Cuộc nói chuyện trong đêm với ông bố ở trong cống nuôi 4 con ĐH

12/08/2013 13:23
Xuân Trung
(GDVN) - Câu chuyện cảm động về gia đình chú Nguyễn Hữu Định (bố của thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến) đã có những thay đổi khi tối qua khi phóng viên báo GDVN gọi điện hỏi thăm thì chú Định có chia sẻ: hiện chú cùng gia đình rất vui khi nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm thông qua báo.

Cũng trong cuộc nói chuyện này, phóng viên biết thêm được nhiều điều khó nói mà trước nay chú Định chưa từng chia sẻ với ai. Về cuộc sống trong ống cống của mình thì xã hội hầu như qua báo chí đã biết nhiều, nhưng hai cậu con trai của chú thì chưa biết...

Chú Định nói: “Hai cháu lớn thì biết sơ sơ cuộc sống của tôi thôi, còn 2 thằng bé thì chưa biết. Hai em cũng chưa lên thăm bố, các em nó cũng ít khi đi ra ngoài, toàn ở nhà học hành.

PV: Chú có thể cho biết hai em lớn nhà mình có biết chú sống ở trong cống và đã lên thăm bố lần nào chưa?Tâm trạng của các em ra sao?

Chú Nguyễn Hữu Định: Con gái lớn cũng biết và cũng bảo tôi, sống thế này thì khổ lắm, bố xem thuê lấy cái phòng để ở. Tôi vẫn bảo các con là gia đình mình vẫn thiếu thốn, thu nhập thấp, lắm lúc cũng nghĩ nếu mà thuê nhà thì cũng chẳng còn đồng công nào để tạo điều kiện cho các con học hành, chỉ biết nói con thế.

Hàng ngày chú Nguyễn Hữu Định vẫn phải duy trì cuộc sống bên chiếc cống nhỏ, dù là ngày mưa hay ngày nắng, Ảnh Xuân Trung
Hàng ngày chú Nguyễn Hữu Định vẫn phải duy trì cuộc sống bên chiếc cống nhỏ, dù là ngày mưa hay ngày nắng, Ảnh Xuân Trung

Tôi nói thế thì các con cũng không nói gì nữa, chỉ vì các con mà mình phải khổ thôi chứ biết làm thế nào. Lắm lúc cũng nói về chuyện kinh tế gia đình nọ kia thì các con cũng động viên. Hai cô con gái vẫn bảo không để bố khổ, chúng con sẽ nuôi bố, mình cũng tự an ủi mình thì cũng thấy vui.

Hai đứa con gái mới chỉ xuống có một lần, hôm đó là hôm báo tin Tiến và Tiền đỗ đại học. Hôm đó là chủ nhật cháu lớn mượn được xe của bạn xuống với bố. Gặp con thì tôi cũng không chỉ là bố phải vào cống ngủ, tôi bảo bố nghỉ ở trong kia, tôi chỉ vào trong khu cổng mới xây của đô thị.

Con gái vẫn hỏi, bố ngủ trong đó có điện không? Tôi bảo cứ nằm không như vậy thôi chứ làm gì có điện, mình ăn ở thế này thì điện đóm ở đâu. Hai bố con chỉ ngồi ở vỉa hè uống nước, uống nước được một lúc em nó bảo phải về trả xe cho bạn.

Ngày trước tôi ở Cầu Giấy thì em nó cũng biết hoàn cảnh mình ăn ở, trước đấy tôi vào trọ nhờ của mấy người thợ xây ở Trường ĐH GTVT. Ở thì ở nhưng phải khuya khuya mình mới vào ngủ. Sau này chủ thầu cũng bảo “anh đi đâu thuê ở đi, ở đây quân cán nó còn ở nên không có chỗ”.

PV: Lần gần đây nhất em gái lớn xuống thăm chú đã lâu chưa?

Là lần cách đây cũng hơn 20 ngày khi biết điểm của hai em đã đỗ, lúc đó vẫn chưa nói là Tiến đỗ thủ khoa. Khối A xong em nó xuống báo, vì hai thằng (Tiến và Tiền) đã đỗ khối A. Thằng Tiền học ở Bách khoa tôi cũng biết địa điểm, còn khối B thì tôi chưa biết được.

PV: Hai chị em Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Huy (Hai con gái lớn của chú Định) đang học ở Hà Nội? Hiện tại các em có đi làm thêm không?

Đợt này hai chị em nó nghỉ hè và cũng mới nộp hồ sơ vào để đi bán hàng siêu thị, khoảng 1-2 tháng nay các em cũng chưa về nhà vì cũng bận quá. Đứa em đã đi làm trước rồi giới thiệu cho chị cũng đi bán hàng.

PV: Nhiều người vẫn còn băn khoăn khi chứng kiến chú ở trong một cái cống nhỏ như vậy, những hôm nắng thì đỡ, những hôm mưa gió thì như thế nào?

Mưa nước nó hắt, mình cứ nằm co ro thôi, mình che thêm tấm bạt hay tấm liếp ấy vào. Mình ngủ nghê cũng chập chờn, lúc nào trời mát thì cũng ngủ ngon được một giấc, còn những hôm trời mưa lạnh thì chấp nhận chập chờn ngồi dậy co ro, kệ nó, thì thôi cứ nấn ná qua đêm. Mình sống nói chung là vạ vật, môi trường như thế cũng thấy quen quen rồi.

Mình cứ sống qua thời gian, sáng dậy sinh hoạt bình thường. Lúc đó cũng không nghĩ ngợi vấn đề là lo cái này, lo cái kia. Miễn làm sao để sống qua ngày để mình lấy chỗ làm ăn.

PV: Sắp tới mùa đông rồi chú định sống như thế nào?

Mùa đông tôi cũng mang chăn bông hay mang đệm để nằm, chính mùa đông mình ngủ lại càng ấm cúng hơn, mùa hè lắm lúc cũng phải ra vỉa hè nằm gọi là cho mát. Mùa khô không ngại như mùa mưa như bây giờ. Khi nào nghe tin mà có bão trong vài ngày là phải tính toán để về quê.

PV: Bơm vá xe và làm thuê như vậy mỗi ngày chú ăn hết bao nhiêu tiền?

Nếu nhỡ mà mình phải ăn quán thì suất trưa là 20 nghìn, nếu mang gạo ra nấu mà sáng không ăn, đa số buổi sáng tôi nhịn không ăn uống gì, chỉ uống chén nước thôi. Môi trường mình sống nói chung là nhiều rồi nên cũng không nghĩ là ăn sáng.

Có sẵn gạo thì mỗi ngày mình chỉ tính ăn hết 25 nghìn tiền thức ăn chia làm hai bữa. Nếu bữa trưa nấu được thì nấu luôn cho bữa tối vì nấu nướng ở đây cũng hơi lịch kịch, cũng là một bữa ăn hai luôn. Phụ thuộc theo nhiều cái, nếu hôm nào mưa thì mình ăn cơm bụi, nếu ngày nào không kiếm được tiền thì có thể ăn gói mỳ tôm qua bữa cũng không sao.

Chuyện sinh hoạt thì không thể được đồng đều, phụ thuộc vào một ngày mình làm ra bao nhiêu, nếu một ngày mà “móm” thì mình phải tính kiểu khác. Cho dù thế nào đi nữa thì mức ăn một ngày cũng chỉ gói gọn trong 25 nghìn thôi.

Lắm lúc cũng nói với các con, bố đi làm ăn ngoài thủ đô thật nhưng cũng chưa biết bao giờ thấy bữa cơm 50 nghìn, đồng tiền mình kiếm ra còn phải bóp chắt mang vài đồng phục vụ các em nó.

PV: Khi nhận được tin giúp từ nhiều nhà hảo tâm, chú thấy thế nào?

Đây cũng là một niềm vinh hạnh cho các cháu đã đỗ đạt, tôi cũng nhìn vào hai em sau này, đấy là tương lai, tôi cũng nói với hai đứa con gái sau này trông chờ ở hai em vì các em ngoan và học giỏi.

Nuôi con ăn học xong lại còn phải lo công ăn việc làm, với hai đứa con gái kiếm được việc làm hợp đồng, kiếm được cơm ăn là tôi cũng mừng rồi, cũng chẳng cậy nhờ ai, mai kia còn phải lo cho các cô đi lấy chồng. Tôi cũng vẫn động viên hai đứa con gái tương lai vẫn nhìn vào 2 em trai sau này, đó là cuộc đời của vợ chồng tôi. Đến giờ phút này có được nhiều niềm vui cũng là bớt phần gánh nặng cho tôi và cho gia đình.

Gia đình tôi thông qua Báo Giáo dục Việt Nam cũng rất biết ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ các em.

Chúc chú cùng gia đình sức khỏe và hạnh phúc...!

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Hữu Định xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961) ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, hoặc liên hệ qua Báo Giáo dục Việt Nam theo số điện thoại đường dây nóng: 0938 766 888, mail: toasoan@giaoduc.net.vn

Quý độc giả muốn giúp đỡ bác Nguyễn Hữu Định và các con của bác xin chuyển về tài khoản của Báo Giáo dục Việt Nam: 054 1101 464009 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - chi nhánh Thăng Long Hà Nội. (Ghi rõ số tiền gửi hỗ trợ bác Nguyễn Hữu Định) - Chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển đến gia đình bác Định!



Xuân Trung