Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đang là tâm điểm, được đông đảo nhân dân và cử tri trong cả nước quan tâm.
Lần đầu tiên, những thành viên cấp cao của Đảng và nhà nước được Quốc hội đánh giá về năng lực làm việc, điều hành thông qua những lá phiếu. Người được đánh giá cao cũng nhiều nhưng cũng không ít thành viên bị đánh giá thấp.
Buồn vui lẫn lộn xung quanh nghị trường và câu hỏi nhiều người đặt ra bây giờ đó là chuyện, liệu những lá phiếu đó đã phản ảnh xác thực khả năng và năng lực điều hành của những thành viên này chưa? Bên cạnh đó, một vấn đề nữa mà người dân cũng quan tâm là sau khi lấy phiếu tín nhiệm, bước tiếp theo sẽ là như thế nào?
Trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XIII, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này, ông cho rằng đây là lúc các Đại biểu QH thấy rõ được trách nhiệm của mình đối với cử tri, với nhân dân.
Theo thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, kết quả đó đã phản ảnh xác thực năng lực và khả năng điều hành, quản lí của 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XIII, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam |
Tướng Rinh nhìn nhận, kỳ đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là cách làm mới rất đáng hoan nghênh, đó là một bước tiến lớn trong nền dân chủ của nước ta. Kết quả này đã phản ánh tương đối chính xác tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Mục đích của cuộc lấy phiểu nhằm biết được tín nhiệm của Quốc hội, của cử tri đối với những người do mình bầu lên làm việc như thế nào.
Bên cạnh đó tướng Rinh cũng cho rằng: “Đây cũng là lúc để cho các Đại biểu Quốc hội thấy rõ được trách nhiệm của mình đối với nhân dân, với cử tri, xem thấy mình làm như thế đã tốt chưa, nếu được phiếu tín nhiệm cao thì cần cố gắng phát huy vào thực tế điều hành quản lí, còn những đồng chí được ít phiếu tín nhiệm thì càng cần phải cố gắng sửa chữa, cố gắng điều chỉnh, vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Cần phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mà phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đã giao. Tín nhiệm thấp thì càng phải nhìn vào để cố gắng nhiều hơn”.
Đợt lấy phiểu tín nhiệm lần này về đông đảo người dân rất quan tâm và háo hức. Tuy nhiên cũng có một số người cho rằng, việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hồi bầu hoặc phê chuẩn không giải quyết được việc gì, chỉ làm xong rồi để đấy. Về quan điểm này tướng Rinh đánh giá:
“Tôi nghĩ chắc chỉ số ít cho rằng như vậy. Trong nghị quyết của Quốc hội cũng đã nói rất rõ về điều này, những người có dưới 50% phiếu tín nhiệm thấp hai lần liên tục sẽ phải từ chức hoặc khi đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu để bãi nhiệm thành viên đó, không phải như một số người nghĩ là lấy phiếu tín nhiệm xong rồi để đấy”.
Về vấn đề này, trước đó trả lời phỏng vấn báo Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhìn nhận: "Sau khi đã có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thì trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là phải tăng cường giám sát. Với những chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp phải giám sát xem đồng chí đó chuyển biến như thế nào, còn với những chức danh được số phiếu tín nhiệm cao phải tự thấy rõ trách nhiệm của mình, nếu có khuyết điểm phải vươn lên nếu đã làm được thì phải làm tốt hơn",
Tướng Thước cho biết thêm: Mỗi lá phiếu là thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Từ đó Đảng phải lắng nghe ý kiến của dân, để đúc kết thành những chủ trương của Đảng, có nghĩ là Đảng đi vào dân qua đại biểu Quốc hội.
Một điều đáng mừng sau kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lần này chính là: Ý thức dân chủ, ý thức của đại biểu Quốc hội được nâng lên. Vì trước đây nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội chỉ biết dơ tay đồng tình, không có độc lập ý kiến của mình, không đặt vấn đề lợi ích của nhân dân lên trên.
Điều ý nghĩa nhất sau khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố đó là nói lên ý thức dân chủ, dân trí của người dân và đại biểu Quốc hội được nâng cao. Đây là vấn đề bài học mà Đảng cần rút kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo của mình để làm thế nào phát huy dân chủ và quyền dân chủ của người dân qua đại biểu Quốc hội. Đồng thời khơi dậy được ý thức dân chủ trong đại biểu Quốc hội để cống hiến cho đất nước.
Còn ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội: “Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề”.
Về phía Chính phủ thì Thủ tướng có trách nhiệm với các Bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp (dù kết quả chung vẫn đạt yêu cầu về số phiếu tín nhiệm), cần bàn xem còn gì chưa làm tốt để tìm giải pháp khắc phục làm cho tốt hơn.
Về phía Quốc hội, bây giờ không còn thời gian thảo luận nữa, thì giao cho UBTVQH và ủy ban hữu quan cùng các bộ ngành liên quan trao đổi, đối thoại trực tiếp để làm rõ lý do vì sao có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, giúp cho họ có điều kiện khắc phục.
Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề.