Mỹ thực sự đang muốn chinh phục lại Mỹ Latinh bằng răn đe quân sự?

30/06/2013 06:28
Việt Dũng
(GDVN) - 3 tháng gần đây, Mỹ đẩy nhanh bố trí thế trận ở bàn cờ khu vực Mỹ Latinh nhằm lúc khôi phục lại “vị thế vốn có".
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tờ “Khởi nghĩa” Tây Ban Nha ngày 21 tháng 6 đăng bài viết “Mỹ muốn chinh phục lại sân sau” của nhà nghiên cứu Argentina là Leandro Morganfeld.

Bài viết cho rằng, sau khi “thụt lùi” gần 10 năm ở khu vực Mỹ Latinh, Mỹ tìm cách ứng phó với thách thức, củng cố ảnh hưởng và quyền lực của mình ở khu vực này. Sau khi ông Hugo Chavez qua đời, Nhà Trắng đã đưa ra một loạt đề xướng đối với Mỹ Latinh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và ý thức hệ, tìm cách thực hiện mục tiêu nêu trên.

Theo bài viết, ngày 17 tháng 4, tại Ủy ban ngoại giao Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry đã nói rõ một mục tiêu quan trọng của ngoại giao Mỹ: “Mỹ Latinh là sân sau của chúng ta… Chúng ta cần phải tiếp cận nó với phương thức có hiệu quả”.

Năm 1991, cựu Tổng thống Mỹ Bush “cha” từng đề xuất một kế hoạch nước Mỹ mở rộng khổng lồ - “Sáng kiến châu Mỹ”. Quan điểm của Mỹ là xây dựng một khu mậu dịch tự do lớn, mở rộng “Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ” (gồm Mỹ, Canada và Mexico) tới Tierra del Fuego, quần đảo ở mũi cực nam châu Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Bil Clinton và Bush “con” tiếp tục kiên trì ý tưởng chủ nghĩa tự do mới “Khu mậu dịch tự do châu Mỹ”, nhưng do cán cân sức mạnh khu vực này có sự thay đổi và đã xuất hiện sự lựa chọn nhất thể hóa Mỹ Latinh, kế hoạch xây dựng khu mậu dịch tự do châu Mỹ của Mỹ bị thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Mardel Plata, Argentina.

Cộng với việc sau này Mỹ quan tâm nhiều hơn tới Iraq, Afghanistan, Iran, Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi, Mỹ Latinh bị gạt ra khỏi tiêu điểm quan tâm của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tình hình này tiếp tục kéo dài trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.

Phó Tổng thống Mỹ Biden thăm Trinidad và Tobago.
Phó Tổng thống Mỹ Biden thăm Trinidad và Tobago.

Bắt đầu từ nhiệm kỳ 2, ông Obama phát đi tín hiệu rõ ràng rằng, Nhà Trắng có ý định khôi phục vị thế ở khu vực Mỹ Latinh. Từ khi cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời đến nay, Washington đã tăng cường chiến lược đoạt lại khu vực này, và đã thúc đẩy quan hệ thương mại và tài chính với các nước láng giềng phía nam châu Mỹ.

Đồng thời, Washington còn tìm cách áp dụng các biện pháp chủ động về ngoại giao, ra sức làm suy yếu những đối thủ thách thức trong khu vực của họ, đặc biệt là Liên minh Bolivia dành cho châu Mỹ, đứng đầu là Venezuela.

Bài viết chỉ ra, 3 tháng gần đây, Mỹ đẩy nhanh bố trí thế trận ở bàn cờ khu vực. Obama đã thăm Mexico và Costa Rica, tiếp tục cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo. Phó Tổng thống Mỹ Biden lần lượt đã đến thăm Colombia, Trinidad và Tobago, Brazil. Nhà Trắng đã tiếp đón nguyên thủ các nước như Chile, Peru và Guatemala; Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ đến thăm Guatemala.

Washington còn mời Tổng thống Brazil  Rousseff tiến hành thăm chính thức Mỹ, ủng hộ Liên minh Thái Bình Dương Mỹ Latinh, không thừa nhận Tổng thống đắc cử Venezuela Nicolas Maduro và tiếp tục gây bất ổn ở quốc gia này, cho dù vào tuần đầu tiên của tháng 6 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hội kiến với Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua.

Ngoài ra, Mỹ còn thúc đẩy Chính phủ Juan Manuel Santos áp dụng các hành động để Colombia gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Mỹ và Argentina triển khai đàm phán để nhân viên chống ma túy Mỹ quay trở lại.

Trong vài tuần ngắn ngủi, Washington triển khai hoạt động ngoại giao dồn dập, từ đó “cải tạo sân sau” của họ. 10 năm gần đây, khu vực Mỹ Latinh đã xuất hiện hoạt động nổi dậy của người dân và phong trào chống "chủ nghĩa đế quốc", đã xây dựng tổ chức nhất thể hóa nhằm khôi phục chủ quyền và tích cực hoạt động hơn trên sân khấu quốc tế.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các nước Mỹ Latinh chưa từng công khai thách thức các chương trình hoạt động của Washington. Đứng trước những thách thức chưa từng có, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hiện là lúc khôi phục lại “vị thế vốn có”.

Mỹ không thừa nhận Tổng thống đắc cử Venezuela Nicolas Maduro
Mỹ không thừa nhận Tổng thống đắc cử Venezuela Nicolas Maduro

Bài viết cho rằng, hiện nay, Mỹ thực hiện Hiệp định mậu dịch tự do, cung cấp đầu tư và viện trợ vốn cho những nước gần gũi với họ, đồng thời tiến hành răn đe những nước chống lại lợi ích của Washington, xây dựng mạng lưới căn cứ quân sự mới gây bất ổn cho những chính phủ này, thông qua các phương tiện truyền thông quan trọng để gây sức ép, thông qua các tổ chức phi chính phủ để cung cấp tiền bạc cho phe đối lập và xóa bỏ ưu đãi về thương mại.


Việt Dũng