Chiều 15/8, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã báo cáo với Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình-SGK giáo dục phổ thông (GDPT), trong đó có ba nội dung nổi cộm đáng chú ý:
Thứ nhất, triển khai Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình GDPT, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số14/2001/CT-TTg ngày 11/6/2001 về việc đổi mới chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT đã tổ chức quán triệt mục tiêu và nguyên tắc đổi mới chương trình GDPT, thành lập ban chỉ đạo đổi mới chương trình GDPT do Bộ trưởng trực tiếp làm trưởng ban; chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành việc biên soạn chương trình GDPT mới theo mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các bậc học, cấp học theo quy định; chỉ đạo thí điểm CT-SGK mới.
Tuy vậy, quy trình biên soạn CT-SGK GDPT ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. Hội đồng chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học. Không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học. Thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, đảm bảo vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai CT-SGK.
Thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình GDPT và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế. Chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các GV giảng dạy THCS và THPT cho dự thảo CT-SGK.
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng. |
Thứ hai, CT- SGK được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong CT- SGK chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”. Nhiều nội dung trong một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn.
Về phương thức dạy học, chương trình chưa phân phối hợp lý giữa thời gian học tập trên lớp với thời gian hoạt động ngọai khóa như tham quan thực tế, cũng như thời gian tự học.
Thứ ba, trong một số SGK còn có sự trùng lặp về nội dung; một số sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các
"Việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.
Sau 3 năm triển khai thực hiện phân ban đại trà, năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban Cơ bản, 14% học Tự nhiên và chỉ gần 2% học Khoa học Xã hội. Tại các địa phương, hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên chỉ tổ chức dạy học theo ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh.
Tôi không muốn kết luận là thất bại, nhưng rõ ràng việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công”, GS Đào Trọng Thi.
lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học. Dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Kiến thức ở một số cuốn SGK tái bản nhưng vẫn chưa cập nhật với thực tế đã thay đổi. Một số nội dung, bài tập có độ khó, phức tạp cao hơn so với yêu cầu của chương trình.
Một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép. SGK chưa cung cấp các kiến thức đặc thù về địa phương, vùng miền, dân tộc để lựa chọn dạy học cho phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau.
“Kiến thức trong SGK một số môn bị phân khúc, tách rời, ngắt quãng, thiếu tính liên thông; việc xác định khối lượng và tính chất những đơn vị kiến thức được lựa chọn đưa vào CT- SGK ở một số môn còn thiếu tính sư phạm, quá tải về nội dung, chưa gắn với thực tiễn.
Cách dùng từ, thuật ngữ, khái niệm và ký hiệu, cách tiếp cận trong SGK chuẩn và SGK nâng cao ở một số môn học cấp THPT có chỗ chưa thống nhất; còn có sự sai sót về kiến thức, chưa chính xác về khái niệm và thuật ngữ khoa học, chưa thống nhất về chính tả, nhất là đối với danh từ riêng và các từ phiên âm tiếng nước ngoài”, ông Thi nhấn mạnh.
Với những tồn tại nêu trên, ông Đào Trọng Thi kiến nghị, chương trình - SGK mới cần được biên soạn trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành quả về phát triển CT-SGK của nước ta trong những giai đoạn vừa qua, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền GDPT tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
“CT-SGK mới cần phải bám sát điều kiện thực tiễn của đất nước, một mặt bảo đảm thống nhất toàn quốc về mục tiêu, nội dung cốt lõi và mức độ yêu cầu tối thiểu, mặt khác phải phù hợp với năng lực tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn KT-XH khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn dạy bổ sung, nâng cao những kiến thức cần thiết phù hợp đối với các đối tượng học sinh khác nhau”, ông Thi nói.