Vụ nổ súng vào cán bộ huyện, CSGT có thể bị xử lý như thế nào?

25/07/2013 08:40
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Hành vi nổ súng của CSGT trong trường hợp trên là vi phạm quy định của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH 12, ngày 30/6/2011 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bởi vì hành vi của người người tham gia giao thông trong tình huống không thuộc trường hợp để chiến sỹ công an phải nổ súng.
CSGT nổ súng có thể bị phạt tù đến 3 năm
Hình ảnh ghi lại cảnh 2 người tham gia giao thông đánh võng, trêu tức CSGT.
Hình ảnh ghi lại cảnh 2 người tham gia giao thông đánh võng, trêu tức CSGT.

Như báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: Chiều ngày 16/7, trong lúc đang tham gia giao thông trên đường Quang Trung (khu vực trước cổng chợ Nam Thành, P.Đông Vệ, TP.Thanh Hóa), anh Lê Văn Ngọc (hiện là cán bộ Trung tâm bồi dưỡng chính trị H.Quảng Xương) đang chở anh Tô Thế Kỷ (người cùng địa phương) trên xe mô tô (BKS 33L5-2457) lưu thông theo hướng Bắc - Nam) đã bị một người đàn ông mặc sắc phục CSGT đuổi theo nổ súng làm 2 người bị thương.

Một trong 2 người bị CSGT nổ súng làm trọng thương là anh Lê Văn Ngọc, hiện công tác tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương.

Liên quan đến những khía cạnh pháp lý trong vụ việc này, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam vừa có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng – Trưởng văn phòng Luật sư Thái Dũng (Hà Nội)

Cán bộ công chức phạm luật cũng bị xử lý như những người dân bình thường khác. (Ảnh Thanh niên online)
Cán bộ công chức phạm luật cũng bị xử lý như những người dân bình thường khác. (Ảnh Thanh niên online)

Bầu chọn


Theo bạn có nên cho CSGT nổ súng vào người vi phạm, trêu tức CSGT?

PV: Thưa luật sư, trong trường hợp này, hành vi nổ súng của CSGT là đúng hay sai? Nếu sai thì đồng chí CSGT đó vi phạm điều luật gì và sẽ bị xử lý như thế nào?

LS Nguyễn Như Thái Dũng: Hành vi nổ súng của CSGT trong trường hợp trên là vi phạm quy định của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH 12, ngày 30/6/2011 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bởi vì hành vi của người người tham gia giao thông trong tình huống không thuộc trường hợp để chiến sỹ công an phải nổ súng.

Việc anh Lê Văn Ngọc (một trong số 2 người bị bắn) đã có thái độ chưa chuẩn mực khi tham gia giao thông, bà Đỗ Thị Huyền (mẹ ruột anh Ngọc) cho rằng: “Đây là việc đáng buồn cũng là bài học cho con trai tôi”.

Nếu như diễn biến vụ việc đúng như những thông tin ban đầu và theo lời của CSGT thông tin đến báo chí thì sai phạm của đồng chí CSGT là rất rõ ràng.

Ở đây, hai người vi phạm luật giao thông đang bỏ chạy thì CSGT đuổi theo và nổ súng, chứ không phải hai người dân đó cố tình lao xe vào, gây nguy hiểm đến tính mạng của đồng chí CSGT.

Giả sử trước đó 2 người dân bị bắn kia vi phạm luật giao thông và có hành vi chửi mắng, trêu tức CSGT... Tất cả những hành vi này đều được pháp luật điều chỉnh và phải xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể vì lý do đó mà CSGT bực tức rồi đuổi theo, rút súng bắn người vi phạm.

Về việc xử lý sai phạm của CSGT trong trường hợp này, nếu người vi phạm luật giao thông bị CSGT bắn có tổn hại sức khỏe dưới 31% thì chiến sỹ CSGT đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi của mình theo quy định của Pháp lệnh số 16 nói trên.

Nếu người vi phạm luật giao thông bị CSGT bắn có tổn hại sức khỏe từ 31% trở lên thì chiến sỹ CSGT đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ, được quy định tại Điều 107, Bộ luật hình sự.

Theo điều luật này, đồng chí CSGT có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng.
Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng.

PV: Luật sư đánh giá thế nào về thái độ, hành vi của hai người vi phạm giao thông trong trường hợp này. Thông tin ban đầu cho thấy, hai người này không những vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng ... mà họ còn trêu tức CSGT.

Thêm vào đó, cả hai đều không còn trẻ tuổi, một người sinh năm 1970, một người sinh năm 1977. Đặc biệt, một người trong đó còn là cán bộ của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện?

LS Nguyễn Như Thái Dũng: Video mà báo chí đăng tải liên quan đến vụ việc này là đoạn băng hình ghi lại cảnh CSGT đang đuổi theo 2 người vi phạm. Rõ ràng là 2 người này đã vi phạm luật giao thông trước đó, bởi không ai lại đuổi theo người đang tham gia giao thông bình thường.

Tuy nhiên, đoạn video này chỉ thể hiện được sai phạm rõ ràng nhất của 2 người tham gia giao thông là họ không đội mũ bảo hiểm. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của luật giao thông đường bộ. Trước đó, có thể hai người này đã vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng và có hành vi trêu đùa CSGT... tuy nhiên để khẳng định được những sai phạm này cần phải chờ kết quả xác minh của cơ quan điều tra.

Về việc hai người vi phạm lớn tuổi, lại là cán bộ huyện thì hành vi vi phạm của họ là rất đáng trách. Tuy nhiên, cho dù là cán bộ, công chức hay người dân bình thường, nếu đã vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý như nhau. Ai sai phạm đến đâu thì bị xử lý đến đó.

Nói về qui định xử phạt trong những trường hợp người tham gia giao thông cố tình vi phạm, thách thức CSGT, cụ thể trong vụ anh Lê Văn Ngọc và anh Tô Thể Kỷ bị một đồng chí CSGT TP. Thanh Hóa bắn bị thương mới đây, theo Đại tá Khương Duy Oanh, Phó GĐ Công an tỉnh Thanh Hóa, vi phạm của hai người này thuộc nhóm hành vi có thể rơi vào tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm giao thông;

Theo Đại tá Oanh, rất hiếm thấy người vi phạm nào sau khi bị xử phạt quay lại cảm ơn CSGT vì “anh phạt tôi đúng quá”. Điều này phần nhiều do việc xử phạt ảnh hưởng đến túi tiền của người dân nên họ mới có thái độ như vậy.

Về biện pháp xử lí đồng chí CSGT bắn người vi phạm, Theo Đại tá Oanh cho biết, Ban giám đốc Công an Thanh Hóa sẽ xử lí theo qui định của ngành và pháp luật. Còn về hai người đàn ông vi phạm giao thông, thách thức cảnh sát cũng sẽ xử lí theo đúng luật.

“Hành vi sai đến đâu sẽ xử lí đến đó. Ngoài ra thông báo về cơ quan nhà nước quản lí địa bàn, để chính quyền, cơ quan nơi họ đang sinh sống, làm việc có biện pháp giáo dục, không để tái phạm” – Đại tá Oanh cho hay.

Về vụ việc này, ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm: “Hành vi lạng lách, cởi bỏ mũ bảo hiểm khi bị truy đuổi của hai thanh niên ở tỉnh Thanh Hóa không chỉ thể hiện sự coi thường luật pháp mà còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người đi đường, cho nên việc chiến sĩ CSGT bắn đạn cao su là cần thiết để ngăn chặn những khả năng xấu hơn”.

Một kết quả thăm dò của của Báo Giáo dục Việt nam cho thấy: khi được hỏi về quan điểm: Theo bạn có nên cho CSGT nổ súng vào người vi phạm, chống đối, trêu tức CSGT? Trong số hơn 9000 người tham gia lấy ý kiến (cho tới thời điểm này) thì đã có phần lớn số người đồng tình với phương án cho nổ súng (hơn 4000 người), và gần 4000 người đưa ra quan điểm không cho CSGT nổ súng.


Quyết Nguyễn