"Tư lệnh" những ngành nóng đã "hứa" gì trước Quốc hội?

13/06/2013 07:26
Theo Đầu tư chứng khoán
Cùng điểm lại "lời hứa" trước Quốc hội, cử tri của tư lệnh các ngành nóng bỏng liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.

NHNN: Mừng lãi suất, lo nợ xấu

Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho NHNN bảo đảm cung ứng vốn cho ngành sản xuất, các ngành hàng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đồng thời kiềm chế lạm phát.


Báo cáo của NHNN do Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký cho biết, cơ quan này đã điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần nhằm tháo gỡ khó khăn về chi phí vốn cho DN. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn ở cả hai đầu ngân hàng và DN, ban hành các chính sách hỗ trợ mua nhà xã hội, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cà phê, thủy sản - những mặt hàng vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả cụ thể, đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012; dư nợ tín dụng tăng 2,98%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%.

NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện đã giảm khoảng 2 - 4%/năm so với đầu năm 2013. Lãi suất của các khoản cho vay cũ giảm mạnh (tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 12,2%) và sẽ tiếp tục giảm do từ đầu tháng 5/2013, bốn NHTM nhà nước đã cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm.

Từ đầu năm đến nay, lãi suất đã từng bước được điều chỉnh giảm dần
Từ đầu năm đến nay, lãi suất đã từng bước được điều chỉnh giảm dần


Về xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4 nghìn tỷ đồng. Cũng tính đến thời điểm trên, số dư dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt 73,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012. Đây là nguồn vốn quan trọng mà TCTD có thể sử dụng ngay để xử lý nợ xấu. Nhờ đó, trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tổng số nợ xấu đã được các TCTD xử lý bằng dự phòng rủi ro là 76,7 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012. Như vậy, 4 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 3,94%/tháng, giảm so với tốc độ tăng 9%/tháng cùng kỳ năm 2012. Mặc dù tốc độ tăng đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 4/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012.

NHNN đánh giá, mặc dù việc xử lý nợ xấu đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng tình hình vẫn đáng lo ngại. Vấn đề xử lý nợ xấu phụ thuộc lớn vào tình hình kinh tế vĩ mô, trong khi hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực; thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ để xử lý nợ xấu; cơ chế, chính sách xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc.

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống cũng được NHNN đánh giá là còn chậm khi khung khổ pháp lý còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cũng như những yếu tố nhạy cảm và phức tạp trong việc xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu… Tuy vậy, NHNN cũng cho rằng, về cơ bản, cơ quan này đã kiểm soát được tình hình tại 9 NHTM cổ phần yếu kém cần xử lý.

Bộ Xây dựng: “Băng” tan cần có thời gian

Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự đóng băng trên thị trường bất động sản hiện nay, Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan thì còn rất nhiều yếu tố thuộc về chủ quan. Đó là thị trường bất động sản từng có thời gian dài phát triển thiếu quy hoạch, chưa theo sát với nhu cầu thị trường dẫn đến lệch pha cung - cầu; cơ cấu hàng hóa mất cân đối; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; năng lực DN bất động sản hạn chế… Do đó, một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý.

Có 6 nhóm giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra như một chiến lược để phát triển bền vững thị trường bất động sản. Đó là hoàn thiện thể chế; rà soát, điều chỉnh các dự án; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; các giải pháp cho DN; cải cách thủ tục hành chính.

Báo cáo giải trình của bộ này cũng nhận định, trước bối cảnh khó khăn của thị trường, nhiều DN trong ngành đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như tập trung phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà. Thị trường bất động sản đã hướng tới đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp hơn với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008 - 2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, tạo điều kiện cho nhiều người có nhu cầu có thể mua nhà.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương; các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề xuất mô hình cơ quan quản lý DNNN

Báo cáo giải trình với Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đã tích cực từng bước giải quyết các nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội kỳ trước như hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế; hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu và tăng cường hiệu quả công tác quy hoạch, đấu thầu; tăng cường quản lý nhà nước đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, sửa đổi quy chế sử dụng và quản lý vốn ODA; khuyến khích dòng vốn FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư công nghệ cao...; tăng cường hoạt động quản lý hiệu quả đầu tư công.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực chủ trì, phối hợp soạn thảo Nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước quan trọng. Đồng thời, xây dựng để trình Đề án “Tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước đối với DNNN”; trong đó đề xuất mô hình cơ quan quản lý DNNN, nhằm sát sao hơn trong việc quản lý một khối tài sản nhà nước khổng lồ đang nằm trong khối DN này...
Theo Đầu tư chứng khoán