Ủng hộ cho bắn đạn cao su vào người có hành vi chống đối, trêu tức CSGT
Liên quan đến vụ việc: Cán bộ huyện trêu tức CSGT bị “ăn đạn” phải đi bệnh viện, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho CSGT nổ súng, bắn đạn cao su vào những hành vi chống đối CSGT hay không.
Vụ CSGT bắn cán bộ huyện: Gặp chủ nhân của Video được tung lên mạng
Video: Cán bộ huyện trêu tức CSGT bị “ăn đạn” phải đi bệnh viện
Đại úy CSGT bắn Cán bộ huyện: Họ liên tục ép xe, trêu tức tôi!
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam tối 22/7, ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho biết ông đã xem clip hai hai cán bộ của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) lạng lách, thách thức CSGT và nhận định “đây là hành vi không thể chấp nhận được”.
Theo đánh giá của ông Bảo, xem clip thì thấy đây là hành vi cố ý vi phạm luật giao thông, dù biết có CSGT truy đuổi và liên tục yêu cầu dừng xe, nhưng hai thanh niên không những tăng ga chạy nhanh mà còn đánh võng, bỏ mũ bảo hiểm… có ý thách thức CSGT.
“Hành vi này của họ không chỉ coi thường luật pháp mà còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người đi đường, cho nên việc chiến sĩ CSGT bắn hai phát đạn cao su là cần thiết để ngăn chặn những khả năng xấu hơn”, ông Bảo phân tích.
Theo quy định hiện nay của ngành công an, CSGT làm nhiệm vụ được phép nổ súng bắn đạn cao su trong trường hợp có đối tượng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, hoặc tấn công uy hiếp tính mạng của người dân… và trong trường hợp này đang có hai luồng ý kiến tranh luận trái chiều: Một phía cho rằng chưa cần thiết phải nổ súng, nhưng một phía thì cho rằng nên cho phép CSGT được nổ súng trong những trường hợp này, bởi hành vi trên không chỉ thể hiện sự coi thường luật pháp mà còn có thể gây ra các sự cố đáng tiếc với người dân tham gia giao thông.
Theo nhận định của ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, ngành công an đã có tính toán rất cẩn trọng khi cho phép CGST sử dụng súng bắn đạn cao su và luôn đặt sự an toàn của người dân lên trên hết.
“Nếu là súng bắn đạn thật thì đúng là phải rất thận trọng khi cho phép sử dụng, còn đây là đạn cao su, nó có thể làm đau, nhưng không chết người. Tôi ủng hộ việc xem xét cho phép mở rộng quyền bắn súng bắn đạn cao su của CSGT trong các trường hợp tương tự như xảy ra ở Thanh Hóa vừa qua.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo ủng hộ việc xem xét cho phép CSGT được quyền nổ sung với các đối tượng lạng lách, đánh võng, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ở một đất nước pháp quyền thì mọi việc phải được ứng xử theo luật, người dân có quyền của người dân và được pháp luật bảo vệ, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ cũng phải có những quyền thật cần thiết, nhằm thực thi tốt nhiệm vụ được giao. Trong xu thế phát triển hiện nay đang ngày càng có nhiều vụ việc phức tạp xảy ra, nếu CSGT không có đủ quyền cần thiết thì rất khó xử lý với những vụ việc tương tự”, ông Bảo cho hay.
Liệu có thể dẫn tới sự lạm quyền?
Trước những lo ngại về việc nếu mở rộng quyền được bắn đạn cao su cho CSGT, có thể dẫn tới sự lạm quyền, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: “Bản thân lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ phải tuyệt đối tuân thủ theo luật. Nếu ai đó lo ngại lạm quyền, vậy thì phải đặt câu hỏi: CSGT sẽ ứng xử thế nào với các trường hợp có ý vi phạm như sự việc ở tỉnh Thanh Hóa? CSGT sẽ mặc kệ, coi như không có chuyện gì xảy ra?
Tất nhiên là không thể bỏ qua coi như không có gì, nhưng khi truy đuổi thì họ phải có công cụ cần thiết để ngăn chặn. Vấn đề đặt ra là luật quy định như thế nào thì mỗi chúng ta phải có nghĩa vụ tuân thủ, ai lạm quyền thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Cuối cùng ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nêu ra một vấn đề đang rất “nóng” hiện nay, đó là sự vô ý thức của rất nhiều người tham gia giao thông.
Ông nói: “Theo tổng kết thì đa phần các vụ tai nạn giao thông đều có lỗi xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện, mặc dù báo chí thường xuyên tuyên truyền, các lực lượng chức năng vào cuộc liên tục mà tình trạng này vẫn cứ diễn ra phổ biến.
Tại sao vậy? Đó là vì chế tài xử phạt chưa thực sự đủ sức răn đe, ngăn chặn với những đối tượng cố ý vi phạm. Tại một đất nước phát triển, chúng ta có thể rất ngạc nhiên về ý thức chấp hành khi tham gia giao thông của người dân, cho dù không thấy bóng dáng của CSGT trên đường.
Nó là cả một quá trình của sự phát triển, mà muốn phát triển được như vậy thì luật phải nghiêm, còn ở ta hiện nay bệnh vô ý thức vẫn còn rất phổ biến”.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!