Kỳ họp 5 Quốc hội khóa 13:

PTT Nguyễn Thiện Nhân nói về sai phạm trong xây dựng trường lớp

07/06/2013 11:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Trong báo cáo giám sát mà Quốc hội đã công bố về sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, PTT Nguyễn Thiện Nhân đã “giải trình” thêm trước Quốc hội những nội dung có liên quan đến việc thực hiện sử dụng trái phiếu Chính phủ trên lĩnh vực kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở cho giáo viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Vấn đề quan tâm là sai phạm bao nhiêu, chi không đúng bao nhiêu trong quá trình này? Đây là dự án có liên quan đến khoảng 20 nghìn dự án lớp học và nhà công vụ, chúng tôi rất mừng là theo chỉ đạo của Quốc hội, thanh tra Chính phủ đã có đợt thanh tra suốt năm 2012 về kiên cố hóa trường lớp học 10 tỉnh thành thì xác định được tỷ lệ chi chưa đúng quy định nhà nước là 1,7%. Theo tôi mỗi lần chi sai là đáng băn khoăn suy nghĩ, nhưng tỷ lệ như vậy chứng tỏ là Chính phủ và các địa phương chỉ đạo chặt chẽ”.

Phó Thủ tướng cho biết, do hoàn cảnh đất nước, đến năm 2007 tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học mới đạt 55%, còn 45% trường lớp chưa kiên cố hóa. Thực tế đầu tư những năm trước đó, bằng đầu tư cho giáo dục hàng năm từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương thì không đủ khả năng vừa xây trường mới vừa khắc phục trường cũ xuống cấp.

“Năm 2007 trên cơ sở kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và được Quốc hội chấp thuận, từ 2008 chúng ta có một chương trình đặc biệt, đó là dùng trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương để tăng tỷ lệ kiên cố hóa lớp học. Và tinh thần là trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương chứ không phải chi hoàn toàn”, Phó Thủ tướng cho hay.

PTT Nguyễn Thiện Nhân lý giải kinh phí trung ương không tăng, nhưng nhờ nỗ lực của các địa phương nên đã có thêm nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp học trong thời gian qua.
PTT Nguyễn Thiện Nhân lý giải kinh phí trung ương không tăng, nhưng nhờ nỗ lực của các địa phương nên đã có thêm nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp học trong thời gian qua.

Theo như số liệu Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân công bố trước Quốc hội sáng nay thì về kế hoạch kinh phí dự kiến là 24.800 tỷ cho giai đoạn 2008 – 2012, trong đó trái phiếu của trung ương là 17 nghìn tỷ ( chiếm 68%), kinh phí địa phương huy động là 7.700 tỷ (chiếm 32%). Thực tế các địa phương thuộc diện thuận lợi thì ngân sách địa phương đối ứng có thể đến 60-80%, còn địa phương khó khăn thì đối ứng là 20%.

Trong quá trình triển khai sau 6 tháng thì đã xuất hiện một số khó khăn và thông qua giao ban hàng quý đã nhận thức được và thảo luận các giải pháp tại thời điểm đó:

Thứ nhất là về giá cả, chúng ta xây dựng giá vào 2008 lạm phát xuất hiện, và chỉ sau 6 tháng các địa phương đều yêu cầu tăng định mức để đảm bảo số trường lớp học. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng thống nhất là phần giá trị trái phiếu không được tăng, vì Quốc hội đã duyệt gói chi phí. Như vậy, thực tế sẽ phải giảm số trường đi chứ không thể tăng kinh phí để đảm bảo số trường.

Giáo dục được đầu tư thấp nhất từ nguồn trái phiếu Chính phủ

"Giáo dục được đầu tư thấp nhất từ nguồn trái phiếu Chính phủ"

PTT Nguyễn Xuân Phúc nói về 6 điểm hạn chế của nền kinh tế - xã hội

PTT Nguyễn Xuân Phúc nói về 6 điểm hạn chế của nền kinh tế - xã hội

Thứ hai là về thiết kế thì Bộ Xây dựng đã có thiết kế trường với các khu vực, nhưng trên thực tế thì nền móng của trường lớp học không thể dùng chung cho cả nước, vùng đồng bằng với vùng miền núi khác nhau, cho nên thiết kế phải có yêu cầu điều chỉnh. Thống nhất giao cho sở xây dựng các địa phương cùng sở giáo dục tham mưu giải quyết vấn đề thiết kế.

Vấn đề thứ ba là chi phí xây dựng trường lớp học, nếu vật tư đưa lên miền núi giá cả sẽ khác miền xuôi, đưa ra đảo cũng khác miền xuôi, cho nên xác định trở lại là chi phí xây dựng do địa phương quyết định, thực hiện giám sát cơ sở.

Thứ tư là thực hiện giao ban trong năm đầu tiên mỗi quý một lần qua mạng toàn quốc, từ năm thứ 2 trở đi thì 6 tháng giao ban một lần, và có các đoàn kiểm tra các bộ, ngành kiểm tra, đánh giá hiệu quả.

Phó Thủ tướng phân tích: “Sau khi đánh giá thì có số liệu như số phòng học đạt 65%, thực ra tổng kinh phí không tăng, nhưng câu hỏi đặt ra là sử dụng có đúng không, có hiệu quả không?

Trong báo cáo dự kiến ngân sách ban đầu là 24 nghìn tỷ, nhưng thực chi qua 4 năm là 30.894 tỷ, trong đó ngân sách trung ương chi đảm bảo 100% và ngân sách địa phương rất nhiều tỉnh đã huy động thêm đạt 180%. Chính nhờ địa phương huy động tăng thêm nên tổng kinh phí của dự án vượt dự kiến ban đầu 24% và nhờ đó mới đạt được tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học 65%, còn nếu các địa phương chỉ chi theo kế hoạch thì tỷ lệ đạt sẽ thấp hơn”.

Kế quả đạt được từ chương trình này là đã xây dựng thêm 93 nghìn phòng học, góp phần cho 3 triệu học sinh, nhất là những vùng khó khăn đảm bảo được việc học tập tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng, giảm tỷ lệ bỏ học.

Về giáo viên, đã xây dựng được 22.997 nghìn phòng ở cho các thầy cô, góp phần cải thiện đời sống cho 88 nghìn giáo viên ở vùng khó khăn. Hai chỉ số này rất quan trọng và thể hiện tính đúng đắn trong chương trình của Chính phủ.

“Vấn đề quan tâm là sai phạm bao nhiêu, chi không đúng bao nhiêu trong quá trình này? Đây là dự án có liên quan đến khoảng 20 nghìn dự án lớp học và nhà công vụ, chúng tôi rất mừng là theo chỉ đạo của Quốc hội, thanh tra Chính phủ đã có đợt thanh tra suốt năm 2012 về kiên cố hóa trường lớp học 10 tỉnh thành thì xác định được tỷ lệ chi chưa đúng quy định nhà nước là 1,7%.

Theo tôi mỗi lần chi sai là đáng băn khoăn suy nghĩ, nhưng tỷ lệ như vậy chứng tỏ là Chính phủ và các địa phương chỉ đạo chặt chẽ”, Phó Thủ tướng lý giải.

Về vấn đề ký túc xá sinh viên, Phó Thủ tướng cho biết, qua khảo sát thực tế năm 2007 chỉ có 22% sinh viên ở KTX. Đây là môi trường để sinh viên giao lưu học tập và phát triển văn hóa, do đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và cũng được Quốc hội cho phép triển khai một chương trình nâng dần tỷ lệ sinh viên ở KTX lên 40X%, và giai đoạn đầu từ 2008-2012 phấn đấu xây dựng thêm khoảng 30 nghìn chỗ ở cho sinh viên, đặc biệt là ở các khu đại học tập trung.

Như vậy, đã có 46 dự án hoàn thành (gồm các nhà từ các nhà 3 tầng đến trên 10 tầng), đến nay đã có 330 nghìn chỗ ở KTX cho sinh viên. Như vậy, là đã hoàn thành vượt kế hoạch, sở dĩ có được kết quả ấy là khi thiết kế các đơn vị tìm cách tiết kiệm chi phí, tổng số tiền không tăng nhưng chỗ ở tăng 10%.

“Tôi xin báo cáo Quốc hội thông số như vậy để chúng ta hiểu tại sao số phòng lớp công vụ không giảm kết hoạch, tổng kinh phí không tăng nhưng chi phí thực tế tăng. Riêng lạm phát nếu lấy con số 2012 so với 2008 thì tăng gần 50%. Về phương hướng sắp tới thì chúng tôi đồng tình cao với phương hướng mà Quốc hội đã trình bày, nếu tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa lớp học và nhà công vụ thì chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Ngọc Quang