Ts Trần Công Trục: Tuyên bố của ông Tập Cận Bình hoàn toàn trái UNCLOS

07/08/2013 07:17
Hồng Thủy
(GDVN) - TQ khẳng định “chủ quyền” đối với yêu sách vô lý 85% diện tích Biển Đông là của họ, bằng chủ trương này TQ đang muốn “nhảy vào xí phần” trong khu vực thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được hình thành và xác lập hoàn toàn theo quy định của UNCLOS, từ đó biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp.
Chiều 30/7, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) tổ chức học tập tập thể về chủ đề xây dựng TQ thành cường quốc về biển do ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước chủ trì. Đáng chú ý, trong phát biểu tại phiên họp này khi đề cập tới các giải pháp xử lý tranh chấp lãnh hải (Biển Đông, Biển Hoa Đông), ông Tập Cận Bình nêu phương châm chỉ đạo các cơ quan của TQ khi đàm phán với các bên tranh chấp: “Chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng hợp tác”. Đó là một phương châm sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Xoay quanh vấn đề này, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Luật Biển, UNCLOS.
Tiến sĩ Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến phát biểu của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, ông Tập Cận Bình hôm 30/7 đưa ra cái gọi là “phương châm” giải  quyết tranh chấp lãnh hải (Biển Đông, Biển Hoa Đông) với các nước láng giềng là “chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng hợp tác”. Với tư cách là một chuyên gia hàng đầu về Luật Biển và UNCLOS, ông có đánh giá như thế nào về tuyên bố trên của ông Tập Cận Bình? - Tiến sĩ Trần Công Trục: Là người thường xuyên quan tâm theo dõi các phát biểu của lãnh đạo TQ về vấn đề Biển Đông, tôi đặc biệt chú ý tới phát biểu của ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc hôm 30/7. Tôi đã cố gắng nghiên cứu, đọc thật kỹ các tuyên bố của lãnh đạo TQ, để xem sau một loạt những tuyên bố về mặt ngoại giao có vẻ tỏ ra thiện chí, giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình, tham vấn COC tiến tới đàm phán, lên án các nước khác trong việc không tôn trọng DOC, tỏ ra là nước đi đầu, gương mẫu làm cho tình hình Biển Đông lắng dịu xuống...TQ sẽ làm gì. Nếu người lãnh đạo cao nhất của TQ nói vậy thì nó sẽ thể hiện bằng hành động chứ không phải nói để đó. Tôi cho rằng những tuyên bố đó là chủ trương, chính sách chính mà TQ sẽ theo vì đó là tiếng nói của lãnh đạo cao nhất của TQ. Tuyên bố của ông Tập Cận Bình ngày 30/7 về việc xây dựng TQ thành cường quốc về biển, nội dung đó không có gì khác so với những điều TQ trước đây vẫn nói. Trước đây TQ từng nhiều lần nói rằng họ muốn thúc đẩy, phát triển thành cường quốc về biển, biển đối với họ ngày càng có vị trí quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ.
Ông Tập Cận Bình chủ trì phiên học tập tập thể Bộ Chính trị đảng CSTQ về chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển hôm 30/7.
Ông Tập Cận Bình chủ trì phiên học tập tập thể Bộ Chính trị đảng CSTQ về chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển hôm 30/7.
Nhưng trong phát biểu của ông Bình lần này, lãnh đạo TQ khẳng định rằng họ sẽ không từ bỏ quyền, lợi ích “hợp pháp”, “lợi ích quốc gia cốt lõi” của TQ về biển. Ông Tập Cận Bình nêu ra phương châm này với ngôn từ mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn so với những gì lãnh đạo TQ trước đây đã nói: "Chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp, cùng hợp tác". Động thái này cần hết sức đáng lưu ý trong tình hình hiện nay. Điều đó cho thấy chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của TQ vẫn không có gì thay đổi, thậm chí đang được đẩy mạnh. Trong 17 năm qua, tôi theo dõi thấy rằng có lúc này lúc khác TQ không nhắc tới vế “chủ quyền thuộc TQ”, chỉ nhắc vế gác tranh chấp cùng khai thác, thậm chí có lúc chỉ nhắc “cùng khai thác”.  Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý cái gọi là quyền và lợi ích hợp pháp của TQ ở Biển Đông bao gồm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam cùng với đường lưỡi bò chiếm 85% diện tích Biển Đông.  Tuyên bố của ông Bình hoàn toàn không thích hợp với xu hướng khu vực và quốc tế đang hướng tới, giải quyết bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, giữ gìn ổn định trong khu vực, ngồi lại cùng bàn bạc thiết lập Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.
Bộ Chính trị đảng CSTQ học tập tập thể lần 8 chủ đề xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển chiều 30/7 dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư khóa 18.
Bộ Chính trị đảng CSTQ học tập tập thể lần 8 chủ đề xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển chiều 30/7 dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư khóa 18.
Việc Bộ Chính trị đảng Cộng sản TQ tổ chức một lớp học tập thể về vấn đề biển cũng là động thái rất đáng quan tâm. Trước khi có hoạt động lớn, TQ bao giờ cũng chuẩn bị về mặt tư tưởng, sau khi đã thăm dò các thông tin cần thiết, đánh giá tình hình và đã có một bước chuẩn bị rất kỹ, TQ đang có một sự chuẩn bị, một kế hoạch mới, thậm chí là đã triển khai một bước tiến mới ở Biển Đông.- PV: Xin Tiến sĩ vui lòng phân tích, về mặt pháp lý, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) thì chủ trương “gác tranh chấp, cùng hợp tác” với tiền đề “chủ quyền thuộc TQ” mà ông Tập Cận Bình nêu ra là đúng hay sai? Trên thế giới đã có tiền lệ nào về thực tiễn lịch sử cũng như pháp lý về việc các nước “gác tranh chấp, cùng hợp tác” hay chưa và điều này được thể hiện như thế nào trong UNCLOS? - Tiến sĩ Trần Công Trục: Trong hệ thống luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS không có bất cứ quy định nào như TQ nói là “chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng hợp tác”. Có chăng trong đàm phán các vùng chồng lấn trên biển tạo ra do yêu sách chủ quyền của các bên xác lập theo quy định của UNCLOS chồng lên nhau, khi chưa tìm được giải pháp cuối cùng, tính đến lợi ích thực tế của 2 bên thì có thể cùng hợp tác khai thác chung trong vùng chồng lấn đó. Nhưng cần phải nhấn mạnh một lần nữa, vùng chồng lấn này được hình thành trên cơ sở các yêu sách chủ quyền xác lập theo quy định của UNCLOS. Nội dung này được quy định rõ trong Điểm 3 Điều 83 của UNCLOS. Bản chất tuyên bố của lãnh đạo TQ, ông Tập Cận Bình hoàn toàn không phải hợp tác cùng khai thác “trên vùng biển chồng lấn hình thành trên cơ sở các yêu sách chủ quyền xác lập theo quy định của UNCLOS”. TQ khẳng định “chủ quyền” đối với yêu sách vô lý 85% diện tích Biển Đông là của họ , bằng chủ trương này TQ đang muốn “nhảy vào xí phần” trong khu vực thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được hình thành và xác lập hoàn toàn theo quy định của UNCLOS, từ đó biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp. Sau khi đạt được mục đích này, TQ sẽ tiếp tục phái lực lượng khống chế trên các khu vực thuộc phạm vi họ nói là TQ có “chủ quyền”. Vì vậy chúng ta không được phép nhầm lẫn giữa các giải pháp tạm thời được quy định trong UNCLOS với tuyên bố của ông Tập Cận Bình. Trong thực tiễn có nhiều ví dụ về việc áp dụng các giải pháp tạm thời được quy định trong UNCLOS để triển khai các hoạt động khai thác chung trên các vùng biển chồng lấn được tạo ra do các yêu sách chủ quyền hoạch định theo UNCLOS, trong đó chính Việt Nam chúng ta cũng tham gia. Việt Nam và Malaysia đã đạt được thỏa thuận cùng hợp tác trên vùng chồng lấn rộng 2800 km vuông ở Vịnh Thái Lan. Trong đàm phán về thềm lục địa với Indonesia, có lúc chúng ta cũng đề nghị cùng hợp tác trên vùng biển chồng lấn. Rõ ràng Việt Nam rất hoan nghênh các giải pháp cùng hợp tác trên các vùng biển chồng lấn khi chưa có giải pháp cuối cùng theo đúng tinh thần quy định trong UNCLOS. Đó là giải pháp hết sức thực tiễn, rất tốt và có lợi cho đôi bên. Thậm chí Việt Nam còn đồng ý hợp tác chung với Trung Quốc trong khu vực đã hoạch định đường biên giới ở Vịnh Bắc Bộ vì nghi là có mỏ (dầu khí) vắt ngang qua đường biên giới đó, điều này cho thấy Việt Nam rất thiện chí và sẵn sàng hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS chứ không bác bỏ các đề xuất và giải pháp hợp lý. Tuy nhiên với đề xuất của phía TQ thông qua tuyên bố của ông Tập Cận Bình thì hoàn toàn khác, TQ đòi biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp, hoàn toàn không phải “vùng chồng lấn tạo ra do các yêu sách chủ quyền được xác lập trên cơ sở quy định của UNCLOS”. Do đó đề xuất của phía TQ là không thể chấp nhận được. Trong tuyên bố của mình, TQ không hề nhắc tới khái niệm “vùng chồng lấn” như quy định của UNCLOS mà khẳng định “chủ quyền thuộc TQ”, chúng ta cần phải nắm rất rõ điều này. Nhiều người mới nghe chủ trương “gác tranh chấp, cùng hợp tác” cứ tưởng TQ rất thiện chí, nhưng như vậy là họ đang nhầm lẫn. Chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác chỉ vì “ma trận ngôn từ” mà người ta giăng ra, quên đi thực tế đằng sau nó là cả một kế hoạch hết sức nguy hiểm.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!


Hồng Thủy