Không phát hiện thấy mại dâm ở "thiên đường" Quất Lâm, Đồ Sơn

14/06/2013 10:01
P.Liễu (Tổng hợp theo VOV, Lao động, Tiền Phong)
(GDVN) - Kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định).
"Qua báo cáo của các địa phương thì có dấu hiệu mại dâm đường phố quay trở lại, đặc biệt là các thành phố lớn... nhưng chưa xác định được gái bán dâm này là đối tượng thả ra quay trở lại, hay phát sinh mới”, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Đưa 862 người bán dâm về cộng đồng


Ngày 13/6, tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện phục hồi, tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: Theo báo cáo quý I/2013 của 20/63 tỉnh, thành, đội kiểm tra liên ngành của các địa phương đã thanh tra, kiểm tra 685 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, qua đó phát hiện 258 cơ sở vi phạm (tỷ lệ số cơ sở vi phạm so với số kiểm tra chiếm hơn 37%, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2012).

Cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử lý bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền 249 cơ sở, nộp vào kho bạc Nhà nước gần 2 tỷ đồng; chuyển cơ quan chức năng xử lý 24 cơ sở và thu hồi giấy phép, đình chỉ kinh doanh 9 cơ sở.

Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện triệt để công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngay từ đầu năm 2013 như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP HCM, Cà Mau, Trà Vinh… Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các tỉnh, thành đưa 862 người bán dâm đang ở các cơ sở chữa bệnh về hòa nhập cộng đồng.

Các đại biểu tại buổi họp báo.
Các đại biểu tại buổi họp báo.

Năm nay, Bộ tiếp tục duy trì các mô hình về phòng ngừa, kết hợp với phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội (như vay vốn để sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, khám chữa bệnh…), giúp họ hòa nhập cộng đồng, trong đó hỗ trợ một số địa phương xây dựng mô hình mới về chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm khi về cộng đồng.

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho biết, tính đến ngày 15/5, cả nước đã tiếp nhận vào cai nghiện chữa trị cho hơn 15.700 người (đạt 52,55% kế hoạch năm); quản lý sau cai nghiện hơn 5.000 người (đạt 32% kế hoạch năm); tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho hơn 3.500 người (đạt 31% kế hoạch năm).

Theo báo Báo Lao Động, trả lời câu hỏi về việc NQ 24/2012/QH quy định không bắt buộc gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh có là nguyên nhân gia tăng tệ nạn mại dâm? Ông Dũng cho biết: “Chấp hành NQ 24/2012/QH, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố đưa 862 người bán dâm đang ở các cơ sở chữa bệnh về hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương thì có dấu hiệu mại dâm đường phố quay trở lại, đặc biệt là các thành phố lớn... nhưng chưa xác định được gái bán dâm này là đối tượng thả ra quay trở lại, hay phát sinh mới”.

Không phát hiện có mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.

Theo ông Dũng, muốn khẳng định có mại dâm hay không cần phải có chứng cứ. Quá trình kiểm tra thấy có các tiếp viên nhưng các tiếp viên này thường làm cho các cơ sở dịch vụ và có hợp đồng lao động nên rất khó xử lý.

Bãi biển Quất Lâm được nhiều người đặt biệt danh là "thiên đường sung sướng" ở Nam Định.
Bãi biển Quất Lâm được nhiều người đặt biệt danh là "thiên đường sung sướng" ở Nam Định.

“Vừa rồi, chúng tôi có làm việc với TP Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định là không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn. Chúng tôi đang tiến hành thí điểm mô hình can thiệp giảm hại cho người hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn. Nhưng sau khi tiếp xúc, chúng tôi phải thay đổi tên gọi thành “thực hiện các biện pháp giảm hại cho những nhóm người có quy cơ” chứ nếu sử dụng cụm từ “cho người hoạt động mại dâm” là các cơ quan tại Hải Phòng họ không chấp nhận”, ông nói.

Theo ông Dũng, hiện có khoảng 30.000 người đang hoạt động mại dâm, nhưng chỉ có một nửa trong số đó là có hồ sơ quản lý. Đây vẫn là con số chính thống cho đến thời điểm này và hiện chưa có số liệu mới. Phải đợi đến sau khi triển khai đề án theo chỉ đạo của Chính phủ về công tác rà soát mại dâm trên toàn quốc, lúc đó mới có số liệu cụ thể hơn.

Qua báo cáo của một số địa phương, tình hình mại dâm công cộng đang có dấu hiệu quay trở lại hoạt động. Trong đó, nổi lên là TPHCM, Hà Nội và thậm chí Đà Nẵng cũng có.

Tình hình mại dâm nam hai năm nay cũng đang nổi lên ở một số địa phương, đặc biệt là tại TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay, thống kê cụ thể về mại dâm nam trên toàn quốc chưa có số liệu chính xác.

Cũng tại cuộc tọa đàm, các phóng viên đặt câu hỏi về việc TPHCM, Nha Trang đề xuất quy hoạch các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm vào một khu riêng, như vậy phải chăng là một hình thức thừa nhận hoạt động mại dâm? Ông Dũng khẳng định, Việt Nam không thừa nhận mại dâm, việc các địa phương quy hoạch các loại hình dịch vụ nhạy cảm vào một khu cũng không khả thi vì các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động theo luật. “Trong các loại hình này không đề cập đến hoạt động mại dâm nên không phải trách nhiệm của cục và ý kiến này đến giờ vẫn chỉ nằm trên giấy” - ông Dũng khẳng định.

Chưa có số liệu chính thức về mại dâm nam

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng chính sách 05 (Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) cho biết, đối với hoạt động mại dâm nam như báo chí gần đây phản ánh, hiện các địa phương chưa có thống kê cụ thể; biện pháp xử lý đối với mại dâm nam sẽ được áp dụng chung theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm, không có quy định đặc thù cho hành vi mại dâm nam.

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng chưa có số liệu chính thức về những người nước ngoài hoạt động mại dâm nam. Đối với trường hợp này, những người nước ngoài nếu vi phạm cũng sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm, cũng như những pháp lệnh khác quy định về người nước ngoài ở Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Dũng cũng khẳng định, việc một số địa phương đưa ra đề xuất quy hoạch kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” chỉ là “trên giấy” chứ chưa có phương án cụ thể. “Do Việt Nam không thừa nhận mại dâm tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, cho nên những quy hoạch dạng như thế này là không khả thi. Còn việc quy hoạch để quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng khác, ngành Lao động không tham gia”, ông Dũng nói.


P.Liễu (Tổng hợp theo VOV, Lao động, Tiền Phong)