PGS.TS Phùng Xuân Nhạ thông tin về hướng phát triển cho ĐHQG HN

22/06/2013 08:05
Xuân Trung
(GDVN) - “Tới đây quan điểm chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN là theo khoa học nghệ thuật vị nhân sinh, tăng cường hướng chất xám của thầy cô để giải quyết vấn đề thực tiễn, chỉ khi giải quyết được thì trách nhiệm và vị thế của ĐHQGHN mới hoàn thành”.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc ĐHQG HN PGS. TS Phùng Xuân Nhạ bật mí về hướng đi trong thời gian tới của một cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu.

PGS. TS Phùng Xuân Nhạ thông tin, trong sự phát triển của ĐHQGHN sẽ không tránh khỏi những sai sót, còn có điểm nọ, điểm kia vì đặt trong bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn. Hướng đi của ĐHQGHN trong thời gian tới sẽ là đầu tư không rải rác các ngành mà sẽ những ngành có lợi thế nhành chóng để đạt đẳng cấp quốc tế, các ngành khi đã đạt đẳng cấp sẽ  tự kéo theo các ngành khác phát triển.

Theo lãnh đạo ĐHQGHN, trong kế hoạch 5 năm tới, đặc biệt là tới năm 2020 ĐHQGHN sẽ tiên phong có một hệ thống các ngành giảng dạy bằng chương trình quốc tế, đây là quyết tâm của ĐHQGHN.

PGS. TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐHQG HN.
PGS. TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐHQG HN.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian qua, sự đóng góp của ĐHQGHN trong việc phát triển chung về lĩnh vực khoa học công nghệ theo hướng nghiên cứu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng có những sai sót mà theo lãnh đạo ĐHQGHN là phải nghiêm túc nhìn nhận lại.

“Cái gì được thì tiếp tục nhân rộng phát triển, cái gì chưa được phải thẳng thắn rút kinh nghiệm. Chủ trương tới là quy hoạch các ngành, chuyên ngành, từ đó có kế hoạch tập trung đầu tư, tăng cường các ngành, chuyên ngành đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định của Nhà nước và ĐHQGHN. Đây là giai đoạn “cất cánh” của ĐHQG HN” PGS. TS Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Cũng theo PGS. TS Phùng Xuân Nhạ, tới đây ĐHQGHN sẽ đầu tư có trọng điểm vào quản lí chuyên nghiệp theo đúng chuẩn của các đại học tiên tiến về lĩnh vực đào tạo. Về nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN với bề dày hơn 100 năm phát triển, có truyền thống nghiên cứu bậc nhất. Do đó, phát triển khoa học công nghệ sẽ được ưu tiên hàng đầu. Vì theo lãnh đạo ĐHQGHN, chất lượng chỉ tốt khi nghiên cứu tốt, và không thể nói tới chất lượng nếu không có nghiên cứu.

“Ban giám đốc sẽ đưa ra các tiêu chí của đại học nghiên cứu để các trường thành viên căn cứ để phát triển theo quy hoạch chứ không phát triển theo cảm nhận của từng trường. Sẽ có 10 chương trình trọng điểm cấp bộ để đầu tư có sản phẩm hoàn chỉnh, phù hợp với định hướng trong thời gian tới” PGS. TS Nhạ khẳng định.

Trong buổi gặp mặt báo chí, lãnh đạo ĐHQGHN cũng thừa nhận, trong lĩnh vực đào tạo, muốn tiến bộ phải cần có thời gian, không thể một sớm  một chiều mà một cơ sở đào tạo nhiều đề lại trở thành thương hiệu đẳng cấp quốc tế ngay được.

“ĐHQGHN là một mô hình mới mà rất nhiều nhiệm vụ trong tiền lệ chưa có, trong Nghị định của Chính phủ và Quy chế của Thủ tướng cũng “trao quyền” cho  ĐHQGHN, nhưng đôi khi tính tự chủ cao lại không được thể chế hóa bằng các Thông tư cụ thể nên có thể dẫn đến đâu đó cách hiểu chưa đồng thuận, chưa rõ thì vừa rồi Luật GDĐH ra đời, đó là bước tiến khẳng định tính pháp lí của ĐHQGHN” PGS. TS Nhạ cho hay.

Một vai trò cũng như nhiệm vụ trong thời gian tới đối với ĐHQGHN rất quan trọng khi Chính phủ quyết định giao cho ĐHQGHN là cơ quan chủ trì một chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về phát triển bền vững vùng Tây Bắc (14 tỉnh). Theo lãnh đạo ĐHQGHN, đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng có cơ sở để thực hiện. 

“Để có cơ sở thực hiện chương trình này chúng tôi đã đi khảo sát 14 tỉnh Tây Bắc, qua 9 bộ ngành, 3 vòng lấy ý kiến, 3 Hội thảo lớn. Không có gì thay đổi trong tuần này sẽ ban hành khung chương trình để thực hiện. Cơ bản chương trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu đến năm 2015, giai đoạn tiếp sơ kết từ 2016-2020” PGS. TS Phùng Xuân Nhạ thông tin ban đầu.

Xuân Trung