Chiếc quan tài cổ trong “hang ma”: Vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp

29/07/2013 07:35
Đình Hường
(GDVN) - Ở trong “hang ma” có chiếc quan tài cổ làm bằng thân cây gỗ to, nắp đã bị bật mở, và bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp phần ở dưới đã bị mối mọt đục thủng. Nhưng chiếc quan tài cổ có niên đại từ bao giờ, được đưa xuống hang như thế nào vẫn còn là một điều bí ẩn.
Khám phá quan tài cổ

Giờ đây, trước mặt tôi là chiếc quan tài cổ được đặt trên một hốc đã cao đến ngực tôi. Phần nắp trên của chiếc quan tài đã bị bật mở. Tấm đáy của quan tài nơi đặt thi thể của người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc của tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ vật tùy táng rơi xuống nền hang. Ở bên dưới nền hang là những mảnh sọ nhỏ và những mảnh xương ống bị gẫy. 

Quan tài cổ làm bằng thân cây gỗ to ở trong "hang ma".
Quan tài cổ làm bằng thân cây gỗ to ở trong "hang ma". 

>>>Xem Video: Hành trình khám phá quan tài cổ trong “hang ma” ở Thái Nguyên
Theo quan sát, chiếc quan tài được làm bằng một thân cây gỗ lớn, cây gỗ được tách ra làm hai mảnh, bên trong người ta đục lõm xuống. Toàn bộ bên trong lõm xuống chỉ thấy dấu hiệu đục và đẽo mà không có dấu hiệu bất kỳ của cưa, bào… Ở đầu quan tài có chỗ lồi ra để cầm, ở giữa có một lỗ nhỏ để chốt lại với nhau.

Cỗ quan tài có dấu hiệu bị xuống cấp, phần ở dưới đã bị mối mọt đục thủng theo chiều dọc. Chiếc quan tài có đường kính khoảng 50cm, dài khoảng 2 – 2,5m. Ở cuối hang có một hang nhỏ ăn thông lên chỗ đầu hang chính. 

Ở dưới quan tài cổ có hai chiếc bát, đây là một chiếc bát chân cao đã bị vỡ ở phần miệng.
Ở dưới quan tài cổ có hai chiếc bát, đây là một chiếc bát chân cao đã  bị vỡ ở phần miệng. 

Gần ngay đấy là hai chiếc bát, trong đó có một chiếc bát chân cao, phần đáy bôi màu nâu đỏ, thân bát được trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen. Bát được khoét lòng ở dưới đáy, giữa lòng có chữ Phúc viết bằng chữ Hán.

Chiếc bát còn lại chân thấp men màu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những đồ vật bên trong quan tài cổ.

Ở trên trong lòng hang, chúng tôi còn phát hiện ra ba chữ Hán cổ viết trên đá. Anh Hoàng Văn Nam – người đi rừng lâu năm, thông thạo địa hình ở đây còn dẫn chúng tôi đến cuối hang, chỉ cho chúng tôi xem ba chữ viết ở ba hướng khác nhau, nhưng giờ chỉ còn một chữ đó là chữ Thập.

Ba chữ Hán cổ được viết trên vác đá ở "hang ma".
Ba chữ Hán cổ được viết trên vác đá ở "hang ma".

Chưa tìm ra lời giải đáp!

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tiến Lâm – Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến cho biết: Khoảng năm 1986 người dân đã phát hiện ra quan tài cổ ở trong hang khiến nhiều người sợ hãi không dám đến gần hang đó. Nên người dân gọi là “hang ma”.

Ở bên trong hang có quan tài cổ làm bằng thân cây, nhưng cũng không biết quan tài đó có từ thời nào? Được làm bằng gỗ gì? Đục đẽo như thế nào? Cách đưa xuống hang cũng chưa ai biết được?

Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến - ông Trần Tiến Lâm.
Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến - ông Trần Tiến Lâm. 

Lúc đó, người dân vẫn trồng ngô, sắn… ở bên dưới “hang ma”. Ở ngay phía bên dưới “hang ma” còn có một cái thung, người ta gọi là thung ba tổng. Còn về việc có liên quan đến hang đó không thì cũng chưa ai có thể ký giải được. 

Như lời đồn đại của người dân ở trong “hang ma” người ta đã nhốt cô gái trẻ đẹp ở trong qua tài cho ngậm sâm đến chết để giữ bùa, chắc chắn không có đâu. Bây giờ không còn dấu tích gì để chứng minh cô gái giữ của ở đó. 

Trong lần khảo sát trước tôi cũng thấy rằng “hang ma” có dấu hiệu bị đào bới nhưng không thể nào biết chỗ đó có gì không, có ai đào bới không thì không rõ. 

Anh Hoàng Văn Nam cho biết: “Hang động rộng chừng 20m, đi sâu vào bên trong ở trên vách đá có ba chữ Hán cổ. Tiếp đến, đi gần cuối hang chiếc quan tài cổ làm bằng thân cây gỗ, nắp trên đã bị bật, được nằm chon von trên hốc đá cao đến ngực. Chiếc quan tài cổ có đường kính thân cây chừng 50cm, dài khoảng 2 – 2,5m”. 


Đình Hường