Câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Định hàng đêm trăn trở kiếm tiền để lo cho 4 đứa con học đại học, tiết kiện tiền hết mức mỗi khi kiếm được, thậm chí đã hơn 10 năm nay phiêu bạt đất Thủ đô nhưng chưa một lần thuê nhà trọ, nhà trọ của người cha này là vỉa hè, những bốt điện thoại, những cây ATM hay nhà vệ sinh công cộng, thậm chí cả ống cống bỏ hoang đã làm xúc động rất nhiều độc giả.
Chuyện Tiến và em trai sinh đôi tên Nguyễn Hữu Tiền cùng đỗ đại học với điểm cao ai cũng đã rõ, nhưng chúng tôi muốn kể ra đây câu chuyện cảm động để có được những ngày Tiến và Tiền cùng 2 chị gái được ngồi ở giảng đường thì người cha già của các em phải hy sinh, thậm chí chấp nhận bị khinh rẻ để có tiền gửi về cho con ăn học.
Trong sáng nay Nguyễn Hữu Tiến và em trai và bố đã lên Hà Nội để nhận sự trợ giúp từ nhiều nhà hảo tâm. Trong sự xúc động này Tiến cho biết, để đền đáp công ơn và sự hy sinh của bố mẹ, em và em trai sẽ cố gắng học tập tốt, sớm tìm việc giúp gia đình mình bớt khó khăn.
Sẽ đi làm gia sư kiếm tiền phụ giúp bố
PV: Chào Tiến, em có bất ngờ với nhiều tấm lòng hảo tâm dành cho em và gia đình trong mấy hôm nay không?
Nguyễn Hữu Tiến: Dạ, em cũng bất ngờ và xúc động, đó là những tấm lòng của mọi người mong em tiếp tục cố gắng để thực hiện mong muốn của bản thân và gia đình.
Nguyễn Hữu Tiến cùng em trai và bố nhận quà từ nhà hảo tâm sáng nay. Ảnh Xuân Trung |
-Khi biết được bố phải ở trong điều kiện như báo chí đã nêu, bản thân em lúc đó nghĩ gì?
Nguyễn Hữu Tiến: Thực sự điều kiện của bố như vậy em đã được biết vì bố đã từng kể cho em khi còn ở trên quận Cầu Giấy. Khi đọc báo thấy bố ở trong cống như vậy em cảm thấy buồn, xúc động và bất lực, bất lực vì bây giờ em chưa có thể giúp đỡ được gì nhiều cho bố. Em cũng mong muốn thời gian sắp tới em sẽ cố gắng học tập tốt hơn để có thể xứng đáng với sự hy sinh của bố mẹ hiện tại và trong tương lai.
- Sau khi đi học em có dự định mình sẽ đi làm thêm gì đó không?
Nguyễn Hữu Tiến: Em có ạ, có một bác đã gọi điện muốn em dạy con bác ấy học lớp 5, em nghĩ là khoảng đầu tháng 9 em sẽ liên hệ với bác đó để đi dạy.
-Biết được điều kiện sống của bố như vậy em có đã có dự định lên thăm bố chưa?
Nguyễn Hữu Tiến: Có ạ, hôm qua là lần đầu tiên em lên thăm bố. Lớp 12 em phải ôn thi nhiều và không có thời gian để lên đây. Thực sự em là người ít nói và cũng không muốn biết tất cả cảm xúc của mình. Em vẫn tự nhủ với bản thân là sẽ phải cố gắng hết sức trong học tập, trong thời gian sớm nhất sẽ giúp được bố mẹ.
- Em có dự định đi du học không?
Nguyễn Hữu Tiến: Vấn đề này em chưa suy nghĩ tới nhiều, nhưng nếu có một suất học bổng toàn phần ở tương lai gần và không đặt gánh nặng gia đình em thì em sẽ đi, còn nếu không được như vậy chắc là em sẽ không đi. Vào học ngành y cũng là sở thích của em, trước đó em cũng hay bị ốm và phải đi viện.
Và trách nhiệm của người cha
- PV: Hiện tại đã có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức liên lạc giúp đỡ gia đình chưa?
Chú Nguyễn Hữu Định: Giúp đỡ thì nhiều, họ điện thoại là chủ yếu. Những người ở xa thậm chí trong Sài Gòn họ cũng gọi ra thì mình cũng chỉ biết vâng dạ thôi.
Chú Nguyễn Hữu Định một lòng mong muốn có sức khỏe để tiếp tục nghề bơm vá và làm thuê có tiền nuôi con ăn học. Ảnh Xuân Trung |
- Qua Báo Giáo dục Việt Nam có rất nhiều nhà hảo tâm muốn tỏ ý giúp đỡ gia đình, giúp đỡ hai em ăn học, trong đó có một gia đình ở quận Thanh Xuân hứa sẽ giúp hai em Tiến và Tiền nhà ở, phương tiện đi lại (xe máy)..., gia đình cân nhắc đề báo kết nối?
Chú Nguyễn Hữu Định: Vậy có nơi nào ở được nhiều người không, ví dụ như cả gia đình ở? Vì tôi muốn ở cùng các em, có mẹ và chị gái cũng ở đó để giúp đỡ các em.
Có khi nào chú nghĩ rằng mình sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ như bây giờ?
Chú Nguyễn Hữu Định: Chưa bao giờ tôi nghĩ mình được như thế này, mình cũng biết đâu được con mình đỗ đạt như thế này, cùng lắm là nghĩ con đỗ vào đại học thôi. Nhà tôi từ xưa tới nay trong họ hàng có ai đỗ đạt được thủ khoa như thế này đâu. Cũng có người đi du học, còn thủ khoa thì chưa.
- Khi nhận được nhiều sự giúp đỡ này chú có bất ngờ không?
Chú Nguyễn Hữu Định: Hai em học thì có nhiều người giúp đỡ, điều đó cũng đỡ lo hơn. Có điều kiện để các em vươn lên. Tôi cũng đã từng ngồi nghĩ nếu nuôi hai đứa ăn học trong 6-7 năm trường Y và Bách khoa cũng phải hết khoảng 500 triệu là ít thì lấy tiền đâu? Tiền bây giờ còn không đủ ăn.
Chưa nói tới khoản tiền công nọ việc kia, nan giải nhiều cái lắm.
- Trước mắt chú sẽ dùng những khoản giúp đỡ của nhà hảo tâm vào việc gì?
Chú Nguyễn Hữu Định: Cũng chỉ phục vụ cho các em nó học hành sau này, còn khoản tiền tôi kiếm được thì lo ăn, bố mẹ cũng phải lo công ăn việc làm để nuôi bản thân và cho các em.
- Bây giờ có nhà hảo tâm muốn giúp chú có việc làm, chú có định bỏ nghề bơm vá xe không?
Chú Nguyễn Hữu Định: Cũng phức tạp nhiều mặt lắm, người ta nói thế thôi những theo tôi nghĩ tôi tuổi cũng cao, việc của tôi hiện tại tự do, có lúc yếu, mệt thì mình thích mình ngồi. Đi làm thuê kia còn phụ thuộc thời gian công việc họ giao cho mình thì mình có gánh nổi hay không?
Hiện các em đi học hết cả, tôi là trụ cột, đi lại việc nọ việc kia mà đi làm cho người ta sẽ có sự gò bó. Tôi cũng chỉ nghĩ cho các em về Hà Nội ăn học và tạo được điểm làm và tự do là tốt nhất.
- Với sức khỏe của chú hiện tại chú có thể làm được thêm gì nữa?
Chú Nguyễn Hữu Định: Chạy xe ôm hay xung quanh chỗ ở người nào khoán thuê mình làm gì thì làm thời, gian khoảng nửa tiếng, một tiếng thì có tiền túi ngay. Tôi chỉ muốn ở nơi nào có vợ, có con, tạo dựng được chỗ mình đứng để bơm vá, để kiếm tiền thêm.
- Chú nghĩ chú còn làm trên Hà Nội này bao lâu nữa?
Chú Nguyễn Hữu Định: Tôi vẫn nghĩ mình phải làm, làm khi nào yếu quá, đau quá không lao động được nữa thì phải chấp nhận. Bây giờ bảo con cái chưa đâu vào đâu, cuộc sống còn nhiều gánh nặng lắm, ít nhất là phải lo cho 2 em gái ở trên xây dựng gia đình. Sau đó hai 2 về sau phải học xong có việc làm đã, lúc đó cũng còn chưa hết trách nhiệm của người cha, phải có gia đình thì lúc đấy mình mới yên tâm.
- Chúc chú và các em sức khỏe, may mắn và thành công
Qua trao đổi, Hiệu phó Trường ĐH Y Hà Nội PGS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết, năm nào trường cũng có sinh viên khó khăn, có sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với ông bà hoặc chỉ có bố hoặc mẹ, nhiều gia đình rất khó khăn…
Tuy nhiên, trường hợp của em Tiến khá đặc biệt, trường thực sự cảm thông, cảm phục với gia đình em và sự cố gắng của Tiến. Thông tin từ lãnh đạo Nhà trường, trường sẽ có phần thưởng vật chất dành cho các em thủ khoa, nằm trong chính sách của nhà trường để động viên các em. Tuy nhiên, các em cũng phải xác định đây là bước đầu tiên, còn một con đường rất dài, chông gai, khó khăn trước mắt, vì vậy chưa nên bằng lòng kết quả của mình.
Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Hữu Định xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961) ở thôn Động Phi, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, hoặc liên hệ qua Báo Giáo dục Việt Nam theo số điện thoại đường dây nóng: 0938 766 888, mail: toasoan@giaoduc.net.vn
Quý độc giả muốn giúp đỡ bác Nguyễn Hữu Định và các con của bác xin chuyển về tài khoản của Báo Giáo dục Việt Nam: 054 1101 464009 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - chi nhánh Thăng Long Hà Nội. (Ghi rõ số tiền gửi hỗ trợ bác Nguyễn Hữu Định) - Chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển đến gia đình bác Định!