Tàu ngầm hạt nhân Arihant do Ấn Độ tự chế tạo |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 9 tháng 6 có bài viết cho rằng, Ấn Độ dự kiến sắp khởi động lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên Arihant.
Theo bài báo, vào tuần trước, Cục trưởng Cục nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ Saraswat cho biết, Ấn Độ đang làm công tác chuẩn bị cho việc thử nghiệm tàu ngầm Arihant trên biển.
Đài truyền hình New Delhi Ấn Độ cho biết, sau khi khởi động lò phản ứng, cơ quan có liên quan đến sẽ nhanh chóng bàn giao tàu ngầm Arihant cho Hải quân Ấn Độ, triển khai bố trí tác chiến đối với nó. Tàu ngầm hạt nhân Arihant có khả năng hoạt động thời gian dài trên biển, không cần nổi lên mặt nước.
Báo chí Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đạt được sự tiến triển to lớn trên con đường thực hiện khả năng răn đe hạt nhân. Theo Cục trưởng Cục nghiên cứu phát triển quốc phòng Saraswat, đây là sự đột phá công nghệ của Ấn Độ, nhìn vào thực lực công nghệ của Ấn Độ, Saraswat cho rằng đây là một cột mốc của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ phức tạp tàu ngầm động cơ hạt nhân.
Cục nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ đã chuẩn bị lắp tên lửa hạt nhân tầm trung K-15 cho tàu ngầm Arihant, tên lửa này từng tiến hành bắn thử vào ngày 27 tháng 1 tại bờ biển Visakhapatnam.
Tên lửa hạt nhân tầm trung K-15 trang bị cho tàu ngầm của Ấn Độ |
Tàu ngầm Arihant áp dụng kết cấu tàu ngầm hạt nhân lớp Skat Type 670 do Nga chế tạo, lượng giãn nước 5.000 tấn (có tin cho là 6.000 tấn). So với tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược lớp Ohio của Mỹ có lượng giãn nước 18.000 tấn, tàu ngầm Arihant rõ ràng có thân nhỏ bé.
Mũi tàu ngầm Arihant trang bị 6 ống phóng ngư lôi, có 4 ống phóng, có thể mang theo 12 quả tên lửa K-15 hoặc 4 quả tên lửa K-4 tầm phóng 3.500 km (đang nghiên cứu chế tạo).
Tên lửa K-15 dài khoảng 10 m, tầm phóng khoảng 700 km. So với tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo do các nước hạt nhân chính trên thế giới là Mỹ, Nga, tính năng của tên lửa K-15 rõ ràng rất "bình thường".
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey Nga có công suất gấp nhiều lần tàu ngầm Arihant của Ấn Độ |
Động cơ của tàu ngầm Arihant là lò phản ứng hạt nhân 85 megawatt. Trong khi đó, công suất lớn nhất của thiết bị động cơ chính của tàu ngầm lớp Borey Nga là 380 megawatt.
Có bóng dáng tàu ngầm do Nga chế tạo
Con đường phát triển tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ rất quanh co, thông qua phương thức thuê tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô cũ để có được kinh nghiệm thao tác và hỗ trợ công nghệ. Do sức mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản chưa đủ mạnh, cộng với nền tảng công nghiệp kém, Ấn Độ từng 3 lần khởi động nghiên cứu động cơ đồng bộ cho tàu ngầm hạt nhân, nhưng 3 lần nghiên cứu, tìm tòi đều không thành công.
Tháng 4 năm 2012, tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ thuê của Nga chính thức được biên chế cho Hải quân Ấn Độ. Việc biên chế này sẽ làm cho Ấn Độ trở thành một trong 6 quốc gia triển khai tàu ngầm động cơ hạt nhân trên thế giới.
Tuy Ấn Độ luôn tuyên bố tàu ngầm hạt nhân Arihant là do Ấn Độ tự chủ nghiên cứu phát triển, nhưng theo báo Nga, tàu ngầm này rõ ràng có hình dáng tàu ngầm do Nga chế tạo.
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga |
Xây dựng hải quân bằng 3 phương thức
Cùng với việc biên chế hệ thống tổng hợp gồm tên lửa đạn đạo phóng ngầm và tàu ngầm hạt nhân chiến lược, Ấn Độ sẽ sở hữu lực lượng hạt nhân trên biển thực sự. Sau khi được Nga cải tạo gần 10 năm, tàu sân bay Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ sẽ được bàn giao sử dụng vào cuối năm 2013.
Vào thượng tuần tháng 5, Ấn Độ đã thành lập lực lượng hàng không tàu sân bay. Đồng thời, với tính chất là máy bay chiến đấu chủ yếu của tàu sân bay này, Nga đã bàn giao máy bay MiG-29K cho Ấn Độ.
Nhìn vào tình hình hiện nay, mục tiêu xây dựng thành lực lượng hải quân lớn thứ hai thế giới bằng các phương thức như mua sắm từ nước ngoài, cải tạo và tự chủ nghiên cứu chế tạo luôn được Ấn Độ thúc đẩy tiến hành.
Ngoài ra, căn cứ tàu ngầm tuyệt mật ở bờ biển phía đông do Ấn Độ xây dựng đã cơ bản thành hình, trở thành cảng chính cho tàu ngầm hạt nhân mới. Đồng thời, sẽ tạo ra mối đe dọa quân sự to lớn cho các hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong tương lai.
Ngày 11 tháng 5 năm 2013, Hải quân Ấn Độ chính thức biên chế máy bay chiến đấu MiG-29K/KUB |