Tại phiên làm việc của UBTVQH ngày 10/7, xem xét kết quả của kỳ họp thứ 5 và chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số vấn đề lớn liên quan tới Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo sửa đổi Luật đất đai, chương trình thí điểm chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn… phải tiếp tục được quan tâm, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp có liên quan. Những vấn đề mới cần thí điểm, điều chỉnh… Chính phủ khẩn trương trình ra Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để đưa ra kỳ họp Quốc hội tới.
“Riêng đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của nhân dân, cần phải hướng dẫn các cấp tiếp thu, tiếp nhận thế nào, chứ không tổ chức lấy ý kiến nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với Luật tiết kiệm thực hành chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội cho hay, cần phải chắt lọc tinh hoa, trí tuệ để triển khai có hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Khi luật này được ban hành thì người dân mong muốn phải đảm bảo được việc tiết kiệm, đơn vị nào không thực hiện để ra lãng phí phải bị xử lý. Tôi cho là tiết kiệm chống lãng phí còn dễ làm hơn là chống tham nhũng. Tham nhũng thì không lộ ra mà nó lẩn, biết đấy nhưng không bắt được, chứ lãng phí thì lộ ra ngay, không giấu được và chắc chắn sẽ trị được”.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sin Hùng: Tham nhũng không lộ ra, nhưng lãng phí thì lộ ra. |
Về luật đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho biêt, UBTVQH đề nghị Chính phủ phải có chỉ đạo cơ quan soạn thảo, phối hợp với cơ quan thẩm tra, hoàn chỉnh tiếp thu và trình ra Chính phủ thảo luận lại cho kỹ rồi báo cáo với TVQH.
“Cần làm rõ xem dự thảo luật đất đai có khả thi không? Các Bộ trưởng còn ý kiến nào không? Vừa rồi lấy ý kiến thì tập thể Chính phủ còn những ý kiến khác nhau, nên bây giờ cũng phải xem lại những vấn đề gì quan trọng phải hoàn thiện”, ông Hùng nói.
Cũng trong nội dung về sửa đổi luật đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay còn hai Nghị định rất quan trọng mà Chính phủ chưa làm xong, đó là Nghị định về giá đất, đền bù và giải tỏa; Bồi thường hỗ trợ tái định cư.
“Khi làm hai Nghị định này thì mới nảy sinh ra nhiều vấn đề, cho nên cần phải sớm hoàn thiện trước khi thông qua dự thảo sửa đổi Luật đất đai. Cần phải xem tính khả thi tới đâu, nếu không khả thi dứt khoát không ban hành luật”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở các ủy ban trực thuộc TVQH phải giám sát chặt chẽ các luật xem có áp dụng vào cuộc sống được không. Nếu thấy có vướng mắc gì, các ủy ban phải mời Bộ trưởng báo cáo ngay, xem các luật đó đã áp dụng thế nào, làm được đến đâu, có gì chưa làm được. Các ủy ban có trách nhiệm tổng hợp lại rồi gửi tới Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để có đánh giá và lập báo cáo thẩm tra đưa ra Quốc hội.