Tấn công tàu cá Việt Nam, TQ đang thực thi ý đồ độc chiếm biển Đông

07/06/2013 09:38
Quang Duẩn/Thanh Niên
Phó GS-TS Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã khẳng định như vậy khi nói về những hành động mà Trung Quốc liên tiếp đơn phương đặt ra như: áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông (bao gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam), đưa các đội tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, tàu Trung Quốc tấn công, quấy nhiễu các tàu cá của ngư dân ta.

Theo PGS-TS Chu Hồi ngư dân là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Dường như họ cảm nhận được sứ mạng cao quý Tổ quốc trao cho, nên bất chấp hiểm nguy từ phía các tàu của nhiều lực lượng khác nhau của Trung Quốc, ngư dân ta vẫn ra biển.

"Chúng ta phải động viên, khích lệ, cổ vũ và bảo vệ ngư dân ra khơi bám biển" - Phó GS-TS Chu Hồi khẳng định.

PGS-TS Chu Hồi
PGS-TS Chu Hồi

* Việc Trung Quốc liên tiếp đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông bao gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đưa các đội tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, tàu Trung Quốc tấn công, quấy nhiễu các tàu cá của ngư dân ta đang đánh bắt cá hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo ông nói lên điều gì?

- Sau khi Trung Quốc công bố pháp lý yêu sách phi lý về cái gọi là “Đường lưỡi bò đứt khúc 9 đoạn” chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông vào năm 2009, cùng với việc đẩy mạnh vận động quốc tế dưới nhiều hình thức, họ đang chuyển sang giai đoạn chứng minh năng lực kiểm soát thực tế vùng biển chủ quyền phi lý mà họ tuyên bố.

Đó chính là các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia (cả Việt Nam) và vùng tự do hàng hải quốc tế trong biển Đông. Họ đơn phương dùng đủ biện pháp như câu hỏi đặt ra ở trên, đặc biệt nghiêm trọng đã đe dọa và sử dụng vũ lực trực tiếp đối với tàu đánh cá và ngư dân ta khi đang đánh bắt cá hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Rõ ràng, Trung Quốc đang tiếp tục thực thi các gói kịch bản có sẵn trong ý đồ “độc chiếm biển Đông” để đạt được “Giấc mơ Trung Quốc” mà hậu nhiệm đã hứa với tiền nhiệm. Điều quan trọng là đừng để “giấc mơ” này làm xấu hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt của các dân tộc yêu chuộng hòa bình khác trong khu vực và trên toàn thế giới.

Từ xâm lấn vùng biển của các nước quanh khu vực biển Đông “trên giấy” đến xâm chiếm theo kiểu “gặm nhấm” kết hợp với đe dọa sử dụng vũ lực trên biển, Trung Quốc đã không thể biện minh cho những hành động sai trái của mình dù có đưa ra những lời lẽ bóng bẩy ngụy biện. 

Một trong những đối tượng mà họ đang hướng tới là ngư dân, trong đó có ngư dân Việt Nam - những người lao động chân chính được công pháp quốc tế bảo trợ nhân đạo. Không một lực lượng quân sự nào, của bất kỳ quốc gia nào, dù mạnh hay yếu, được quyền chĩa súng bắn thẳng vào ngư dân. Các quốc gia liên quan đến khu vực biển Đông cần cam kết và thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc như vậy.

* Xin cho biết cảm nghĩ của ông trước việc bất chấp sự quấy nhiễu, tấn công từ tàu Trung Quốc, ngư dân của chúng ta vẫn kiên gan ra khơi?

- Nghề cá là nghề truyền thống lâu đời của các thế hệ người Việt, là một trong bốn ngành kinh tế biển then chốt đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân. Nghề đã vậy, nghiệp của ngư dân lại chỉ có bám biển mới sống được, mới có sinh kế hằng ngày nuôi gia đình.

Bản chất nghề và nghiệp của họ đã khiến ngư dân trở thành những con người gan góc, mạo hiểm ra khơi làm giàu cho gia đình và đất nước. Khi gặp hiểm nguy trên biển, tố chất cao đẹp vốn có đó của người ngư dân “biến” họ thành những người anh hùng quả cảm, dạn dày kinh nghiệm chinh chiến biển cả.

Ý chí biển cả của dân tộc Việt Nam ta hòa quyện với hình ảnh đẹp của người ngư dân và được thể hiện trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” khi người về thăm làng cá Cát Bà và Tuần Châu vào năm 1959.

Phó SG-TS Chu Hồi cho rằng: "Không thể để ngư dân “đơn độc” mà cần phải động viên, khích lệ, cổ vũ ngư dân ra khơi bám biển..." - Ảnh: Nguyễn Tú
Phó SG-TS Chu Hồi cho rằng: "Không thể để ngư dân “đơn độc” mà cần phải động viên, khích lệ, cổ vũ ngư dân ra khơi bám biển..." - Ảnh: Nguyễn Tú



Ngư dân sẽ là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Dường như họ cảm nhận được sứ mạng cao quý Tổ quốc trao cho, nên bất chấp hiểm nguy từ phía các tàu của các lực lượng khác nhau của Trung Quốc, ngư dân ta vẫn ra biển.

Các thế hệ ngư dân, những người có công khai phá, phát triển kinh tế biển, mở mang bờ cõi đã được vinh danh trên bia đá ở đảo Lý Sơn. Thế hệ ngư dân hôm nay tiếp bước và sẽ xứng danh cùng cha anh trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

* Ngư dân ta có lòng yêu biển đảo Tổ quốc, dũng cảm ra khơi bám biển, nhưng rõ ràng họ đang phải đối mặt với nhiều mối nguy. Chúng ta không chỉ động viên, khích lệ, cổ vũ ngư dân ra khơi bám biển mà còn phải hỗ trợ họ. Theo ông, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân như thế nào để họ yên tâm bám biển?

- Đúng vậy, không thể để ngư dân “đơn độc” mà cần phải động viên, khích lệ, cổ vũ ngư dân ra khơi bám biển, duy trì hoạt động sản xuất trên biển. Không chỉ thế, để họ yên tâm bám biển lâu dài Nhà nước còn cần phải hỗ trợ chính sách phù hợp với từng đối tượng ngư dân (đánh cá xa bờ, gần bờ; hoạt động trên biển dài ngày, ngắn ngày; công việc trên biển của họ,…) để phát huy hiệu quả khi triển khai. Không nên nhầm lẫn chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ngư dân nghề cá nhỏ giống như nghề cá lớn, phải tập trung ưu tiên khác nhau đối với từng loại trong từng giai đoạn.

Ngư dân ta vẫn có quá nhiều nhu cầu nhận được sự hỗ trợ về các mặt: trợ giá nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất trên biển, trang bị thông tin liên lạc cho các tàu thuyền đánh cá xa bờ, hỗ trợ y tế, dự báo ngư trường đánh bắt hiệu quả, trợ giúp kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, hỗ trợ bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch, hỗ trợ bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm thủy sản đánh bắt, trợ giúp khi gặp rủi ro thiên tai và nhân tai, trợ giúp đóng và cải hoán tàu thuyền, chính sách thuế ưu đãi…

Trong bối cảnh của biển Đông hiện nay, để bảo vệ ngư dân bám biển còn cần sự trợ giúp an ninh cho họ trong thời gian sản xuất trên biển, bảo đảm kịp thời công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố bất trắc trên biển, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trước nạn cướp biển, tổ chức lại đội hình ra biển theo phương châm: tự chủ, tự quản, phối hợp sử lý tình huống nhanh chóng, linh hoạt; tăng cường kết nối quân dân, tổ chức gây quỹ nhân đạo nghề cá,…

* Chúng ta luôn khuyến cáo ngư dân thông báo sớm tình hình để có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhưng trên thực tế, trong các vụ tàu Tung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân ta, dường như ngư dân ta, trong nhiều trường hợp, đang phải tự chống đỡ trên biển và đều phải nhận sự thua thiệt. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

- Đấy là một thực tế hiện nay, mặc dù các lực lượng chấp pháp trên biển của ta đã có nhiều cố gắng nhưng cơ chế phối hợp vẫn còn hạn chế, lực lượng mỏng, phân tán nên chưa phát huy hiệu quả, chưa kịp thời. Lực lượng chấp pháp trên biển của ta chủ yếu vẫn làm nhiệm vụ trong các vùng biển gần bờ, ngoài xa bờ lực lượng dàn ra còn mỏng, số lượng tàu giám hộ còn hạn chế.

* Vậy Chúng ta cần làm gì để lực lượng hữu trách như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… luôn hiện diện trên các vùng biển, giúp ngư dân luôn tự tin và an lòng rằng, mình đang được bảo vệ, được hỗ trợ?

- Trong trường hợp này, cần tổ chức thành các đội tàu đánh cá xa bờ với định biên lớn, đủ để hỗ trợ nhau trên biển khi có tình huống xảy ra, các tàu được trang bị đầy đủ phương tiện tự bảo vệ. Hải quân và lực lượng tìm kiến cứu hộ, cứu nạn sẽ phải trợ giúp trực tiếp các đội tàu như thế nhiều hơn nữa.

Nên tổ chức lại và tăng cường lực lượng giám sát dân sự đối với hoạt động giám sát việc khai thác, sử dụng biển (hải giám), khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (kiểm ngư), xây dựng cơ chế phối hợp và kế hoạch ứng phó liên ngành để giảm thiểu các tác hại cho ngư dân.

Xây dựng các căn cứ giám sát dân sự trên các khu vực ven biển (phân theo chiều dài bờ biển, không lệ thuộc vào đơn vị hành chính cấp tỉnh) và trên các hải đảo để thuận tiện trong tuần tra, giám hộ và hỗ trợ ngư dân kịp thời khi tình huống xấu xảy ra. Ngoài việc tăng cường đội hình tàu tuần tra, giám hộ mới, nên cải hoán các tàu hải quân, hàng hải sang làm nhiệm vụ giám sát dân sự, tạo thuận lợi cho việc hiện đại hóa hải quân.

Để bảo đảm môi trường hòa bình trên biển Đông, tạo điều kiện cho các quốc gia cùng phát triển có lợi, thì về lâu dài các bên phải ngồi lại với nhau để bàn về một hiệp định nghề cá, dù biết trước là gian truân, không dễ dàng và chóng vánh. Trước mắt nên phối hợp tuần tra chung trên các khu vực biển chồng lấn xác định theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển 1982.

* Ngoài phản đối và đưa ra yêu cầu bằng các hoạt động ngoại giao… theo ông, chúng ta có cần thực hiện thêm biện pháp nào nữa để có thể ngăn chặn việc tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân ta?

- Vấn đề là ở chỗ sau những việc làm sai trái của phía Trung Quốc mà các cơ quan hữu trách và các hội nghề nghiệp của chúng ta lên tiếng phản đối mạnh mẽ vừa qua, phía Trung Quốc vẫn không thay đổi thái độ, thì làm sao thay đổi hành vi. Tôi cho rằng điều này liên quan đến nhận thức cấp cao từ phía Trung Quốc, họ không chịu thay đổi quan điểm về các tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông của họ. Mặc dù phía Việt Nam đã sử dụng cả các hoạt động ngoại giao để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xảy ra đối với ngư dân, nhưng phía Trung Quốc phớt lờ và ngụy biện, hơn thế họ còn tiếp tục gia tăng các hoạt động xâm lấn tinh vi hơn.

Cho nên, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan hữu trách và các hội đoàn liên quan, cần tranh thủ và tăng cường hơn nữa công luận thế giới, tìm tiếng nói chung trong ASEAN và khu vực Đông Á thông qua các diễn đàn đa phương.

Bên cạnh đó, phải mở rộng và tăng cường các hoạt động ngoại giao, thậm chí tiến tới thành lập một Tiểu ban hỗn hợp giải quyết các vấn đề nghề cá và ngư dân, tổ chức các diễn đàn đối thoại, trong đó xác định các trường hợp bắt buộc phải đền bù và các quy tắc thực thi.

Được như thế sẽ giúp cho hai nước không giải quyết kéo dài các sự vụ riêng rẽ, ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa ngư dân hai nước, làm mất uy tín của Trung Quốc với tư cách là nước lớn và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời thực hiện được chủ trương bảo đảm môi trường hòa bình trên biển Đông của Đảng và Nhà nước ta.

* Xin cảm ơn ông!

Nghề cá là nghề truyền thống lâu đời của các thế hệ người Việt, là một trong bốn  ngành kinh tế biển then chốt đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân. Nghề đã vậy, nghiệp của ngư dân lại chỉ có bám biển mới sống được, mới có sinh kế hằng ngày nuôi gia đình. Bản chất nghề và nghiệp của họ đã khiến ngư dân trở thành những con người gan góc, mạo hiểm ra khơi làm giàu cho gia đình và đất nước. Khi gặp hiểm nguy trên biển, tố chất cao đẹp vốn có đó của người ngư dân “biến” họ thành những người anh hùng quả cảm, dạn dày kinh nghiệm chinh chiến biển cả. - Phó GS-TS Chu Hồi
Quang Duẩn/Thanh Niên