Theo chủ trương của Nhà nước về xóa phòng học tạm, giai đoạn 2008-2012, trường Tiểu học Hương Lâm 1, thôn Nga Trại, xã Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang được thực hiện xây dựng từ năm đó với việc xây dựng một số điểm học mới tại các thôn để con em trong xã đỡ phải đi học xa .
Xã Hương Lâm bao gồm 8 thôn, một số thôn có điểm trường giành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, đối với học sinh lớp 4-5 sẽ tập chung tại trường trung tâm (thôn Đông Lâm). Toàn xã Hương Lâm có ba điểm trường Tiểu học được đầu tư xây dựng, trong đó chỉ có điểm tại thôn Phúc Linh là được đưa vào sử dụng trong năm học này.
Một điểm trường Tiểu học ở thôn Nga Trại và điểm trung tâm tại trường Tiểu học Hương Lâm 1 đang vướng mắc, do nhà thầu hết vốn nên đắp chiếu các công trình. Cũng xin được nói trước, nguồn kinh phí để xây dựng các điểm trường này được lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ (50%), còn lại vốn đối ứng của địa phương (50%).
Hiện, điểm trường Tiểu học tại thôn Nga Trại được người dân tận dụng làm chuồng nuôi ngựa. Ảnh Xuân Trung |
Thậm chí, bên trong phòng học, người dân còn tận dụng làm chuồng nuôi ngựa. Xung quanh là những phòng học tạm của các em lớp 1-3. Theo một số người dân quanh khu vực trường, những hôm trời nắng, phân ngựa bốc mùi khiến học sinh không thể tập chung học được.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng thôn Nga Trại cho biết, chủ đầu tư công trình này là UBND xã Hương Lâm, thời điểm đó là ông Ngô Văn Cường làm chủ tịch (hiện đã nghỉ). Do không tin tưởng vào chất lượng công trình, nên nhân dân không đóng góp phần đối ứng để xây dựng tiếp, mặc dù mỗi gia đình chỉ đóng 60.000 đồng (toàn thông Nga Trại có 502 hộ với 2386 nhân khẩu).
Tương tự, tại ngôi trường 2 tầng, 4 phòng học tại điểm chính trường Tiểu học Hương Lâm 1 cũng bị nhà thầu bỏ bê công trình do hết vốn. Hầu hết, các nhà thầu làm hết số tiền từ nguồn trái phiếu rồi dừng lại. Ông Hoàng Minh Chiến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Lâm 1 cho biết: “công trình 4 phòng học này được dừng từ Tết tới giờ do hết tiền, ngoài phần từ Chính phủ (50%) nhân dân đã tự đóng góp được thêm 70 triệu, nhưng so với giá vật liệu hiện nay tăng thì còn thiếu nhiều, chưa thể tiến hành xây dựng tiếp được”.
Đã hơn 3 năm, điểm trường Tiểu học tại thôn Nga Trại vẫn chưa xong tầng 2, giờ đã trở thành nhà hoang. Ảnh Xuân Trung |
Cũng theo ông Chiến, sau khi xây dựng xong 3 điểm trường kiên cố sẽ cố gắng xóa bỏ các điểm khác để học sinh quy về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho dạy và học. Hơn nữa, trường đang trong kế hoạch tiến tới đạt trường chuẩn Quốc gia (một trong những tiêu chí đạt chuẩn là trường không quá 30 lớp học, không quá 3 điểm trường…) nên việc hạn chế các điểm trường là cần thiết.
Điểm chính của trường Tiểu học Hương Lâm cũng bị nhà thầu dừng xây dựng do hết vốn. Ảnh Xuân Trung |
Nhà thầu biến mất, học sinh ngậm ngùi
Được biết, vừa qua Thanh tra Phòng Công thương huyện Hiệp Hòa đã tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở xây dựng tại xã Hương Lâm, tất các cơ sơ xây dựng tại đây đều bị phạt vì chậm tiến độ, sai thiết kế.
Ông Hoàng Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho rằng, với những điểm trường tiểu học còn dang dở là do nhà thầu “bỏ chạy” sau khi làm hết nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ. “Sau khi tôi lên làm Chủ tịch, anh Cường (ông Ngô Văn Cường trước đó là Chủ tịch xã) có bàn giao lại các nhà thầu nhưng họ mất tăm ngay sau đó, gọi điện thì nói chỗ này, chỗ kia.
Chúng tôi không dưới 5 lần gửi công văn yêu cầu về địa phương giải quyết nhưng họ không về, chỉ nhận được phúc đáp từ bưu điện rằng, địa chỉ này không có công ty tên như thế.
Sắp tới chúng tôi sẽ mời Ban quản lí dự án huyện Hiệp Hòa tính hộ xem khối lượng công việc hết bao nhiêu, phần còn lại xây dựng hết bao nhiêu. Sau đó, chúng tôi sẽ đơn phương thanh lí hợp đồng để đưa vào xây dựng sớm cho học sinh học” ông Lịch cho biết.
Theo ông Lịch, tất cả những điểm trường của trường Tiểu học Hương Lâm được xây dựng trước thời gian ông Lịch lên làm chủ tịch xã. Các công trình được xây dựng theo hình thức đấu thầu, chứ không lấy nhà thầu tại địa phương. Chính vì thế, khi hết vốn các nhà thầu tự ý “bỏ cuộc” mà chính quyền xã không biết đâu mà lần.
“Nhiều công ty chúng thầu cứ như công ty ma, lúc ẩn lúc hiện không biết đâu mà lần” - ông Lịch nói.
Nói như vây, cũng không ai dám chắc con em xã Hương Lâm có thể được học trong những phòng học kiên cố năm tới chứ chưa nói gì cuối năm nay. Vì theo nhiều người dân cho biết, họ không an tâm trước chất lượng các công trình. Trước mắt, con em nhân dân xã Hương Lâm vẫn tiếp tục đạp xe lên trường trung tâm cách đó 3km để học mỗi ngày.