Ông Trương Gia Bình đánh giá thách thức, tiềm năng, cơ hội ở Myanmar

02/08/2013 07:02
Bình Nguyên
(GDVN) - Theo Chủ tịch HĐQT PFT, ông nhìn thấy cơ hội rất tốt cho việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa các công ty của Việt Nam, Nhật Bản và Myanmar.
Tuần báo điểm tình hình châu Á Nikkei phiên bản tiếng Anh của Nhật Bản số ra ngày 31/7/2013 đăng bài viết với tiêu đề “Vietnam’s IT model presents Myanmar with chance for sustainable growth” (tạm dịch: Mô hình công nghệ thông tin của Việt Nam có thể là cơ hội phát triển của Myanmar) đề tên tác giả là ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT – một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh nhất hiện nay ở Việt Nam.

Nội dung bài viết thể hiện những đánh giá, nhận định của ông Trương Gia Bình về những khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng, cơ hội thành công mà Myanmar đang gặp phải cũng như có thể gặt hái được.

Chỉ mới 9% dân số Myanmar dùng di động

Bài viết cho hay, hiện nay Myanmar đang được chú ý như một điểm sáng mới nổi, được xem là một trong những thị trường có nhiều hứa hẹn nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu.

Bài báo đề tên tác giả Trương Gia Bình đăng trên Tuần báo điểm tình hình châu Á Nikkei số ra ngày 31/7/2013
Bài báo đề tên tác giả Trương Gia Bình đăng trên Tuần báo điểm tình hình châu Á Nikkei số ra ngày 31/7/2013

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được trước mặt Myanmar là một con đường ẩn chứa đầy thách thức. Vị Chủ tịch HĐQT của FPT nói rằng, ông tin tưởng rằng đất nước này sẽ vượt qua được những khó khăn, đặc biệt là khi Myanmar quyết định “cởi trói” cho ngành công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho lĩnh vực này có cơ hội phát triển.

Ông Trương Gia Bình cho biết mình có mối quan hệ khá đặc biệt với Myanmar bởi Myanmar là quốc gia lánh giềng có khoảng cách địa lý khá gần với Việt Nam. Yangon – thành phố lớn nhất của Myanmar chỉ cách thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2 giờ bay.

Trương Gia Bình tâm sự, khi bước chân tới thăm đất nước Myanmar ông thực sự rất ấn tượng với đất nước hòa bình mang âm hưởng của đạo Phật – thứ tôn giáo của khoảng 85% dân số thế giới và tiến trình cải cách mở cửa của Myanmar hiện nay phản ánh tương tự những gì Việt Nam đã trải qua cách đây 20 năm.

Trong quá khứ, Myanmar từng được xem là một trong số ít các quốc gia ở châu Á đạt được thành tựu cao trong lĩnh vực giáo dục, đất nước này khi đó cũng có nhiều chuyên gia giỏi ở tất cả các lĩnh vực, người dân đa phần biết sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp (trước đây Mynamar là thuộc địa của Anh).

Tuy nhiên, do thay đổi liên quan đến yếu tố chính trị trong quá khứ, Myanmar thực thi chính sách đóng cửa và phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của quốc tế khiến nền kinh tế của nước này trở lên nghèo nàn, thậm chí có những thời điểm chỉ trực sụp đổ.

Hiện tại, Myanmar đã mở cửa trở lại và tức thời đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều người cho rằng đó là hệ quả của hiện trạng giáo dục yếu kém từ cấp cơ sở đến khâu đào tạo đại học.

Theo Trương Gia Bình, chính phủ Myanmar cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. Cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề mà Myanmar cần đầu tư phát triển.

Thực tế thì hiện nay người dân Myanmar vẫn còn đang quen với tình trạng thiếu điện sinh hoạt, sản xuất, thậm chí ngay tại các khu vực đô thị. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin của nước này hiện mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Số người dân Myanmar đang sử dụng di động chỉ mới chiếm khoảng 9% (theo khảo sát thống kê năm 2012). Con số này còn thấp hơn cả số thuê bao di động ở Bắc Triều Tiên.

Nền tảng cho sự phát triển

Ông Trương Gia Bình cho rằng những hạn chế này dường như vẽ lên một bức tranh ảm đạm, nhưng thực tế nó có nhiều dấu hiệu rất hứa hẹn.

Gần đây, trong một buổi làm việc với tập đoàn Microsoft về lĩnh vực điện thoại di động có sự tham gia của Thứ trưởng bộ công nghệ thông tin – truyền thông Myanmar – ông U Thang Tin, ông mới có cơ hội được cảm nhận sự khát khao thúc đẩy phát triển đất nước thông qua công nghệ thông tin của giới lãnh đạo nước này.

Ông Trương Gia Bình cho hay, một trong những thông điệp chủ chốt được truyền đạt trong Hội nghị thượng đỉnh ICT (công nghệ truyền thông - thông tin) được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua là “Công nghệ thông tin làm thế nào để cung cấp nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia”. Đây cũng là thông điệp được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nhắc tới trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn ICT.

Theo Chủ tịch HĐQT FPT, trong hơn 10 năm qua, công nghệ thông tin đã trở thành lực lượng mũi nhọn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp đến 7% tổng mức GDP. Ảnh hưởng của công nghệ thông tin cũng được mở rộng trong các lĩnh kinh tế - xã hội khác.

Lấy ngành công nghiệp ngân hàng làm ví dụ, ông Trương Gia Bình cho rằng đây là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Thông qua áp dụng công nghệ thông tin, các hệ thống ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ chuyển tiền chỉ trong vài giây đối với các tài khoản ngân hàng cùng hệ thống và vài giờ đối với các tài khoản trong mạng lưới liên ngân hàng.

Theo quan điểm của ông Trương Gia Bình, vì công nghệ thông tin là nhân tố then chốt trong quá trình cải tổ kinh tế, Myanmar cần nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch phát triển công nghệ thông tin của mình.

Myanmar hiện đang có cơ hội nắm bắt và xây dựng khuynh hướng mới trên nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho đến điều hành chính phủ. Ngành công nghệ thông tin có tiềm năng đóng góp đến 50% cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Myanmar trong tương lai, cách thức hiệu quả nhất để đạt được điều này là thông qua hợp tác và tìm kiếm hiểu biết chung.

Cơ hội nào cho Việt Nam, Nhật Bản, Myanmar?

Theo ông Bình, Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn có thể đạt được những lợi ích lớn lao nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác thị trường đầy hứa hẹn như Myanmar. Ngược lại, chính quyền và người dân Myanmar cũng có nhiều lợi ích khi đón nhận các dòng, khoản đầu tư từ nước ngoài, trong đó có công nghệ thông tin.

Các kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để giúp đỡ và hợp tác với các đồng nghiệp Myanmar để tăng cường năng lực công nghệ mũi nhọn cho quốc gia này.

Đội ngũ kỹ sư của Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm làm việc lâu dài với các chuyên gia Nhật Bản, hiểu biết về văn hóa của xứ sở Hoa Anh đào, vận dụng linh hoạt các cách thức điều hành doanh nghiệp của người Nhật Bản.

Theo Chủ tịch HĐQT PFT, ông nhìn thấy cơ hội rất tốt cho việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa các công ty của Việt Nam, Nhật Bản và Myanmar.

Bình Nguyên