Chuyện về "người rừng Việt Nam" Hồ Văn Thanh (82 tuổi) đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế từ châu Mỹ tới châu Âu, châu Á, Trung Đông trong suốt những ngày qua.
Anh Hồ Văn Lang sau khi được giải cứu. |
Nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới như Washington Post, New York Times, New York Post, Telegraph, Daily Mail, BBC, CNN, Press TV, Times, Times, Channel News Asia... đều dẫn thông tin từ báo chí, truyền hình Việt Nam đăng tải bài viết, hình ảnh và video về sự kiện này. Các tờ báo cho biết, cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang (41 tuổi) đã bỏ trốn và sống 40 năm trong rừng sau khi nhà họ bị trúng bom khiến vợ và hai người con khác của ông Thanh thiệt mạng vào năm 1973.
Ông Hồ Văn Lang tại bệnh viện địa phương sau khi được giải cứu. |
Harriet Alexander của tờ Telegraph tường thuật rằng một người con trai ông Thanh kể rằng anh đã phát hiện ra cha và anh trai của ông cách đây 20 năm nhưng đã không thể thuyết phục họ trở lại với cuộc sống văn minh hiện tại. Câu chuyện của "người rừng" Việt Nam không chỉ thu hút truyền thông quốc tế mà còn lôi cuốn được nhiều độc giả người nước ngoài bình luận bên dưới các bài viết.
Nhà trên cây của cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang |
Rất nhiều độc giả tỏ ra ngạc nhiên trước sự kiện trên, nhất là những dụng cụ để sinh sống trong môi trường hoang dã của họ: "Điều này thực sự rất thú vị, nhất là khi xem xét cách sinh tồn của họ, thực phẩm và tình trạng sức khỏe", độc giả Mahaweli viết trên tờ Daily Mirror. "Không thể diễn đạt thành lời", người có nickname The God Father viết trên Daily Mirror thể hiện cảm xúc của mình trước câu chuyện về cha con ông Thanh. "Tazan ngoài đời", độc giả Dam viết trên tờ Daily Mirror.
Nơi trú ngụ của cha con "người rừng" |
Tuy nhiên, nhiều người cũng chia sẻ cảnh đồng cảm với những người buộc phải lựa chọn cuộc sống khác thường và nỗi đau do chiến tranh để lại. "Nhiều người trong chúng ta đã bị mất cha trong chiến tranh Việt Nam mơ ước một ngày chúng ta thức dậy tìm thấy cha ông chúng ta thực sự không chết mà ẩn náu đâu đó suốt thời gian qua. Nhiều người trong số bạn bè của chúng tôi đã có cha bị mất tích vẫn ám ảnh bởi những kịch bản như thế này. Nỗi đau chiến tranh không dừng lại khi các vụ đánh bom đã kết thúc", độc giả Karenzach viết trên tờ Huffington Post.
Áo làm từ lá cây để mặc vào mùa đông. |
"Mỹ phải bồi thường cho họ", người đọc "mnsmart" đưa ra ý tưởng dưới bài viết trên tờ Daily Mirror. "Câu chuyện ẩn chứa một nỗi đau nhói lòng. Cầu nguyện cho người cha và con trai, cũng như tất cả các nạn nhân chiến tranh Việt Nam", Hyeaghcheg bình luận trên tờ Daily Beast.
"Một nạn nhân của cuộc chiến tranh vô nghĩa", Gerryasia viết trên cùng tờ báo trên. Câu chuyện còn là chủ đề cho nhiều độc giả trên tờ Daily Beast tranh cãi về hậu quả chiến tranh không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới trong thể kỷ trước và hiện nay. Trong khi đó không ít người ca ngợi lựa chọn của cha con ông Thanh là trốn vào rừng để có thể sống sót và bày tỏ mối quan tâm về những rào cản họ có thể gặp phải khi trở lại với thế giới hiện đại.
Giải cứu "người rừng" ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) |
Inorbit viết trên tờ Huffington Post rằng họ không có lỗi trong việc này và đó là một cách "thông minh" để sống sót. Còn Andrew Benkovic cho biết: "Tôi thấy những người sống đơn giản có xu hướng hạnh phúc hơn. Không thường xuyên, nhưng đôi khi trở lại đời sống hoang dã lại là liều thuốc tốt".
Một số tờ báo danh tiếng nước ngoài đăng tin câu chuyện về "người rừng" Việt Nam.
Nguyễn Hường