân hàng sẽ giảm rủi ro mất tiền khi phát hành thẻ tín dụng.
- Nhưng tại Việt Nam hiện chưa có các công ty chuyên đánh giá xếp hạng tín dụng vậy làm sao để các ngân hàng trong nước có thông tin thường xuyên của khách hàng? Và hạn mức tín dụng nào là hợp lý cho thẻ tín dụng?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Để đảm bảo có thông tin liên tục thường xuyên từ khách hàng các ngân hàng phải yêu cầu nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đưa ra mẫu để khách hàng tự khai báo thu nhập, khả năng tài chính và chỗ ở, công việc của mình. Trong tờ khai đó khách hàng sẽ phải đưa ra thông tin cụ thể mới nhất như: Đang làm việc ở đâu hay mới mất việc làm, mới được tăng lương, thu nhập một tháng… Sau đó ngân hàng phải rà soát lại thông tin đó để có kết quả chính xác nhất.
Vì ở Việt Nam hiện nay chưa có các công ty chuyên đáng giá, xếp hạng tín dụng tiêu dùng nên việc điều tra, khảo sát khách hàng sẽ tùy vào khả năng của mỗi ngân hàng.
Về hạn mức tín dụng an toàn cho nhân hàng có thể dựa vào một số công thức tính như hạn mức tín dụng sẽ không được quá 50% thu nhập trước thuế của một người/1 năm. Hoặc hạn mức tín dụng đưa ra cao không được quá 3-5 lần thu nhập của một người/1 tháng. 

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Hoàng Lực