Bố ở cống nuôi 4 con học ĐH: Cảm thương gia cảnh chàng thủ khoa

12/08/2013 07:47
Hường Đoàn
(GDVN) - Nghe tin người con đỗ thủ khoa, cô Hoàng Thị Thanh – mẹ của thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến ngoài niềm vui mừng thì trên nét mặt của cô lại thoáng nỗi buồn phiền lo lắng, bởi không biết xoay sở ở đâu để cho con đi học. Điều đó cứ ám ảnh trong đầu khiến cô bứt rứt không yên.
Khi vừa đặt chân đến xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hỏi đường về nhà em Nguyễn Hữu Tiến thủ khoa Đại học Y Hà Nội, bà Hoàng Thị Phúc tấm tắc khen ngợi: “Ở làng này không có ai ngoan, chăm chỉ, học giỏi như hai anh em Tiến, đến mùa vụ ra đồng cấy với mẹ như con gái vậy, trước đây hằng ngày đi chăn bò lúc nào cầm quyển sách theo để học”. Sau đó, bà Phúc tận tình chỉ giúp đường vào nhà. 

Gia đình hiếu học

Trong ngôi nhà cấp 4, hai gian ẩm thấp, xập xệ, chỉ rộng chừng 20m2, nền nhà đã bị trũng xuống, chỉ có chiếc tivi cũ là tài sản đáng giá nhất. Ở ngay bên cạnh là góc học tập của Tiến – chiếc bàn làm bằng gỗ ép đã bị thủng ở gần giữa bàn. 

Ngôi nhà hai gian ẩm thấp của thủ khoa Đại học Y Hà Nội - Nguyễn Hữu Tiến.
Ngôi nhà hai gian ẩm thấp của thủ khoa Đại học Y Hà Nội - Nguyễn Hữu Tiến.

Rót chén nước chè mời tôi, cô Hoàng Thị Thanh (SN 1963) mẹ của em Nguyễn Hữu Tiến thủ khoa Đại học Y Hà Nội 29,5 điểm, ngồi thẫn thờ vì một đêm dài thức trắng đi làm tâm sự: hai vợ chồng lấy nhau chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, tự làm lấy để ăn. Chúng tôi chịu khó làm lụng nhưng cũng chẳng đủ ăn. Gia đình tôi sinh 4 người con, nuôi chúng ăn học đến giờ quá mệt mỏi. 

2 người chị của Tiến là Nguyễn Thị Huyền đang học năm cuối Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Còn đứa thứ hai, Nguyễn Thị Huy đang học trường cao đẳng Xây dựng Hà Nội. Cuộc sống ở quê vất vả trăm bề, thấy con đi học được thì cảm thấy vui nhưng có biết bao nhiêu thứ đổ dồn lên đầu. Biết bao nhiêu đêm trằn trọc không thể nào ngủ được. Khi nào hai đứa về là tôi ăn không ngon, bởi nhà nông kiếm đâu ra đủ cho nó ăn học. 

Góc học tập của hai anh em Nguyễn Hữu Tiến.
Góc học tập của hai anh em Nguyễn Hữu Tiến. 

Gần đây, hai cậu con trai thi đỗ Đại học, em Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa 29,5 điểm Trường ĐH Y Hà Nội, và em trai là Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa long tôi vừa mừng vừa lo, không biết làm sao để có thể cho chúng nhập học. Từ hôm nghe tin cháu đỗ, chính quyền địa phương với bà con hang xóm đến chơi rất đông. 

Chồng bơm xe, vợ vặt lông vịt cho con ăn học

Khuôn mặt khắc khổ, chị Thanh cho biết, hai vợ chồng lấy nhau mãi về sau mới xin được hợp tác xã cấp cho mảnh đất để xây căn nhà lấy chỗ che mưa che nắng. 4 đứa ăn học tốn kém lắm, làm đủ thứ nghề để có thể trang trải cho gia đình. Nhưng dường như không thấm vào đâu. 

Biết tin con đỗ Đại học nhưng Hoàng Thị Thanh - mẹ của thủ khoa Đại học Y Hà Nội lo lắng không biết xoay sở đâu cho con ăn học.
Biết tin con đỗ Đại học nhưng Hoàng Thị Thanh - mẹ của thủ khoa Đại học Y Hà Nội lo lắng không biết xoay sở đâu cho con ăn học. 

Nhà có mấy sào ruộng, giờ chỉ trông vào hạt thóc thì không sống nổi. Để có tiền nuôi 4 chị em ăn học chúng tôi làm thuê làm mướn ở ngoài. Hiện nay, tôi đi vặt lông vịt thuê cho các lò mổ đặc sản vịt cỏ Vân Đình.

Trời nắng còn đỡ chứ, hôm trời mưa đi từ lúc 12h đêm, một thân một mình lọ mọ đêm hôm khi đó mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ, làm việc từ đó đến 8h mới về. Công cũng chẳng đáng là bao, mỗi con vịt được có 2000 đồng, đêm nào vặt được nhiều kiếm được vài chục nghìn đồng. Làm như thế cũng chẳng thể nào nuôi nổi các em đi học.

Trước đó khi tôi còn khỏe thì đi làm phụ hồ ngày công cao hơn. Nhưng người yếu không thể nào làm được, hôm nào cố gắng lắm mới đi được vài buổi. 

Còn bố cháu – Nguyễn Hữu Định lên Hà Nội hơn chục năm nay làm đủ thứ nghề, từ thợ mộc đến sửa xe… toàn phải ngủ vỉa hè, ống cống vì không có tiền thuê nhà trọ. Nhiều đêm về chú tâm sự: Thời buổi khó khăn kiếm được đồng tiền cũng khó, làm vất vả lắm nhưng cũng chẳng được là bao, thôi thì hoàn cảnh nhà mình như vậy chỉ biết cố gắng cho con đi học sau này chúng mới thành người được, không thể cứ mãi như vợ chồng mình được. 

Mong cho con đi học để bớt khổ

Cô Hoàng Thị Thanh – mẹ Nguyễn Hữu Tiến thủ khoa Đại học Y Hà Nội tâm sự: Ở quê chân lấm tay bùn làm gì có dư giả được đồng nào, nhà lại nuôi 4 người con ăn học lúc nào cũng lâm vào cảnh túng thiếu.

Ngoài việc đồng áng, hai vợ chồng làm quần quật không đủ tiền cho con ăn học nhiều bữa đi vay xổi của hàng xóm, ít bữa làm được thì trả sau. Vừa rồi để có tiền cho hai đứa con đi thi, và đứa chị nhà tôi đành bấm bụng bán bò đi mới có cho các cháu.  

Thành tích đạt được của em Tiến.
Thành tích đạt được của em Tiến. 

Ngồi ngay bên cạnh mẹ, nghe mẹ trải lòng về hoàn cảnh gia đình mình Tiến chỉ biết cúi đầu. Tiến nghẹn ngào nói, vì chị em nên bố đi làm xa nhà hơn chục năm nay, làm ngoài Hà Nội vất vả nhiều lắm. Thi thoảng nhà có việc thì bố mới về thôi không thì quanh năm suốt tháng cứ ở trên đó. Khi đọc báo em mới biết bố sống ở trong đó, ngày nắng cũng như ngày mưa khổ cực biết chừng nào, em thương bố nhiều lắm. 

Hai cậu con trai học giỏi, biết tin đỗ thủ khoa nhưng cô Hoàng Thị Thanh buồn phiền lo lắng: Không biết đến khi hai an hem Tiến nhập học thì biết xoay sở ở đâu ra cho chúng học. Vợ chồng tôi giờ cũng yếu lắm rồi, ngày nào đi làm được thì vẫn còn cho cháu đi học được. Mong cho các cháu học thành tài để sau này bớt khổ. Nhưng ngày đó biết đến khi nào?  

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phùng - Chủ tịch UBND xã Phương Tú cho biết: Gia đình cháu Nguyễn Hữu Tiến – thủ khoa Đại học Y Hà Nội hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thuôc diện hộ cận nghèo. Hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Định làm lao động bình thường cho 4 em ăn học.

Hai người chị đầu của Tiến, một người học Đại học Nhân Văn , một chị Cao đẳng Xây dựng, ở quê cho con ăn học thế là rất khổ cực. Giờ lại chuẩn bị cho Tiến, và Tiền học nữa thì không biết khổ cực đến mức nào. 

Khi biết cháu Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội, xã cũng có phần thưởng khích lên tinh thần 500 nghìn đồng và tuyên truyền trên loa phát thanh của địa phương để mọi nhà noi gương học tập của Tiến.
Mỗi năm xã Phương Tú có khoảng 60 em đỗ Đại học, Cao đẳng. Trước đây cũng đã có nhiều em đỗ thủ khoa các trường.

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Hữu Định xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961) ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, hoặc liên hệ qua Báo Giáo dục Việt Nam theo số điện thoại đường dây nóng: 0938 766 888, mail: toasoan@giaoduc.net.vn


Hường Đoàn