UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức

19/06/2013 18:24
Theo Minh Đức/Tiền Phong
(GDVN) - UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013, gây xôn xao dư luận tại tỉnh này.

Bằng tại chức hết cơ hội… tại Nam Định

Ngày 29/5/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã có thông báo số 88/TB-UBND về việc tuyển dụng 92 công chức năm 2013 đối với hệ đào tạo chính quy.

Theo đó, người dự tuyển phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn, có trình độ, ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức cần tuyển.

Người dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định trước ngày 1/5/2013 và cam kết nếu trúng tuyển làm việc tại tỉnh này từ 5 năm trở lên.
Những tấm bằng tại chức mất cơ hội thi tuyển công chức tại Nam Định. Ảnh: Minh Đức
Những tấm bằng tại chức mất cơ hội thi tuyển công chức tại Nam Định. Ảnh: Minh Đức

Người dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ, gồm một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và chứng chỉ tin học theo quy định; Trình độ B trở lên đối với ngạch Chuyên viên và tương đương; Trình độ A trở lên đối với ngạch Cán sự (không yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học đối với những người được đào tạo chuyên môn có ngành, chuyên ngành tương ứng là ngoại ngữ hoặc tin học).

- Người dự tuyển chỉ được đăng ký ở một vị trí việc làm cần tuyển và nộp hồ sơ dự tuyển tại một đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng.

Tổng chỉ tiêu tuyển dụng công chức toàn tỉnh là 92 người. Trong đó, công chức khối sở, ban, ngành (16 đơn vị) 48 chỉ tiêu, gồm: Ngạch Chuyên viên 47 chỉ tiêu; Ngạch Cán sự (trình độ cao đẳng trở lên) 1 chỉ tiêu.

Công chức khối huyện, thành phố (8 đơn vị) 44 chỉ tiêu, gồm: Ngạch Chuyên viên 42 chỉ tiêu Ngạch Cán sự (trình độ cao đẳng trở lên) 2 chỉ tiêu.

Trước đó, ngày 29/8/2012, trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Nam Định, UBND tỉnh thông báo tuyển dụng công chức phải là người được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn. Năm nay tỉnh có 184 chỉ tiêu, dự kiến thi tuyển vào trung tuần tháng 11/2012.

UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có nhu cầu tuyển dụng công chức thông báo chỉ tiêu và điều kiện tuyển dụng phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển và theo quy định hiện hành.

Hà Nội rút ý kiến tuyển công chức chỉ với bằng chính quy

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 385/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tổ chức đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2014.

Đối tượng đào tạo là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện công lập, hệ chính quy loại khá trở lên; người có bằng tốt nghiệp các trường đại học công lập hệ chính quy loại khá trở lên, hiện làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp có nguyện vọng trở thành công chức nhà nước của TP.

500 công chức chuyên môn, phân theo đơn vị cấp quận, huyện sẽ được đào tạo theo 5 chức danh công chức chuyên môn cấp xã.

Cụ thể, chức danh văn phòng thống kê có 98 chỉ tiêu; tư pháp - hộ tịch có 146 chỉ tiêu; địa chính - xây dựng: 85 chỉ tiêu; văn hóa - xã hội: 137 chỉ tiêu và tài chính - kế toán: 34 chỉ tiêu.

Các lớp nguồn chia theo chức danh công chức cấp xã, đào tạo tập trung 18 tháng, trong đó có 2 tháng thực tập tại cơ sở. Dự kiến, khai giảng và tổ chức đào tạo trong quý I-2013 tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định: Việc tuyển công chức năm 2013 vẫn thực hiện theo quy định của Nhà nước. Hà Nội không phân biệt bằng cấp cũng như trường công hay tư ở kỳ thi này.

Những tỉnh, thành từ chối bằng tại chức

- Ngày 3/12/2010, UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi các sở, ban ngành, quận huyện chỉ đạo không tiếp nhận SV tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước.

- Ngày 9/5/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định thi tuyển công chức của tỉnh phải là người có bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy trở lên.

- Tháng 9/2011, hàng chục giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở Nam Định phải nghỉ dạy vì chỉ có bằng tại chức. Họ không phải là những giáo viên vừa tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ mà từng giảng dạy nhiều năm. Có giáo viên có thâm niên trên 10 năm dạy học.

- Tháng 10/2011, tỉnh Hải Dương thông báo chỉ tuyển dụng những người có bằng ĐH chính quy, dù là học dân lập hay công lập đều được nhưng không tuyển tại chức.

- Tháng 8/2012, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam thông báo chỉ tuyển ứng viên tốt nghiệp ở các trường công lập có uy tín về đào tạo giáo viên, bằng loại khá trở lên. Không hợp đồng những người tốt nghiệp ĐH tại chức hoặc ĐH chính quy theo các hình thức liên thông, liên kết, từ xa...

- Tháng 8/2012, tỉnh Quảng Nam thông báo tuyển gần 600 cán bộ công chức nhưng yêu cầu không tuyển ứng viên có bằng ĐH tại chức.

- Ngày 29/8/2012, trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Nam Định, UBND tỉnh thông báo tuyển dụng công chức phải là người được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn. Năm nay tỉnh có 184 chỉ tiêu, dự kiến thi tuyển vào trung tuần tháng 11/2012.

- Ngày 3/9/2012, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định quy định chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp ĐH, có hiệu lực đến ngày 31/12/2015. Theo đó, không xem bằng tốt nghiệp hệ tại chức để tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước.

Theo Minh Đức/Tiền Phong