ĐB Trương Văn Vở nêu: Thời gian qua, Bộ trưởng đã hứa sẽ phối hợp cùng với các bộ ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi bổ sung: Quy định liên kết tiêu thụ chế biến nông sản cả trong trồng trọt và chăn nuôi thay thế quyết định 80; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, thay thế Nghị định 6. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trả lời cụ thể và qua nội dung trả lời chất vấn bằng văn bản của Bộ trưởng tại kỳ họp này thì tôi cho rằng vẫn chưa đáp ứng được lòng mong đợi của cử tri gần 2 năm qua. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết, vì sao chậm thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ? Trách nhiệm này thuộc về ai? Lộ trình, giải pháp cụ thể và trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào nhằm khắc phục tình trạng tồn tại trên?
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, việc khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là một phương thức cần thiết.
"Năm 2007, chúng tôi đã có rà soát và thấy những chính sách này còn nhiều điểm bất cập, lại không phù hợp với WTO cho nên đã đề xuất với Thủ tướng chính phủ điều chỉnh thông qua việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đồng thời Thủ tướng đã có chỉ thị số 25 hướng dẫn tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tới nay, Bộ Nông nghiệp cùng với các địa phương tiếp tục triển khai chỉ thị này. Mặt khác, Bô Nông nghiệp cũng nghiên cứu các hình thức khác và có tờ trình, trình với Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt gần đây mô hình cánh đồng mẫu lớn được nhiều địa phương hưởng ứng, nên chúng tôi đề nghị với Chính phủ khuyến khích phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn…”, ông Phát nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. |
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Chúng tôi đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 29/3, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang cùng với chúng tôi tập hợp ý kiến của các bộ và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần nhất. Về cơ bản các thủ tục đã xong”.
Một vấn đề quan trọng khác được dư luận cả nước quan tâm thời gian gần đây đã được ĐB Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) đưa ra: Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa 11 đã xác định kiên quyết giữ diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội khóa 12 cũng nói rõ những dự án có nhu cầu sử dụng trên 50 héc-ta rừng đặc dụng, rừng phòng hộ quốc gia phải trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư. Thời gian qua, cử tri rất bức xúc việc chuyển mục đích sử dụng diện tích vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6a, sử dụng diện tích rừng lớn tới trên 370 héc-ta, trong đó vùng lõi vườn quốc gia Cát Tiên gần 140 héc-ta.
Ông Vũ Mão: "Quốc hội và Chính phủ sẽ làm gì sau lấy phiếu tín nhiệm?"
ĐBQH Lê Thanh Vân: Bộ trưởng không phải là "ông thánh" tạo ra phép màu
Đã có đề nghị Bộ trưởng phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét trình Chính phủ dừng việc triển khai lập dự án và loại khỏi quy hoạch hai dự án này, vì không đủ cơ sở pháp lý và có tác động xấu đến môi trường sinh thái,nhưng đến nay vẫn vô vọng, chờ đợi và chờ đợi. Một lần nữa, đề nghị cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng khóa 11 và Nghị quyết Quốc hội khóa 12. Bộ trưởng có đồng tình với cử tri loại khỏi hai dự án này không?
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã vào tận địa phương để kiểm tra thực tế. “Quan điểm của chúng tôi là nên hạn chế lấy rừng ở những nơi rừng đã được quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu. Trong trường hợp thật cần thiết thì phải thực hiện theo quy trình của luật pháp. Thời gian vừa qua, chúng ta đã cho phép chuyển đổi 25 nghìn héc-ta làm thủy điện và nhiều công trình khác nữa. Về thẩm quyền thì chúng tôi có trách nhiệm thẩm tra và báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Quốc hội thực trạng rừng ấy thế nào?
Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ và trên cơ sở đó thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có đánh giá tổng hợp về tác động với hai công trình này, sau đó Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội theo Nghị quyết 49. Về mặt chủ trương có làm hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực về việc lấy đất và chuyển đổi mục đích sử dụng với các dự án này”, Bộ trưởng Phát cho hay.
Ngoài ra, một loạt đại biểu đã đặt những câu hỏi xoay quanh tình trạng nông dân được mùa nhưng mất giá, sản lượng nông sản tăng nhưng chất lượng thua kém nhiều nước láng giềng, và việc chi hàng tỷ đô la mỗi năm nhập khẩu nguyên liệu gia súc và cây giống có khiến nền nông nghiệp Việt Nam bị lệ thuộc vào các nước khác?
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giải trình nhiều nội dung các ĐB đã nêu, trong đó nhấn mạnh: “Khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp gặp phải là thị trường. Lúa đang chín từ Bắc vào Nam, trái cây rất nhiều, cá tra rất nhiều… nhưng giá xuống nên nông dân gặp khó khăn. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để hỗ trợ cho nông dân. Nhờ chính sách này mà mấy hôm nay tại các tỉnh ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giá lúa đã nhích lên.
Thông tin chúng ta phụ thuộc 60% giống lúa vào nước ngoài là không chính xác, ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long chủ yếu là dùng giống thuần của các nhà khoa học trong nước lai ghép. Ở miền Bắc có trồng lúa lai thì có nhập khẩu khoảng 75% giống từ Trung Quốc. Chúng tôi đã có chỉ đạo nghiên cứu tạo ra giống lúa lai nhưng chất lượng chưa tốt nên vẫn tiếp tục nhập khẩu. Đúng là có một số mặt hàng của nước ta thua kém các nước sản xuất cùng mặt hàng như lúa gạo hoặc chè. Về ca phê thì cà phê của Việt Nam là cà phê vối bị đánh giá chất lượng thấp hơn dòng cà phê chè như ở Braxin. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhiệm vụ nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị nông sản trong thời gian tới.