Tình hình Biển Đông:

Indonesia muốn tăng cường sức mạnh trên biển ứng phó Hải quân TQ

18/06/2013 07:58
Việt Dũng
(GDVN) - "Chỉ có phát triển hải quân mạnh mới giúp Indonesia bảo đảm an ninh tự thân và phát huy giá trị chiến lược ở khu vực Đông Nam Á...".
Hải quân Indonesia
Hải quân Indonesia

Ngày 16 tháng 6, trang mạng "The Jakarta Post" Indonesia đăng bài viết bình luận cho rằng, hiện nay, Indonesia đóng vai trò "người hòa giải" tích cực trong tranh chấp khu vực Đông Nam Á, đồng thời đã đạt được tín nhiệm của rất nhiều quốc gia, nhưng đối mặt với mối đe dọa cướp biển hoành hành và thế lực Trung Quốc ngày càng trỗi dậy, Indonesia muốn tránh để tranh chấp khu vực tiếp tục leo thang trong thời gian tới, trước hết chính là phải nâng cao thực lực hải quân tự thân.

Bài viết này là của chuyên gia Syafiq Al Madihidj, Viện nghiên cứu các vấn đề ASEAN, Đại học Indonesia. Ông cho rằng, đứng trước vấn đề cướp biển tồn tại mấy chục năm, cho dù ASEAN nhiều lần tổ chức hoạt động diễn đàn biển và ký kết hiệp định hợp tác khu vực, giữa các thành viên đã nhận thức được tầm quan trọng của tấn công cướp biển và bảo đảm an ninh eo biển xung quanh, nhưng hoạt động cướp biển vẫn lan tràn.

Ông cho rằng, nguyên nhân ở chỗ cơ chế đa phương hợp tác an ninh biển này trị phần ngọn chứ không trị phần gốc, loại cơ chế này chỉ tập trung vào hợp tác ở cấp độ chính trị và quân sự giữa các nước, nhưng đã coi thường về phương diện kinh tế, xã hội, tồn tại điểm yếu chí tử về tấn công các mối đe dọa phi truyền thống.

Madihidj kêu gọi Chính phủ Indonesia không thể lệ thuộc vào cơ chế này để tấn công cướp biển, thay thế vào đó là phát triển toàn diện năng lực hải quân tự thân.

Chỉ có hải quân mới có thể bảo đảm được an ninh và ứng phó với các mối đe dọa có phạm vi lớn hơn trong tương lai, đồng thời phát huy tối đa giá trị chiến lược của bản thân tại khu vực Đông Nam Á.

Indonesia mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga
Indonesia mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga

Ngoài ra, Madihidj cho rằng, Indonesia phát triển lực lượng hải quân có liên quan đến Hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Ông cho rằng, trình độ hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc cao hơn nhiều Indonesia, trong bối cảnh như vậy, đã cho thấy rõ tính cần thiết phát triển hải quân của Indonesia.

Đồng thời, đối với vấn đề Biển Đông, sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc - lực lượng áp dụng sách lược "chống can dự" và "ngăn chặn khu vực", chắn chắn sẽ làm suy yếu tương đối sự kiểm soát của ASEAN và Indonesia đối với thái độ hung hăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển hiện đại hóa quân sự dài hạn của Indonesia, Indonesia chỉ tìm cách nâng cao năng lực phòng thủ của hải quân. Đến năm 2024, hải quân Indonesia - lấy tàu hộ vệ, tàu tuần dương hạng nhẹ và tàu ngầm làm chủ lực - vẫn không đủ để ngăn cản sự leo thang tranh chấp giữa các nước xung quanh và khu vực có liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Madihidj cho rằng, nếu Indonesia muốn ngăn cản tranh chấp vấn đề Biển Đông tiếp tục leo thang, nhất định phải phát triển mạnh thực lực hải quân. Ngoài ra, cùng với khả năng can thiệp vấn đề biển Đông của bên thứ ba như Mỹ và Ấn Độ ngày càng tăng lên, sức mạnh quân sự không mạnh còn khiến cho Indonesia mất đi "tầm quan trọng chiến lược" của bản thân.

Trái lại, "bản thân mạnh lên" mới có thể bảo đảm cho Indonesia có năng lực bảo vệ an ninh các eo biển xung quanh và chiếm vị thế có lợi trong đàm phán ứng phó với các vấn đề quốc tế.

Mỹ và 6 nước Đông Nam Á tổ chức diễn tập Carat-2009.
Mỹ và 6 nước Đông Nam Á tổ chức diễn tập Carat-2009.
Việt Dũng