Tập trận song phương Mỹ - Philippines trên Biển Đông:

Philippines có thể đưa quân tới bãi cạn Scarborough vì có Mỹ đứng sau

26/06/2013 07:01
Đông Bình
(GDVN) - Báo chí, chuyên gia TQ tuyên truyền rằng Mỹ-Philippines chuẩn bị tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp gần bãi cạn Scarborough, tạo ra "mối đe dọa nghiêm" cho Trung Quốc.

Không ngại đưa quân tới bãi cạn Scarborough

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 21 tháng 6 có bài viết cho biết, từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7, Mỹ và Philippines tiếp tục tiến hành một cuộc diễn tập trên biển Đông.

Báo này dẫn nguồn từ tờ “Thương báo Philippines” ngày 19 cho biết, cuộc diễn tập liên hợp “Huấn luyện hợp tác sẵn sàng chiến đấu trên biển” Mỹ-Philippines tổ chức tại vùng biển tỉnh Zambales của Philippines, cách khá gần bãi cạn Scarborough.
Tàu khu trục tên lửa DDG-54 Curtis Wibur (bên trái) và tàu tuần dương CG-54 USS Antietam Mỹ.
Tàu khu trục tên lửa DDG-54 Curtis Wibur (bên trái) và tàu tuần dương CG-54 USS Antietam Mỹ.

Khi trả lời phỏng vấn chương trình “Tiêu điểm ngày nay” của đài truyền hình CCTV Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Philippines lần này có hai điểm ngầm cho biết, trước hết là Philippines dám điều lực lượng quân sự hướng tới bãi cạn Scarborough, thứ hai Mỹ cũng có thể cùng Philippines tiến vào vùng biển xung quanh, đây là một mối đe dọa đối với Trung Quốc.

Được biết, Hải quân Mỹ-Philippines sẽ tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp, Hải quân Philippines sẽ cử tàu hộ vệ Gregorio del Pilar và các tàu chiến cỡ khá nhỏ khác tham gia diễn tập, đồng thời Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập lần này.

Có nhà phân tích cho rằng, Philippines lôi kéo quân Mỹ diễn tập quân sự ở khu vực lân cận vùng biển “đường lưỡi bò” (theo chủ trương bất hợp pháp của Trung Quốc) là có ý đồ “khiêu khích” Trung Quốc rõ rệt.

Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long cho rằng, cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Philippines lần này ám chỉ hai điểm: Một là, Philippines dám áp sát khu vực bãi cạn Scarborough, dám điều lực lượng quân sự tới hướng này, tiến hành tác chiến. Hai là, Mỹ có thể cùng với Philippines xâm nhập vị trí tương đối gần bãi cạn Scarborough,  hành động liên hợp này là một mối đe dọa của Trung Quốc.

Gần đây, truyền thông Philippines cũng chỉ ra, đồng minh quân sự hai nước Mỹ-Philippines có tầm quan trọng chưa từng có. Vương Hiểu Bằng, nhà nghiên cứu vấn đề biên giới biển, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Philippines đưa ra quan điểm nêu trên phần nhiều là “hô ứng” với Mỹ. Trong khi đó, đối với vấn đề này, Mỹ tương đối thận trọng.

Tàu tuần duyên USS Freedom, Mỹ sẽ tham gia diễn tập Carat 2013 với Philippines trên biển Đông.
Tàu tuần duyên USS Freedom, Mỹ sẽ tham gia diễn tập Carat 2013 với Philippines trên biển Đông.

Vương Hiểu Bằng đưa ra phân tích trên hai phương diện: so sánh theo chiều dọc, về lịch sử, Philippines từng là thuộc địa của Mỹ. Sau khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, để đối phó với Liên Xô, Mỹ đã xây dựng Philippines thành “tàu sân bay không chìm”, đã xây dựng rất nhiều căn cứ ở Philippines, như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân vịnh Subic, dựa vào các căn cứ để tạo ra “vũ khí sắc bén” cho cuộc Chiến tranh Lạnh.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tầm quan trọng của Philippines giảm rõ rệt. Sau năm 2012, tranh chấp trên biển Đông nóng lên, Philippines cảm thấy bị Trung Quốc đe doạ nên muốn đẩy đồng minh quân sự Mỹ-Philippines trở nên chặt chẽ hơn, trong khi đó Mỹ cũng không phải không có nhu cầu lợi ích như vậy.

So sánh theo chiều ngang, trong thời gian trước, Philippines cho rằng họ “chịu mọi áp bức và lăng nhục”, không chỉ đến từ đối thủ chiến lược trên biển là Trung Quốc, mà còn đến từ Mỹ và Nhật Bản. Mỹ đưa ra chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, biểu hiện nổi bật là “tây mềm, đông rắn” - ở phía đông lấy đồng minh Mỹ-Nhật làm hạt nhân vững chắc, còn ở phía tây Mỹ chỉ đứng ngoài hỗ trợ Philippines.

Vì vậy, Philippines luôn cho rằng họ bị đối xử lạnh nhạt, hy vọng Mỹ thông qua thái độ tương tự chứng minh, ít nhất ở khu vực biển Đông, Philippines chính là đồng minh vững chắc nhất của Mỹ, cũng mong muốn Mỹ có thể giúp đỡ trong những thời điểm then chốt.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tự do ra vào biển Đông, tàu chiến Mỹ tích cực đến thăm Philippines
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tự do ra vào biển Đông, tàu chiến Mỹ tích cực đến thăm Philippines

“Đập tan sự phong tỏa của Trung Quốc”

Đài truyền hình Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 23 tháng 6 tổ chức chương trình bình luận có sự tham gia của Trương Minh Lượng, phó giáo sư Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Ký Nam. Nội dung chương trình được đăng tải trên báo mạng Trung Quốc, nội dung chính như sau:

Theo bài báo, sau khi kết thúc diễn tập quân sự liên hợp Balikatan vào tháng 4 năm 2013, trong vài ngày tới, Hải quân Philippines và Mỹ lại tiếp tục tổ chức diễn tập quân sự liên hợp ở vùng biển lân cận bãi cạn Scarborough.

Trước đây, Philippines đã thông qua nhiều diễn đàn đa phương quốc tế và phương pháp pháp lý, tiến hành gây sức ép với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền biển Đông. Có phân tích cho rằng, Philippines thông qua cuộc diễn tập quân sự lần này tiếp tục “thăm dò giới hạn” của Trung Quốc.

Về cuộc diễn tập của Hải quân Mỹ-Philippines ở vùng biển giữa bãi cạn Scarborough và đảo Luzon từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7, phó giáo sư Trương Minh Lượng, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Ký Nam cho rằng, trong bối cảnh quân Mỹ tiến hành chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, Philippines không e ngại tiến hành các hành động thực chất đối với bãi Cỏ Mây, đồng thời kêu gọi đập tan sự phong tỏa của Trung Quốc đối với vùng biển bãi Cỏ Mây, họ có ý đồ đi theo Mỹ, Nhật, thăm dò giới hạn của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển. Hành động này tạo hiệu ứng “làm mẫu” cho các nước có tranh chấp quyền về biển với Trung Quốc.

Trương Minh Lượng cho rằng, cách làm này cuối cùng tạo ra hiệu quả như thế nào, sẽ trả giá như thế nào, “các nước khác sẽ thu được một thứ mang tính quy luật hay một bài học”.

Quân đội Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu)
Quân đội Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu)

Theo bài báo, gần đây Philippines còn mua sắm tàu chiến nghỉ hưu thứ hai của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, đó là tàu tuần tra Ramon Alcaraz lớp Hamilton. Tàu này được chế tạo vào thập niên 1960, đã hoạt động 40 năm, nhưng sau khi tân trang, trở thành tàu chiến tiên tiến nhất của Philippines, dự kiến sẽ đến Philippines trong thời gian tới.

Theo tiết lộ của nguồn tin từ Quân đội Philippines, tàu này trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, là tàu chiến đầu tiên có khả năng phóng tên lửa của Hải quân Philippines. Tuy nhiên, tình hình này cũng không làm thay đổi hiện trạng yếu ớt của Hải quân Philippines.

Theo nhà nghiên cứu Trương Minh Lượng, động thái này rõ ràng cho thấy tính phức tạp của vấn đề biển Đông. Các nước xung quanh biển Đông đều đang làm như vậy, nhưng thông qua các biện pháp vũ lực không thể giải quyết triệt để vấn đề. Song, các bên đều muốn tìm cách tăng cường quân bị, mua sắm vũ khí.

Ngày 21 tháng 6, tờ “Daily Inquirer” Philippines cho biết, cùng ngày, tại vùng biển tỉnh Cebu miền trung Philippines, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã chặn một tàu chở hàng của Trung Quốc mang tên “MV Ming Yuan”. Đây là một chiếc tàu chở hàng rời đăng ký tại Hồng Kông. Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, thuyền trưởng con tàu cho biết, do động cơ xảy ra sự cố, buộc phải thả neo.

Được biết, con tàu này đã vi phạm lỗi không thông báo cho các cơ quan chấp pháp Philippines khi tiến vào khu vực đảo Malapascua, đồng thời còn đang xem xét có hành vi vi phạm khác hay không. Con tàu đã bị áp tải về cầu cảng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại cảng Hagnaya, tỉnh Cebu để điều tra làm rõ. Người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, trung tá Armand Balilo cho biết, họ sẽ điều tra lí do tại sao con tàu này lại “xâm nhập bất hợp pháp” vào lãnh hải Philippines.

Quân đội Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu)
Quân đội Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập đổ bộ liên hợp (ảnh tư liệu)
Đông Bình