Chiến sĩ ngoài quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xét tặng Huy chương

19/06/2013 10:07
Mai Nguyễn
(GDVN) - “Tại sao chúng ta lại quy định là "sẽ xét"? Tại sao chúng ta quy định chỉ là Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba, phải chăng là xét riêng đối với đối tượng công tác ở hai quần đảo này?” – ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng nêu góp ý đóng góp cho dự thảo Luật thi đua khen thưởng sửa đổi.

Đề cập đến hình thức khen thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang tại Khoản 26 và được bổ sung vào Điều 56 của dự án luật thi đua khen thưởng, ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng - Tiền Giang thống nhất với quy định về mặt thời gian. Đối với Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất là 20 năm trở lên, hạng nhì từ 15 năm đến dưới 20 năm, hạng ba từ 10 năm đến dưới 15 năm.

Tuy nhiên, theo ĐB Hùng, ở đây có vấn đề là đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong quy định của Khoản 3 này sẽ được xét tặng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba. Cho đây là bổ sung rất quan trọng để động viên cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta, tuy nhiên theo ông Hùng quy định trong dự thảo chưa chặt chẽ.

“Tại sao chúng ta lại quy định là "sẽ xét"? Tại sao chúng ta quy định chỉ là Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba, phải chăng là xét riêng đối với đối tượng công tác ở hai quần đảo này? Trên thực tế có nhiều cán bộ ra làm nhiệm vụ rồi tiếp tục công tác trong quân chủng rồi về đất liền.

Do đó, tôi đề nghị quy định thời gian công tác ở đảo được tính hệ số 2 để gộp vào thời gian cống hiến chung để xét khen thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang các hạng, không phải chỉ có Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba và quy định thời gian ngắn hơn khi xét tặng huy chương này”.

ĐB Hùng cũng đề cập, trong quân đội, công an còn nhiều lực lượng hoạt động trong môi trường nguy hiểm, khó khăn như cán bộ, chiến sĩ công tác trên tàu hải quân, nay mai ta sẽ có tàu ngầm, rồi lực lượng phi công lái máy bay chiến đấu, lực lượng chiến đấu viên trong binh chủng đặc công… Thời gian cống hiến của họ cần được đánh giá đúng khi xét thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang các hạng.

“Tôi đề nghị nên tách riêng các đối tượng này ra và bổ sung thêm Khoản 3 Điều 56 như sau: "Đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, trên tàu hải quân, phi công chiến đấu, chiến đấu viên, đặc công, thời gian cống hiến được tính gấp đôi và được cộng vào thời gian cống hiến chung để xét tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang các hạng".

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ - Vĩnh Long thi đua khen thưởng phải đạt cho được ba giá trị là động viên, giáo dục và nêu gương. Nhu cầu muốn được khen thưởng của đại đa số con người trong xã hội, các thành viên trong xã hội là nhu cầu chính đáng, nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên để xác lập sự công bằng theo ĐB là thật khó.

“Tôi cho rằng giá trị công bằng trong thi đua khen thưởng rất khó xác lập, bởi vì giá trị của riêng từng cá nhân rất khác nhau. Những người họ chịu cống hiến, hy sinh và chấp nhận sự hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân hoặc tận tụy với xã hội... thì nhiều khi họ không nghĩ đến sự trả công, không nghĩ đến có được khen thưởng. Chính những người như thế mới đáng được tôn vinh trong xã hội. Trách nhiệm của xã hội phải tìm những người đấy để rồi chúng ta suy tôn họ”.

Mai Nguyễn