Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh:

“Tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an về Cảnh sát du lịch”

13/06/2013 13:24
Mai Nguyễn
(GDVN) - Trước thực trạng chặt chém, chèo kéo du khách gây phản cảm, ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL có nên thành lập cảnh sát du lịch? Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/6, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết việc này đã có sự trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công An – Đại tướng Trần Đại Quang.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Du lịch là một điểm sáng nhưng thời gian qua có một số bất cập, ảnh hưởng đến phát triển du lịch Quốc gia. ĐBQH Nguyễn Hoài Phương, đoàn Tây Ninh chất vấn: Bộ trưởng có ý kiến thế nào với những ý kiến của cử tri khi đề nghị Chính phủ sớm thành lập cảnh sát du lịch để bảo vệ hoạt động của ngành du lich?

Ghi nhận ý kiến đề nghị việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, ở một số quốc gia như Campuchia, Malaysia, Ai Cập, Ấn Độ… đã có lực lượng cảnh sát du lịch.

“Hôm qua tôi đã gặp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Công an bảo cần phải suy nghĩ thêm về việc này. Nhưng trong lúc chưa có lực lượng cảnh sát du lịch, có thể để cho đội cảnh sát trật tự làm nhiệm vụ này được không?

Một số vùng du lịch trọng điểm có điểm đen, nên áp dụng biện pháp lắp camera, mở đường dây nóng” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói và giải thích thêm có tình trạng chặt chém cần phải xử lý, nhưng thực trạng này “không phổ biến”.

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương, Tây Ninh tiếp tục phản ánh tình trạng chèo kéo, chặt chém, khó thu hút du khách quay trở lại. ĐB chất vấn Bộ trưởng đánh giá thế nào về bất cập trên và có giải pháp gì để khắc phục?
Tương tự ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình cũng cho rằng du lịch Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh vốn có. ĐB Hải chất vấn đâu là nguyên nhân chính, và giải pháp gì khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói, những năm qua du lịch Việt Nam phát triển tương đối tốt, góp phần tăng thu ngoại tệ, giải quyết việc làm cho 1,4 triệu lao động. Mức đầu tư vào loại hình du lịch cũng có sự phát triển. Việc đầu tư vào lĩnh vực du lịch khách sạn, nhà hàng đạt khoảng 10 tỷ USD, gần 1000 dự án đầu tư vào du lịch. Điển hình như ở khu du lịch Lăng Cô – tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một nhà đầu tư nước ngoài xây một khách sạn lên đến 1 tỷ đô la.

Du lịch Việt Nam được xác định là một kinh tế mũi nhọn, nhưng tình trạng chặt chém, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai… đang ảnh hưởng xấu tới du khách. Nguyên nhân thực trạng này chủ yếu do sự phối hợp liên ngành của chúng ta chưa tốt. Việc xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe… Bộ trưởng cho biết trong tương lai sẽ chuyển chất lượng dịch vụ từ rộng sang sâu. Tại những “điểm đen” sẽ lắp camera theo dõi, huy động lực lượng cảnh sát trật tự góp phần ngăn ngừa thực trạng này…

Lý giải về việc du lịch Việt Nam chưa phát triển tưng xứng với tiềm năng, và trong tương lai thể ngang bằng với các nước trong khu vực? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Tiềm năng du lịch Việt Nam tuy lớn, nhưng để tiềm năm trở thành hiện thực là cả một quá trình cần phải phấn đấu, và có sự phối hợp giữa nhiều bộ ngành, địa phương”.

Ông đưa ra ví dụ một số địa phương có cách làm mới mẻ. Ví như ở tỉnh Thanh Hóa đã có chiến dịch “bàn tay sắt”, có đường dây nóng, rồi nhân dân thành lập “hiệp hội chống chặt chém”.

Thấy Bộ trưởng chưa trả lời đúng trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội hỏi lại câu hỏi của ĐB: đến năm 2020 du lịch Việt Nam có thể phát triển ngang tầm các quốc gia khác không?

Trước sức phát triển du lịch mạnh mẽ ở một số nước trong khu vực như Thái Thái Lan, Malaysia, Singapore… Bộ trưởng VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh rụt rè đưa ra câu trả lời: “Phải liệu cơm gắp mắm. Nếu đề ra chỉ tiêu mà không đạt thì cũng không nên”.

Cuối buổi sáng nay đã có nhiều ĐBQH tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về những vấn đề nóng của ngành VHTT&DL. Đầu giờ chiều nay Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp tục trả lời các chấn vấn nóng của các ĐBQH.

Mai Nguyễn