Học giả Trung Quốc: Bắc Kinh đang áp đặt luật chơi ở Biển Đông?!

06/08/2013 19:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Khâu Chấn Hải nói thẳng rằng Trung Quốc đang "giữ khoảng cách nhất định" với bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) và "đặt luật chơi" trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Khâu Chấn Hải
Khâu Chấn Hải
Trong chương trình bình luận thời sự ngày 5/8 của đài Phượng Hoàng, Hồng Kông, một nhà bình luận thời sự khá có tiếng ở Trung Quốc - Khâu Chấn Hải nói thẳng rằng Trung Quốc đang "giữ khoảng cách nhất định" với bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) và "đặt luật chơi" trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Học giả TQ: Bắc Kinh đang tách Việt Nam và Philippines ở Biển Đông?!

Học giả TQ: Bắc Kinh đang "tách" Việt Nam và Philippines ở Biển Đông?!

Sở dĩ Bắc Kinh phải "giữ khoảng cách" với COC vì nó sẽ có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002, ông Hải giải thích. Xung quanh việc gần đây giới chức Bắc Kinh "đổi ý chấp nhận tham vấn COC" với ASEAN, ông Hải cho rằng động thái này là sáng suốt vì Trung Quốc không thể né mãi được, cũng không thể đặt mình bên ngoài COC, vấn đề quan trọng là Bắc Kinh sẽ có vai trò như thế nào, "Trung Quốc không thể để một số nước Đông Nam Á có tranh chấp và Mỹ đứng sau làm chủ", Khâu Chấn Hải cho biết. Học giả này suy luận, nếu để cho các bên tranh chấp giữ vai trò chủ đạo (tiến trình đàm phán COC) sẽ bất lợi đối với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng không thể hoàn toàn khống chế tiến trình chế định COC, "giả sử có một ngày thực sự cần chung sống hòa bình (ở Biển Đông) thì chắc chắn Trung Quốc sẽ phải gham gia với vai trò nhất định.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Xung quanh các phát biểu của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông thời gian gần đây, Khâu Chấn Hải nhấn mạnh 4 điểm đáng chú ý.

Trung Quốc nói không vội vàng ký Quy tắc ứng xử trên Biển Đông?!

Trung Quốc nói "không vội vàng" ký Quy tắc ứng xử trên Biển Đông?!

Thứ nhất là kế hoãn binh, kéo dài thời gian đàm phán COC. Ông Nghị cho rằng chế định COC là công việc phức tạp, liên quan đến lợi ích của các bên nên cần có thời gian chuẩn bị. Khâu Chấn Hải thì lý giải rằng "do nhận thức khác nhau" và việc trao đổi cũng phải cần 1 quá trình. Hai là phải thống nhất điều phối và hiệp thương, "không thể áp đặt ý chí cá nhân hoặc của một số quốc gia lên quốc gia khác", đài NHK Nhật Bản bình luận ý này muốn ám chỉ những nỗ lực của Philippines trong việc chứng minh Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.  Điểm đáng chú ý thứ 3 theo ông Hải là Trung Quốc phải loại bỏ các yếu tố can thiệp từ bên ngoài, tức sự can thiệp từ các quốc gia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, ám chỉ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU và các nước khác có lợi ích, quan tâm tới an ninh tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tập Cận Bình: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác

Tập Cận Bình: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác

Thứ tư, Khâu Chấn Hải cho là phải tiến hành tuần tự từng bước, có lộ trình và mốc thời gian, đồng thời đặt ra những mục tiêu thấp nhất thay vì mục tiêu cao nhất. Tổng hợp 4 yếu tố nêu trên, ông Hải cho rằng Trung Quốc đã chấp nhận COC và sau đó sẽ tham gia, nhưng trước khi tham gia COC Bắc Kinh "sẽ phải đặt ra luật chơi". Tuy nhiên Khâu Chấn Hải không đề cập hay phân tích cụ thể "luật chơi" mà Trung Quốc sẽ đưa ra ở Biển Đông. Khâu Chấn Hải cho rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn dĩ căng thẳng và phức tạp, nếu quản lý không tốt có thể dẫn đến mất kiểm soát, xảy ra xung đột.  Cũng chính ông Hải nhận định rằng Trung Quốc đang "tách" Việt Nam và Philippines ra trong vấn đề Biển Đông, nên nếu có xảy ra xung đột trên Biển Đông với Bắc Kinh thì nhiều khả năng sẽ là Philippines.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!


Hồng Thủy