Sữa chua Petit Plaisir nhập khẩu từ Đức mốc xanh dù còn hạn sử dụng

18/07/2013 07:41
Hoàng Nguyên
(GDVN) - Mua lốc sữa chua nhãn hiệu Petit Plaisir nhập khẩu từ Đức về để làm quà cho cháu, anh C ở Từ Liêm, Hà Nội phát hoảng vì sữa bị mốc xanh khi vẫn còn hạn sử dụng.

Phản ánh đến báo Giáo dục Việt Nam, anh C cho hay: Ngày 5/7 anh có mua vài hộp sữa chua hoa quả nhãn Petit Plaisir tại một đại lý bên đường Hồ Tùng Mậu (Từ Liêm, Hà Nội) về để làm quà cho cháu. Sáng ngày 7/7, anh C lấy một hộp để trong tủ lạnh ra ăn thử thì thấy có hiện tượng khác lạ.

Sữa chua hoa quả Petit Plaisir hiệu Bauer được nhập khẩu từ Đức bị mốc xanh trong khi hạn sử dụng còn gần 1 tháng.
Sữa chua hoa quả Petit Plaisir hiệu Bauer được nhập khẩu từ Đức bị mốc xanh trong khi hạn sử dụng còn gần 1 tháng.

Anh C kể: “Sau khi ăn được vài miếng, tôi phát hoảng khi thấy lớp sữa quanh thành hộp nhiều chỗ bị mốc, có màu xanh. Lúc ấy trong phòng không bật điện, không nhìn rõ nên tôi có trót ăn vài miếng mới phát hiện ra sữa bị mốc”.

Theo anh C, việc sản phẩm kém chất lượng được bày bán bên ngoài thị trường không phải là chuyện hiếm, cũng thường xuyên nghe báo chí thông tin. Tuy nhiên hiện tại anh rất lo lắng vì: “Mình là thanh niên thì thôi không nói làm gì. Không biết sữa chua bị mốc xanh như thế này mà trẻ nhỏ ăn phải sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?”.

Anh C cho biết, những hộp sữa chua Petit Plaisir này anh mới mua về và được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh, không hiểu vì lí do gì sữa bị “biến dạng” mốc xanh trong khi hạn sử dụng (HSD) còn dài, đến tận tháng 08/2013.

Sản phẩm sữa chua hoa quả Petit Plaisir kém chất lượng anh C phản ánh.
Sản phẩm sữa chua hoa quả Petit Plaisir kém chất lượng anh C phản ánh.

Sau khi phát hiện sữa chua Petit Plaisir bị mốc xanh khi vẫn còn HSD, anh C tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì được biết, sữa chua hoa quả Petit Plaisir được nhập khẩu từ Đức và phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại City Food Lê Minh, Đ/C tại B3 KTT Laset, đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Anh C phản ánh sự việc trên tới đơn vị phân phối là Công ty TNHH Thương mại City Food Lê Minh, nhưng gần 1 tuần trôi qua không thấy công ty có phản hồi lại.

Theo đó, sáng 16/7, trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đức Tiệp - phó GĐ Công ty City Food Lê Minh cho biết đã giao cho nhân viên thị trường khu vực Cầu Giấy giải quyết. “Tuy nhiên nhân viên của công ty có chút chậm trễ, rất mong khách hàng và PV thông cảm” – ông Tiệp nói.

Ngoài ra ông Tiệp cho biết thêm, Công ty kinh doanh sữa chua, váng sữa là những sản phẩm rất nhạy cảm về vấn đề bảo quản vì phải qua nhiều khâu vận chuyển khác nhau. Và đây là rủi ro không ai mong muốn. Để giải quyết, công ty Lê Minh cũng đã cử nhân viên thị trường xuống gặp khách hàng giải thích, bồi thường và mong khách hàng thông cảm cho sự cố này.

Việc sản phẩm váng sữa cho trẻ nhỏ được nhập khẩu từ Đức thời gian qua xảy ra không ít vụ việc tương tự như trên.

Tháng 8/2012, chị Phạm Thị Ngọc Liên ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội vô cùng lo lắng sau khi cho con ăn váng sữa hoa quả hiệu Le Petit Plaisir (SP của Đức) mới mua về, thì cậu con trai 14 tháng tuổi có biểu hiện ngộ độc “đau bụng, nôn ói kèm tiêu chảy”. Mở tủ lạnh kiểm tra lại vỉ váng sữa hoa quả còn nguyên hạn sử dụng đã mốc xanh mốc đen.

Người tiêu dùng liên tục phản ánh váng sữa nhập khẩu từ Đức kém chất lượng.
Người tiêu dùng liên tục phản ánh váng sữa nhập khẩu từ Đức kém chất lượng.

Trước đó, vào tháng 3/2012, anh Kiên (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng gặp một trường hợp tương tự. Sau khi cho con ăn váng sữa hoa quả hiệu Le Petit Plaisir mới mua về do Công ty TNHH City Food Lê Minh phân phối, anh phát hoảng khi cả hai đứa con đều có biểu hiện ngộ độc “đau bụng, nôn kèm tiêu chảy”. Kiểm tra lại vỉ váng sữa còn nguyên hạn sử dụng nhưng đã mốc xanh mốc đen.

Trước việc nhiều sản phẩm váng sữa được nhập khẩu từ Đức có chất lượng không đảm bảo, nhiều bà mẹ lo lắng: “Thực phẩm là tính mạng của con người. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc chứ không chỉ là hình thức bồi thường đơn thuần. Trong bối cảnh hiện nay, nên “tước quyền thi đấu và phạt nặng” các Công ty cung cấp sản phẩm kém chất lượng”.

Hoàng Nguyên