Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc |
Ngày 16 tháng 7, trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đưa tin, truyền thông Ukraine bình luận cho rằng, hàng đẹp giá rẻ mà Trung Quốc sao chép vũ khí trang bị nổi tiếng của các nước khác hiện nay đang tích cực xâm nhập thị trường quốc tế. Trung Quốc sở dĩ có thể thành công, không tách rời tác dụng của các nhân tố bên trong và bên ngoài.
Hiện nay, Trung Quốc có thể nói là người đi đầu sản xuất hàng nhái vũ khí nổi tiếng thế giới, là người đi đầu giành lấy công nghệ tiên tiến của thế giới. Những hàng hóa rất giống vũ khí trang bị nổi tiếng thường được Trung Quốc đưa ra đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, chẳng hạn tên lửa Hồng Kỳ-9 (HQ-9) Trung Quốc đã sao chép hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, xe EQ2050 dòng Mãnh Sĩ hoàn toàn sao chép xe Hummer của Mỹ, máy bay không người lái Dực Long rất giống MQ-9 Predator của Mỹ và máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 tương tự máy bay vận tải quân dụng An-70 của Công ty công nghiệp máy bay Antonov của Ukraine.
Ngoài ra, ngoại hình của máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ năm J-31 đang nghiên cứu chế tạo của Trung Quốc rất giống F-22 của Mỹ. Danh sách như vậy còn có thể tiếp tục liệt kê, hơn nữa không chỉ dừng lại ở 20 chương trình.
Trong bối cảnh bí mật công nghệ quân sự (vốn được các nhà sản xuất vũ khí các nước trên thế giới bảo vệ chặt chẽ) bị tiết lộ, Trung Quốc có thể nghiên cứu được các sản phẩm cùng loại, chủ yếu là do một loạt nhân tố bên trong và bên ngoài quyết định.
Xe thông tin Mãnh Sĩ của Trung Quốc |
Về nhân tố bên trong, ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc thông qua nỗ lực đã thực hiện ít nhiều thành công mục tiêu - chiếm vị thế quan trọng trên "sân khấu thế giới". Căn cứ vào thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Thuỵ Điển, năm 2012 xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã thực hiện đột phá mang tính lịch sử, vượt Anh, lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới. Năm 2013, chi tiêu quốc phòng không dưới 114 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Đến trước năm 2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ vượt 250 tỷ USD.
Tất cả những thành quả này đều có thể thúc đẩy Trung Quốc thông qua mọi loại con đường để có được công nghệ quân sự tiên tiến, vừa thông qua phương thức thông thường tích lũy công nghệ để đạt tiến bộ, vừa thành lập doanh nghiệp liên doanh để nhập khẩu công nghệ tiên tiến, vừa sử dụng các thủ đoạn gián điệp để ăn cắp công nghệ. Tóm lại, được nhà nước ra sức ủng hộ, đã tạo được điều kiện chính trị và kinh tế có lợi rất tốt, đã nhận được rất nhiều công nghệ thông tin và quân sự tiên tiến.
Về nhân tố bên ngoài, sẽ kể ra được rất nhiều. Vừa có nhân tố địa-chính trị thế giới thay đổi, Liên Xô giải thể, thế giới hai cực chuyển sang thế giới đơn cực, vừa có nhân tố một số nước bị khủng hoảng trong phát triển kinh tế, đồng thời còn có nhân tố nhu cầu hàng hóa quốc phòng của các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng lên và nhân tố tiến trình toàn cầu hóa thúc đẩy chuyển dịch sức lao động và các nguồn lực sản xuất, tất cả những nhân tố này phần nào đã nâng cao năng lực công nghệ công nghiệp quân sự của Trung Quốc.
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc |
Trong đó, Liên Xô tan rã thúc đẩy rất nhiều nước đồng minh cũ độc lập, là một nhân tố quan trọng, dù sao phần lớn hàng sao chép trang bị quân sự của Trung Quốc đều có liên quan đến vũ khí của Liên Xô hoặc Nga.
Mấy chục năm gần đây, Trung Quốc luôn là đối tác hợp tác chủ yếu của Nga, thậm chí tất cả các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của các nước thuộc Liên Xô cũ, hầu như tất cả các loại vũ khí trang bị đều bán cho Trung Quốc, trong thập niên 90 còn chuyển nhượng công nghệ sản xuất cho Trung Quốc.
Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế các nước có liên quan xảy ra khủng hoảng, chi tiêu quốc phòng thiếu thốn, nhu cầu quân sự giảm đi, những nước này dựa vào Trung Quốc - nước liên tục phát triển, ký kết các hợp đồng xuất khẩu vũ khí khổng lồ, đã vừa duy trì được sự tồn tại của bản thân, duy trì hoặc thúc đẩy nhất định sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự trong nước để kiếm ngoại hối.
Hiện nay còn có thể thấy được một số loại vũ khí trang bị được nghiên cứu chế tạo thông qua loại hợp tác này, chẳng hạn máy bay trực thăng Z-10 lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012 chính là sản phẩm do Trung Quốc và Cục thiết kế Kamov Nga hợp tác nghiên cứu phát triển.
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc |
Mặc dù vũ khí trang bị sao chép dán mác "sản xuất tại Trung Quốc" hàng đẹp giá rẻ, sức cạnh tranh tương đối mạnh, nhưng cần phải thấy rằng, hiện nay, thành tựu trên thị trường thế giới của công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc còn không lớn lắm, hiện nay chỉ chiếm 5% thị trường xuất khẩu thế giới, hơn nữa chủ yếu thực hiện thông qua hợp đồng lớn với Pakistan trong 4 năm gần đây.
Hơn nữa, một số chuyên gia quốc tế cho rằng, phần lớn vũ khí trang bị sao chép của Trung Quốc hoàn toàn không phải là hàng nhái rất thành công. Ít nhất phải trải qua một khoảng thời gian, vũ khí Trung Quốc mới có thể đạt trình độ hiện nay của phương Tây về trình độ công nghệ và chất lượng.
Nhưng, dù thế nào, hàng nhái Trung Quốc hiện đã gây tổn thất kinh tế cho những nhà sở hữu bằng sáng chế công nghệ, đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt rất khó ứng phó trên thị trường tiêu thụ vũ khí.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc |
Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 Trung Quốc |
Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/