8 vấn đề của giáo dục gửi đến email của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Chúng ta đang thừa thầy, thiếu thợ!

09/08/2013 14:06
TS Lương Hoài Nam
(GDVN) - "Từng là 'sản phẩm' của nền giáo dục Việt Nam khi còn là học sinh cắp sách đến trường, là 'khách hàng' của giáo dục Việt Nam khi bỏ công sức, tiền bạc cho việc học hành của các con (và tới đây là các cháu), tôi đánh giá cao việc Bộ trưởng công bố địa chỉ email với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho ngành giáo dục nước nhà mà Bộ trưởng phụ trách. Cá nhân tôi xin hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng bằng chính lá thư ngỏ này gửi đến Bộ trưởng". TS Lương Hoài Nam bày tỏ.
Ngày 15/7, hưởng ứng lời kêu gọi góp ý cho nền giáo dục Việt Nam của ông Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, TS Lương Hoài Nam có gửi một bức Thư ngỏ cho ông Bộ trưởng (qua email ông Bộ trưởng công bố trên báo chí). Trong thư, TS Nam đã phân tích, kiến nghị về 8 vấn đề của giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của một người dân - khách hàng của giáo dục Việt Nam.

"Có thể do công việc bận bịu, ông Bộ trưởng GD-ĐT chưa có thời gian nghiên cứu, phản hồi?!" TS Lương Hoài Nam cho hay.

Với mong muốn đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục nước nhà, và nhất là hiến kế trong công cuộc "Chấn hưng nền giáo dục" mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kêu gọi. Trong bức thư của TS Lương Hoài Nam cũng đề cập và nhìn nhận một cách toàn diện về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.

Nhận thấy các vấn đề của giáo dục Việt Nam đã và đang được lãnh đạo Nhà nước, giới chuyên môn và đông đảo người dân quan tâm, TS Lương Hoài Nam đã gửi bức Thư ngỏ này mong muốn báo Giáo dục Việt Nam đăng tải đến độc giả của báo Giáo dục Việt Nam.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung bức thư đến với độc giả. (Do nội dung của bức thư này khá dài nên chúng tôi sẽ đăng tải liên tục nhiều kỳ để quý vị tiện theo dõi):



3. Tỷ lệ đào tạo "thầy" và "thợ" cho thị trường lao động.

Do chương trình giáo dục phổ thông giống nhau suốt 12 năm và tâm lý phải cố gắng cho con vào đại học phổ biến của các phụ huynh nước ta, tỷ lệ đào tạo đại học và cao đẳng dạy nghề ở nước ta bất hợp lý, gây mất cân đối về nguồn cung trên thị trường lao động.

8 vấn đề của giáo dục gửi đến email của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

8 vấn đề của giáo dục gửi đến email của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT


Nền kinh tế nào cũng cần có "thợ" nhiều hơn "thầy", đào tạo nghề thông thường phải nhiều hơn đào tạo kinh điển (để làm các công việc nghiên cứu, quản lý). Do dôi dư lao động có bằng đại học nhưng lại thiếu lao động được đào tạo nghề có chất lượng cao, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng lao động có bằng đại học cho những công việc thật ra chỉ cần lao động được đào tạo nghề (cao đẳng, thậm chí trung cấp).

Khi người có bằng đại học chưa tìm được cơ hội việc làm tốt hơn, họ sẵn sàng chấp nhận một công việc lao động giản đơn, với mức thu nhập thấp. Nhưng sau khi đã được nhận vào làm việc, họ luôn luôn tìm cơ hội thay đổi sang công việc khác mà họ coi là phù hợp với bằng đại học của họ (từ nhân viên thành chuyên viên). Khi người lao động không hài lòng với công việc đang làm, chất lượng công việc bị giảm sút, phát sinh sự bất ổn định trong công tác nhân lực, thậm chí còn gây tiêu cực cho tổ chức.

Trong những năm gần đây, thay vì nâng cao chất lượng, uy tín của các trường đại học và cao đẳng để "thầy" cho ra "thầy", "thợ" cho ra "thợ", chúng ta lại cho nâng cấp nhiều trường cao đẳng lên đại học, có cả trường hợp từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học trong một thời gian ngắn. Điều đó làm giảm chất lượng cả "thầy" và cả "thợ", đồng thời làm cho tỷ lệ "thầy" - "thợ" càng bất hợp lý.Bằng việc chuyển dịch quá nhiều học sinh về phía đại học, chúng ta cũng làm hỏng chất lượng của cả “thầy” và “thợ”.

Theo số liệu tại website moet.gov.vn, trong năm học 2010-2011, nước ta có 726.219 sinh viên học tại 226 trường cao đẳng, 1.435.887 sinh viên học tại 188 trường đại học. Sang năm học 2011-2012, có 756.292 sinh viên tại 215 trường cao đẳng và 1.448.021 sinh viên tại 204 trường đại học.

Mặc dù số sinh viên cao đẳng có tăng, nhưng số trường cao đẳng đã giảm 11 trường, số trường đại học tăng thêm 16 trường, tỷ lệ sinh viên đại học - cao đẳng ở nước ta khoảng 2:1. Tỷ lệ này tại EU cỡ 1:1,5, tại Nhật cỡ 1:1. Tỷ lệ sinh viên đại học - cao đẳng của Việt Nam tương đương Mỹ, nhưng cần lưu ý rằng rất nhiều các doanh nghiệp Mỹ đã chuyển các hoạt động sản xuất cần nhiều lao động giản đơn sang các nước đang phát triển tại châu Á và Mỹ La-tinh, chỉ duy trì các khâu nghiên cứu - phát triển, tiếp thị, phân phối... cần lao động chuyên môn cao tại chính quốc. Ta chưa thể theo Mỹ trong chuyện này.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Với tỷ lệ như vậy và quy mô vượt trội của 02 trường Đại học Quốc gia, e rằng tỷ lệ "thầy" - "thợ" trên thị trường lao động đến năm 2020 vẫn bất hợp lý (trừ khi phát triển được một số trường cao đẳng có quy mô rất lớn).

4. Cuộc thi tốt nghiệp


Trong những năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn tiệm cận mức tuyệt đối. Năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp hệ giáo dục trung học phổ thông đạt 97,52% ("hơi giảm" so với 98,97% của năm học 2011-2012).

Một kỳ thi mà chỉ có một vài phần trăm học sinh không đỗ, điểm thi của nó sau đó cũng không được sử dụng cho mục đích gì đáng kể, trong khi nó gây tốn kém rất lớn về công sức, tiền bạc, gây tắc đường, tăng tai nạn giao thông..., tôi nghĩ không cần phải tổ chức nữa.

Chúng ta hoàn toàn có thể cấp chứng nhận tốt nghiệp cho tất cả học sinh khi họ kết thúc toàn bộ chương trình giáo dục PTTH, việc chọn lọc học sinh sẽ thực hiện qua các kỳ thi đại học, cao đẳng (bản thân các kỳ thi này cũng cần được hoàn thiện).

Không nên tiếp tục một cách làm vất vả, tốn kém như thi tốt nghiệp khi mà nó đã không còn tạo được giá trị lớn hơn các loại phí tổn phải bỏ ra.

5. Đầu tư nước ngoài vào giáo dục và liên kết đào tạo.


TS Lương Hoài Nam
TS Lương Hoài Nam

Trong những năm qua, nhà nước đã ban hành một số văn bản quy định về đầu tư nước ngoài vào giáo dục, hợp tác liên kết đào tạo.Gần đây nhất là Nghị định 73/2012/NĐ-CP ký ngày 26/9/2012.

Tôi có cảm giác các quan điểm, chính sách của ta đối với vấn đề này vẫn còn thiếu tính nhất quán và kinh nghiệm thực tiễn.

Một mặt, chúng ta thấy cần phải thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục, cho phép liên kết đào tạo để phát triển lĩnh vực quan trọng này. Mặt khác, có vẻ chúng ta vẫn muốn bảo hộ các cơ sở đào tạo không có vốn đầu tư nước ngoài trong cạnh tranh giáo dục, vì thế quy định những hạn chế như trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài, các trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường. Nhiều người đã bày tỏ băn khoăn về các quy định này.

Trên thực tế, tổng vốn FDI vào giáo dục ở Việt Nam chưa đến 500 triệu USD và mức đầu tư bình quân vào một dự án giáo dục chưa đến 3 triệu USD, rất thấp so với các lĩnh vực khác. Các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài chủ yếu đầu tư vào các dự án trường mầm non và PTCS. Mới  chỉ có 3 trường hệ đại học ở Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo tôi, việc thu hút đầu tư vốn FDI vào các dự án trường đại học ở Việt Nam không có triển vọng sáng sủa. Hầu hết các trường đại học danh tiếng trên thế giới hoạt động theo quy chế phi lợi nhuận (kể cả các trường đại học tư nhân).

Họ tiếp nhận các nguồn tài trợ từ chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và bắt buộc phải duy trì nguyên tắc phi lợi nhuận. Họ không đầu tư vốn ra nước ngoài, mà chỉ thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và các khoản thu từ các hoạt động này thường cũng mang tính phi lợi nhuận.

Nói chung, đào tạo đại học không phải là lĩnh vực để các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận. Số lượng các trường đại học tư nhân với mục tiêu kinh doanh (với mục tiêu lợi nhuận) rất ít, thường không phải là các trường danh tiếng và ngay cả họ cũng ít khi đầu tư vốn ra nước ngoài.

Nhìn chung, liên kết đào tạo là hình thức hợp tác phổ biến nhất. Các nhà đầu tư địa phương (nhà nước, tư nhân) bỏ vốn thành lập trường, tuyển sinh và đào tạo học sinh, sinh viên theo chương trình khung, giáo trình của trường nước ngoài, kèm với những hình thức hỗ trợ nhất định của trường nước ngoài. Đây có lẽ là hướng đi mà Việt Nam cần ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi, kể cả việc cho phép áp dụng toàn bộ chương trình khung nước ngoài đối với ngành nghề đào tạo được liên kết quốc tế.

Chúng ta thu hút cho các học sinh học đại học ở nước ngoài về nước làm việc như thế nào thì cũng cần tạo điều kiện như thếcho các trường đại học trong nước thực hiện các chương trình đào tạo tương tự thông qua liên kết đào tạo. Việc này có thể làm giảm nhu cầu đi học ở nước ngoài và tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế ngay ở trong nước.

Còn nữa...

TS Lương Hoài Nam