Sử dụng vũ khí với trường hợp tụ tập, biểu tình phải áp dụng theo luật

12/08/2013 14:44
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Trường hợp sử dụng vũ khí đối với tụ tập đông người hoặc biểu tình thì phải được quy định bởi luật chứ không phải pháp lệnh”.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thứ 20. Nội dung đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập là án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Bộ trưởng Bộ Công an đã có tờ trình, nội dung nêu rõ: Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là trong điều kiện đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có những nguy cơ, thách thức về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội hiện nay và những năm tiếp theo, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát vũ trang phải được thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Cảnh sát vũ trang.

Các chiến sĩ cảnh sát đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Các chiến sĩ cảnh sát đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khoá XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 thì tên gọi của dự án Pháp lệnh này là "Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động". Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Pháp lệnh, Chính phủ nhận thấy, tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này. Bởi vì, trong cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác.

Do vậy, để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát vũ trang, đồng thời thể hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là trực tiếp tiến hành biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham khảo tên gọi và mô hình tổ chức Cảnh sát vũ trang của nhiều nước, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp.

Tuy nhiên, trong phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc các cơ quan chuyên môn cần phải xem xét lại tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” thay cho “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” có phù hợp không?

Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch Quốc hội ngay tại phần thảo luận, khẳng định: “Không thể thay thế tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang”. Nếu muốn thay thế tên gọi này thì phải chờ xin phép Quốc hội thông qua, vì trước đây Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”.

Ngoài ra, ông Lý cũng cho rằng nên lùi nội dung này lại, chờ thông qua Luật Công an nhân dân rồi mới bàn lại.

“Tôi đề nghị là phải xem xét lại bởi vì có những vấn đề liên quan tới Hiến pháp, liên quan tới những luật khác và cần phải được quy định chặt chẽ hơn. Thí dụ như trong một số trường hợp lực lượng này được thâm nhập vào chỗ ở của công dân, của người nước ngoài thì có liên quan tới quyền cơ bản của công dân. Hay là về mặt nguyên tắc Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang thì chưa nhắc tới, bên cạnh đó phải có sự quản lý của Chính phủ, còn hiện tại mới chỉ nói tới quyền quyết định của Bộ Công an... Với những trường hợp sử dụng vũ khí đối với tụ tập đông người hoặc biểu tình thì phải được quy định bởi luật chứ không phải pháp lệnh”, ông Lý nói.

Ngọc Quang