Lý giải vì sao cự cãi CSGT bị đánh, trêu CSGT thì bị bắn?

19/07/2013 08:42
Phong Vũ
(GDVN) - Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam về tâm lý những người liên quan tới vụ CSGT nổ súng làm 2 người bị thương ở Thanh Hóa và vụ người vi phạm bị “ăn đòn” vì “cự cãi” CSGT ở TP.HCM.
Gần đây báo chí có phản về 2 vụ việc “lùm xùm” liên quan đến CSGT khiến người dân bức xúc. Vụ việc thứ nhất xảy ra tại TP HCM. Cụ thể, một đội CSGT luôn luôn có một người đàn ông lạ mặt “bám theo”.

Người đàn ông lạ mặt này “sẵn sàng” lao vào chửi bới, đánh người vi phạm giao thông nếu người vi phạm có biểu hiện không bằng lòng và hỏi vặn lại CSGT. Khi thấy hai người dân “đánh lộn” ngay trước mắt, các đồng chí CSGT lại không kịp thời ngăn cản, thậm chí là đứng nhìn....
1 CSGT quay lưng, 1 CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau. (ảnh: Thanh Niên)
1 CSGT quay lưng, 1 CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau. (ảnh: Thanh Niên)

Vụ việc thứ 2 xảy ra tại Thanh Hóa vào chiều 16/7 vừa qua. Theo đó, một đồng chí CSGT đuổi theo và nổ súng khiến 2 người đang tham gia giao thông bị thương. Theo thông tin ban đầu, hai người dân này trước đó đã vi phạm luật giao thông và có hành vi “trêu tức” CSGT....

Phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn về tâm lý của những người liên quan trong 2 vụ việc nói trên.

Nghi ngờ về việc CSGT đồng lõa với kẻ lạ dằn mặt người vi phạm.

Về vụ việc luôn người đàn ông lạ mặt bám theo đội CSGT và sẵn sàng lao tới chửi bới, hành hung người đi đường, theo ông Chất, hành động của người đàn ông lạ mặt kia có thể xuất phát từ 3 lý do dưới đây:

Thứ nhất, người đàn ông lạ mặt đó là người có nhận thức pháp luật hạn chế, họ chửi bới và đánh người vi phạm giao thông chỉ vì để thỏa mãn tính “ưa bạo lực” thấp kém của anh ta.

Trường hợp thứ 2, có thể người đàn ông lạ mặt kia cố tình chửi và hành hung người vi phạm giao thông nhằm tạo ra một tình huống lộn xộn, qua đó, anh ta sẽ tranh thủ trộm cắp tài sản của người vi phạm.

Trường hợp thứ 3, không loại trừ khả năng người đàn ông lạ mặt này có quen biết từ trước và móc nối với CSGT để “dằn mặt” những người vi phạm có biểu hiện “cự cãi”.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.

>>>Xem video: Ăn đòn vì cự cãi CSGT tại đây

“Trường hợp CSGT đồng lõa với người lạ, dằn mặt người vi phạm rất ít xảy ra. Tôi nghĩ chỉ có những CSGT khờ dại mới làm điều đó. Đây là hành động trái pháp luật. Nếu những CSGT có chuyên môn nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm, am hiểu luật pháp và làm theo những điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là đối với dân phải kính trọng lẽ phép thì có lẽ không ai mượn một anh lạ mặt để làm điều đó.

Tuy nhiên, dù tỉ lệ nhỏ nhưng những trường như vậy không phải là không có. Có khả năng xảy ra trường hợp anh CSGT "thuê" hoặc gọi một người bạn hay một ai đó đứng cạnh. Mục đích của việc này là khi có người vi phạm phải ‘tấn công’ ngay lập tức để người vi phạm phải quy phục. Nhưng phải khẳng định đó là hành động trái pháp luật, nhầm lẫn nếu như CSGT hành động như vậy...

Quy phục người phạm luật không phải là bằng sức mạnh, bằng bạo lực, mà phải quy phục một cách có văn hóa, bằng những quy định đúng đắn của pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà luật pháp chúng ta lại yêu cầu các chiến sĩ CSGT khi gặp người dân vi phạm phải chào.

Hành động chào ở đây là một cách thể hiện sự ân cần, lễ độ, phải là cử chỉ chào trân trọng của người cảnh sát đối với nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay tôi thấy hành động chào của một số đồng chí CSGT là rất hình thức.

Người dân vi phạm thì CSGT có quyền xử lý. Nhưng phải hiểu rằng, người tham gia giao thông vi phạm là họ vi phạm pháp luật do Nhà nước đặt ra. Bởi vậy, CSGT là người đại diện cho pháp luật xử lý vi phạm của người dân. CSGT không nên lầm tưởng về điều đó, để họ có quyền làm gì cũng được!…”

Về vấn đề khi thấy hai người dân “đánh lộn” ngay trước mắt, nhưng các đồng chí CSGT lại không kịp thời ngăn cản, thậm chí là đứng nhìn… ông Nguyễn An Chất cho rằng, trong trường hợp này có 2 khả năng. “Thứ nhất, có khả năng các đồng chí CSGT quá bất ngờ với tình huống xảy ra, anh ta không biết nên bảo vệ bên nào là hợp lý nên không kịp thời can thiệp, ngăn chặn. Trường hợp thứ 2, ông Chất đặt ra câu hỏi tình huống: sở dĩ CSGT không can thiệp bởi vì tình huống đó có thể có lợi cho anh ta?” ông Chất nhận định.

"Cả 2 người đều thiếu ý thức, vô văn hóa"

Nạn nhân đang tường trình sự việc với cơ quan công an.
Nạn nhân đang tường trình sự việc với cơ quan công an.

>>>Xem Video: Cán bộ huyện "ăn đạn" vì trêu CSGT

Liên quan đến vụ việc CSGT nổ súng làm 2 người bị thương ở Thanh Hóa xảy ra vào chiều 16/7 vừa qua, ông Chất cho rằng:

“Gần như không thể có chuyện 2 người dân đang tham gia giao thông mà bị cảnh sát vô cớ nổ súng làm bị thương. Bởi CSGT cũng được đào tạo, huấn luyện bài bản về nghiệp vụ. Nếu trước đó 2 người nói trên có hành vi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách đãnh võng trên đường, đùa giỡn với CSGT… thì rõ ràng là anh ta đang cố tình vi phạm pháp luật.

Sau đó, hai anh này đã bỏ chạy để trốn tránh việc bị xử lý theo pháp luật. Đây là hành động vô ý thiếu văn hóa,” ông Chất nói.

Bên cạnh việc không bằng lòng với thái độ 2 người vi phạm giao thông nói trên, ông Chất cũng phản đối cách ứng xử của đồng chí CSGT đã nổ súng vào họ: “Trường hợp này, dù sao người vi phạm cũng đang bỏ chạy, chứ không phải là chống đối lại CSGT. Bởi vậy, việc CSGT đuổi theo và nổ súng khiến họ bị thương là không hợp lý.

Đồng chí CSGT này có thể phối hợp với lực lượng của mình hoặc kêu gọi sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân để bắt giữu người vi phạm. Việc nổ súng khổng chỉ gây nguy hiểm cho 2 người vi phạm kia mà còn có thể gây nguy hiểm cho nhiều người dân có mặt trên đường vào thời điểm đó.”

“Đây là hành động bột phát nhất thời, thể hiện cái tôi quá lớn của CSGT. Có thể vào thời điểm đó, đồng chí CSGT này muốn thể hiện sự oai phong, quyền lực của anh ta. Nhưng điều này là hoàn toàn không được phép. Người vi phạm có thể nhạo báng, nhưng họ vẫn là người công dân.

Đây chỉ là hành động bột phát, thiếu ý thức, vô văn hóa của người tham gia giao thông. Trong trường hợp đó, đáng lẽ CSGT – người đại diện cho pháp luật phải cư xử sao cho có văn hóa. Thế nhưng anh này lại cư xử cũng bột phát, thiếu văn hóa. Hai người cư xử thiếu văn hóa gặp nhau sẽ dễ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc”. Ông Chất đánh giá.

Phong Vũ