Người mà chúng tôi muốn nói ra đây là chú Nguyễn Hữu Định (bố của Thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến). Chuyện Tiến và em trai sinh đôi tên Nguyễn Hữu Tiền cùng đỗ đại học với điểm cao ai cũng đã rõ, nhưng chúng tôi muốn kể ra đây câu chuyện cảm động để có được những ngày Tiến và Tiền cùng 2 chị gái được ngồi ở giảng đường thì người cha già của các em phải hy sinh, thậm chí chấp nhận bị khinh bỉ để có tiền gửi về cho con ăn học.Tối đâu cũng là “nhà” Gặp chú Nguyễn Hữu Định vào một buổi chiều muộn khi chú đang có bữa tối đạm bạc cùng với “người hàng xóm” của mình là chú Đặng Văn Giao, bữa tối chỉ có bát canh pha mỳ tôm, một đĩa rau muống luộc vội còn tím tái, thức ăn mặn là một đĩa thịt ba chỉ mỏng.
Bữa cơm tối của chú Nguyễn Hữu Định (áo đen) chỉ đơn giản như thế này. Ảnh Xuân Trung |
Thấy có khách hỏi vá xăm xe máy chú Định liền ăn vội bát cơm rồi chạy qua đường vá cho khách cái xăm. Trong lúc vá xăm chúng tôi tranh thủ trò chuyện về cuộc sống, về những dự định còn dang dở và những ước vọng của gia đình. Chú Định cho biết, cách đây hơn 10 năm chú lên Thủ đô bắt đầu một cuộc sống lênh đênh ai thuê gì làm nấy. Có những tháng ngày vất vưởng vỉa hè khắp từ Cầu Giấy tới đường Láng cho ra tận Trần Duy Hưng, có những đêm sau một ngày làm thuê mệt nhọc chỉ muốn nằm nhưng không có chỗ, dưới ánh đèn điện vàng chói chú Định xin nằm nhờ ngoài mái hiên của một kiot nhỏ, trời nắng, khô ráo thì chỉ cần chùm chiếc áo lên làm màn, trời mưa thì cố tìm đâu đó trạm điện thoại bỏ không hoặc cây ATM. Nhắc lại một lần đêm mưa mà chú vẫn nhớ tới bây giờ, do không tìm được chỗ ngủ trong khi trời mỗi lúc một mưa to, thấy nhà vệ sinh công cộng chú cũng xin “nghỉ nhờ” qua đêm ở phòng để đồ chỉ rộng hơn 1 mét vuông, chân co chân ruỗi mỏi lừ.
Hàng ngày, ngoài công việc làm thuê chú Định còn tranh thủ đi vá xăm xe. Ảnh Xuân Trung |
“Ngủ cũng không dám ngủ sớm, phải từ 10 giờ đêm lúc đó ít người qua lại, buổi sáng dậy từ 4 giờ sáng để ít người biết là mình ngủ vật vờ, đỡ ngại” chú Định nhớ lại. Cách đây hơn 2 năm chú mới có cuộc sống gọi là tạm “ổn định” ở cuối đường Lê Văn Lương kéo dài, ở đây ngoài công việc làm thuê chú làm thêm cả bơm xe đạp, vá xăm... Trước đây cũng gần 2 tháng, sau khi có đợt giải tỏa khu vực này, “căn phòng” được bọc bằng vài tấm ván mượn của bảo vệ khu đô thị của chú bị rỡ và từ đó chú phải sống tạm trong chiếc cống bỏ hoang ven đường. Lấy đó là chỗ ra vào hàng ngày, chỗ ngủ buổi tối và cũng là chỗ để hàng đêm chú trăn trở cách kiếm tiền cho các con ở nhà được ăn học đầy đủ. Trong lúc trời nhá nhem tối, chúng tôi ra khu vực chiếc cống bê tông của chú Định, giật mình vì rất nhiều chuột chạy qua lại, chú Định khẽ cười bảo: “Ở lâu nó cũng đâm ra thành quen, chứ giờ cho các cháu ngủ một đêm ở đây chắc không dám. Các cháu xuống thời điểm này chú còn đàng hoàng, chứ cách đây hơn 1 tháng thì tồi tàn lắm”.
Đây là chiếc cống bằng bê tông mà chú Định vẫn bảo là "nhà" của mình, bên trong chỉ có chiếc chăn mỏng và một chiếc gối để tối nằm. Ảnh Xuân Trung |
Đó là cuộc sống của người cha có 4 con vào đại học, để cho được bằng chúng, bằng bạn người cha này không quản ngại gian khó để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Trong niềm vui có cả nỗi buồn Hiện tại chú Nguyễn Hữu Định hàng ngày ra vào vá xăm xe máy, xe đạp cho người đi đường, hôm nào nhiều vốn chú mua xăng về bán cho những ai nhỡ không có chỗ đổ xăng. Chú vẫn bảo, trước kia thời kỳ còn ở trên phố do đi lại nhiều nên cũng không nấu nướg được, ăn ngoài mỗi ngày cũng hết 15 nghìn đồng. Sống ở đây được hơn 2 năm thi thoảng về nhà mang ít gạo xuống nấu, có gì ăn nấy. Tháng trước trong đợt thi đại học, hai đứa sinh đôi nhà chú là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền khi báo kết quả đều đỗ đại học, Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm, còn em là Nguyễn Hữu Tiền thi Đại học Bách khoa được 26 điểm. Như vậy cả hai anh em đều đỗ vào Đại học năm nay. “Được báo tin là các em đỗ thủ khoa, đó cũng là niềm vinh dự, niềm vui và trước mắt cho gia đình, thôn làng, xã hội. Trong cái vui có cái buồn, cứ tối đến nằm là tôi lại trăn trở sau này lấy gì mà nuôi. Gia đình người ta có cả hai vợ chồng, công ăn việc làm ổn định còn thấy vất vả, đây là hai em đều đi học, như vậy không phải là 2 đứa mà là 4 đứa ăn học, đó cũng là điều trăn trở sau này không biết lấy gì để nuôi chúng nó” chú Định nước mắt ngấn lệ nói về dự định sau này.
Chú Định vẫn bảo, buổi đêm ngủ ít lắm vì còn phải trực xem có ai hỏng xe hay cần thay vá gì để còn làm kiếm tiền. Mỗi ngày chỉ được ngủ 4 tiếng. Ảnh Xuân Trung |
Trước Tiến, còn có 1 người chị đang học năm cuối Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; người chị thứ 2 học năm thứ 3 Cao đẳng Xây dựng trên Hà Nội. Hai người chị được bố mẹ xin cho ở kí túc xá của trường để tiết kiệm chi tiêu. Do quá bận công việc hàng ngày và cũng hạn chế về nhà để tiết kiệm tiền tàu xe, nhưng mỗi lần chú về thăm nhà, thăm các con chú đều tâm sự với các con rằng, đã đỗ đại học thì trước mắt cũng phải cố gắng, vào học người ta cũng đánh giá trong khoảng nửa năm tới 1 năm để theo dõi chứ không phải đỗ là xong. “Sau này các con học giỏi, Nhà nước trưng dụng cho đi du học, hoặc học giỏi cũng sẽ được học bổng cũng sẽ đỡ tiền hơn. Vợ chồng tôi luôn động viên các con phải học thật giỏi. Gia đình nghèo thì nghèo thật nhưng tương lai các con bố mẹ luôn luôn nghĩ để sau này đỡ khổ, vì học là một thứ tài sản vô giá” chú Định nói chắc nịch. Biết được cuộc sống của bố, em Nguyễn Hữu Tiến vẫn thường bảo, dù biết bố mẹ vất vả nên chỉ biết cố gắng thôi. Nếu sau này xin được dạy thêm sẽ nói với bố để hai bố con về ở cùng với nhau. Còn chú Định thì cho biết, với cuộc sống khó khăn, gia đình hoàn cảnh, mẹ của Tiến là cô Hoàng Thị Thanh mỗi tối cũng đi vặt lông vịt (2.500 đồng/con) để phụ giúp chồng con. Chú Định luôn bảo, nếu có một điều ước gì thì chú luôn ước có được sức khỏe thật tốt để hàng ngày làm việc kiếm tiền nuôi con ăn học, dù cuộc sống có tằn tiện và khó khăn tới mức nào. Video dưới đây diễn tả lại cuộc sống hàng ngày của chú Nguyễn Hữu Định, những lúc thời rảnh rỗi chú thường lấy chọn những bộ đồ còn mới của mình gấp lại cẩn thận để mặc dần, với công việc lao động hàng ngày thì chỉ cần bộ đồ đơn giản và cũ kĩ cũng là được rồi.
Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Hữu Định xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961) ở thôn Động Phi, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, hoặc liên hệ qua Báo Giáo dục Việt Nam theo số điện thoại đường dây nóng: 0938 766 888, mail: toasoan@giaoduc.net.vn
Quý độc giả muốn giúp đỡ bác Nguyễn Hữu Định và các con của bác xin chuyển về tài khoản của Báo Giáo dục Việt Nam: 054 1101 464009 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - chi nhánh Thăng Long Hà Nội. (Ghi rõ số tiền gửi hỗ trợ bác Nguyễn Hữu Định) - Chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển đến gia đình bác Định!
Xuân Trung