Thủ khoa Ngoại thương từng thất bại khi vào cấp III
Suốt quá trình phấn đấu học tập, Nguyễn Trần Thành Danh đã có lúc thất bại trong học tập nhưng em không nản lòng mà hơn nữa còn nỗ lực học tập đạt thành tích cao.
Thành Danh được sinh ra trong một gia đình hiếu học. Mấy năm trước, Dương, anh trai cậu thủ khoa này là thủ khoa của một trường danh tiếng với số điểm 28,5. Vì vậy, từ nhỏ Danh đã được anh “kèm cặp” trong việc học tập.
Nguyễn Trần Thành Danh, thủ khoa Đại học ngoại thương. |
Nhưng không phải vì thế mà chàng thủ khoa đạt 30 điểm này dễ dàng trở thành học sinh giỏi trong suốt 12 năm học. “ Học là phải tập trung và không được nản mỗi khi gặp điểm thấp mới có thể đạt được kết quả cao” Thành Danh chia sẻ. Đó cũng là bí quyết mà Danh tự nghiệm ra và cố gắng suốt quá trình học và ôn thi.
Chăm chỉ học nhưng Thành Danh cũng không tránh khỏi những thất bại. Danh cho biết: em nhớ nhất năm thi vào cấp III, khi đó em nuôi ước mơ vào chuyên Toán, nhưng mọi thứ như sụp đổ khi em biết kết quả mình đã bị rớt. Em thấy xấu hổ và tự thấy mình thua kém các bạn rất nhiều.
Danh cũng nói thêm: “ Thi trượt nhưng em không nản lòng, em lại thi vào chuyên tin và cố gắng học tập tốt”
Đền đáp cho sự nỗ lực và phấn đấu đáng khâm phục của chàng thủ khoa tên Thành Danh này là một bảng thành tích rất cao: 12 năm học em đều đạt học sinh giỏi, trở thành tân thủ khoa trường Đại học Ngoại Thương với số điểm là 29,5, cộng điểm khu vực là tròn 30 điểm.
Nguyễn Thành Trung: Ôn thi lại một năm vẫn đỗ thủ khoa
“Sau hai tháng học ở ĐH sư phạm, thấy mình không hợp với nghề giáo nên em đã quyết định thi lại vào trường khác. Đó là một quyết định lớn thay đổi cuộc đời em, tuy mạo hiểm nhưng em vẫn cố gắng và hoàn thành”, Thành Trung chia sẻ.
Nguyễn Thành Trung, thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội |
Ôn thi lại nên những khó khăn mà Thành Trung gặp phải không ít.
Theo tâm sự của cậu thủ khoa này, khó khăn thứ nhất là không có bạn học cùng nên thấy cô đơn và không thuận tiện trong việc trao đổi bài. Điều thứ hai mà Trung phải đối mặt là không có thầy cô bên cạnh kèm cặp như hồi mới học xong cấp III, lại ôn thi trong vòng 8 tháng với 3 môn (Toán, Lý, Hóa) nên em hay bị cảm giác nhàm chán.
Nhắc đến hồi còn là học sinh, Thành Trung nhớ nhất năm mới vào cấp III: “ em bị choáng ngợp bởi lượng kiến thức phải học rất nhiều, nên cũng mất một thời gian đầu để làm quen với việc đó”.
“ Nhưng em vẫn cố gắng hết sức để học tập và ôn thi sao cho tốt” Thành Trung khẳng định.
Chàng thủ khoa này cho biết, ôn thi lại nên không mất thời gian hấp thu kiến thức mới, như vậy sẽ có thêm thời gian làm nhiều đề thi. Trung cũng nhấn mạnh, em cần kiểm tra lại sách vở thường xuyên để xác định lại kiến thức cũ.
Vì vậy, kết quả mà Thành Trung đạt được là 12 năm thành tích xuất sắc cùng một điểm số cao nhất trường khi thi đại học. Một kết quả xứng đáng cho sự phấn đấu không ngừng của em.
Cậu thủ khoa lấy sự chăm chỉ bù đắp cho việc hạn chế về thông minh
Khác với nhiều thủ khoa, Hoàng Văn Cường, thủ khoa trường ĐH Giao thông vận tải thành công bởi sự chăm chỉ chứ không phải là thông minh.
Tự nhận mình không thông minh lắm, nên để đạt được kết quả như bây giờ, Cường phải vượt qua nhiều khó khăn.
Từ khi còn học phổ thông, biết mình cần chăm chỉ học tập mới đạt được thành tích cao, Cường luôn là một học sinh ngoan, đi học đầy đủ. Cường còn nắc nẩn mãi kỷ niệm một lần duy nhất đi học muộn, mà hôm đó là thứ 2 nên em thấy mình gây ra một lỗi rất lớn. Điều đó chứng tỏ, cậu học trò tuyệt đối tuân thủ quy tắc này rất đáng khâm phục.
Hoàng Văn Cường, thủ khoa ĐH Giao thông vận tải. |
Cường cho biết, trong giờ học trên lớp em luôn chú ý đến bài giảng của thầy cô, hăng hái giơ tay phát biểu ở bất cứ môn nào. “Có như vậy em mới tự tin học tốt và hiểu bài hơn” Cường kiên định.
Sự chăm chỉ đã giúp Cường đạt được kết quả cao trong 12 năm học, tuy có năm không được học sinh giỏi nhưng với Cường đó là một sự phấn đấu rất lớn của mình.
Tuy nhiên, sự chăm chỉ của Cường đã từng bị các bạn không thích. “ Năm lớp 10, em bị các bạn ghét vì em hay phát biểu”, Cường cười.
Vướng phải rào cản lớn và khó khăn hơn các thủ khoa khác, lại mắc phải sự “ghen tị” của các bạn vì chăm chỉ, nhưng Hoàng Văn Cường đã vượt qua và hơn nữa đạt danh hiệu thủ khoa. Một kết quả đáng trân trọng!
Mô côi cha mẹ vẫn xuất sắc trở thành thủ khoa
Không may mắn như các thủ khoa khác, một số thủ khoa có những hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn vươn lên trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập.
Theo Dân trí, Bùi Chí Hướng, Tạ Thị Tâm, Nguyễn Hoàng Nam, Cao Minh Tiến đều là những thủ khoa có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập đạt được thành tích cao.
Cũng theo Dân trí đã đưa, như em Nguyễn Hoàng Nam dự thi khối A1 vào ngành xây dựng, ĐH Bách khoa TP.HCM và đỗ với 29 điểm (Toán 10, Lý 9,5, tiếng Anh 9).
Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, hoàn cảnh gia đình Nam rất khó khăn. Khi học lớp 8, Nam cùng mẹ chuyển vào TP.HCM làm việc, cuộc sống của 2 mẹ con chật vật hơn. Để tiết kiệm tiền, hàng sáng, hai mẹ con chỉ ăn cơm nguội với muối vừng và mỗi ngày cậu thủ khoa cũng chỉ xin mẹ 26.000 đồng để ăn trưa và gửi xe.
Vì hoàn cảnh khó khăn, Nam đã tự rèn cho mình tính độc lập từ bé. Thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ, cậu đã lấy đó làm động lực để học tập. Nam chọn thi vào lớp chuyên Toán, trường Lê Hồng Phong ngoài niềm đam mê còn để tiết kiệm tiền cho gia đình.
Luôn nỗ lực, Nam đã giành được nhiều thành tích đáng nể trong học tập. Suốt 12 năm liền là HSG, điểm trung bình toán tròn 10, HSG Toán, Lý cấp thành phố lớp 12, khuyến khích Toán quốc gia năm lớp 11, HCV Olympic truyền thống 30/4 lớp 11…
Dù hoàn cảnh nào, gặp những khó khăn nào, các thủ khoa đều nỗ lực vươn lên, đạt được kết quả đáng khâm phục.
Diện Hứa (tổng hợp)