|
Ông Tập Cận Bình chủ trì phiên học tập tập thể Bộ Chính trị đảng CSTQ về chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển. |
Tân Hoa Xã ngày 31/7 đưa tin, chiều 30/7 Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) triển khai đợt học tập tập thể lần thứ 8 chuyên đề xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển, chương trình học tập do ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc chủ trì.
Trung Quốc đặt điều kiện phi lý và nực cười về đàm phán Biển Đông
Khai mạc đợt học tập này, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSTQ cần phải quan tâm hơn nữa, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề biển, quy hoạch biển và thúc đẩy công cuộc xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển phát triển không ngừng, giành nhiều thành tựu mới. Nội dung đợt học tập trung này của Bộ Chính trị đảng CSTQ do Tằng Hằng Nhất, Phó tổng công trình sư thuộc tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc và Cao Chi Quốc, chuyên viên viện Nghiên cứu phát triển biển thuộc cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc thuyết trình. Ông Bình nhận định, Trung Quốc vừa là nước lớn lục địa đồng thời là nước lớn về biển và có "lợi ích chiến lược về biển rất rộng". Tập Cận Bình yêu cầu các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSTQ phải tập trung bàn bạc việc nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phát triển khoa học công nghệ về biển.
|
Bộ Chính trị đảng CSTQ học tập tập thể lần 8 chủ đề xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển chiều 30/7 dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư khóa 18. |
Trong khi phát biểu ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, phải bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc, nỗ lực thúc đẩy hoạt động gìn giữ chủ quyền biển theo hướng thống nhất dự báo, thống nhất quy hoạch, thống nhất triển khai, thống nhất chỉ huy và thống nhất kiểm soát.
CNA: Tập Cận Bình tham vọng trên biển và bá chủ Đông Á
Ông Tập Cận Bình cho rằng, mặc dù Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và kiên trì con đường phát triển hòa bình nhưng "quyết không từ bỏ quyền và lợi ích chính đáng, quyết không hy sinh lợi ích quốc gia cốt lõi." Tổng bí thư đảng CSTQ chỉ thị cho hội nghị phải nắm chắc 2 đại cục: duy trì ổn định và bảo vệ quyền lợi, thống nhất giữa việc bảo vệ chủ quyền, an ninh với lợi ích phát triển. Xung quanh các tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải kiên trì phương thức hòa bình, đàm phán để giải quyết tranh chấp, nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh Trung Quốc phải làm tốt công tác chuẩn bị đối phó với cục diện phức tạp, nâng cao năng lực duy trì quyền - lợi ích biển, "kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc".
|
Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines hôm 15/7 lên tiếng cho biết trong các cuộc đàm phán Bắc Kinh luôn lên giọng buộc đối phương phải thừa nhận toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc rồi sau đó muốn đàm phán gì thì đàm phán?! |
Đặc biệt, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp, tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).
Tập Cận Bình: Không cho phép bất kỳ ai "làm loạn châu Á"
Phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng như nội dung đợt học tập thể Bộ Chính trị đảng CSTQ nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã kiệt sức trong những nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để tìm ra tiếng nói chung về vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhưng mọi cuộc đàm phán đều bị dồn vào ngõ cụt khi Bắc Kinh đưa ra cái gọi là điều kiện tiên quyết hết sức phi lý và trịch thượng. Cái gọi là "điều kiện tiên quyết" phía Trung Quốc đưa ra trong đàm phán là đối phương phải "thừa nhận gần như toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc rồi sau đó đàm phán gì thì đàm phán", đúng theo "phương châm" ông Tập Cận Bình vừa nêu khiến Philippines 17 năm ròng rã nỗ lực đàm phán với Trung Quốc nhưng không đạt được tiến triển nào đáng kể.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy