Nổ tàu ngầm Kilo: Ấn Độ thất vọng vì Nga chối bỏ trách nhiệm?

16/08/2013 15:04
Bình Nguyên
(GDVN) - Tuy chưa có những tuyên bố chính thức nhưng báo chí Ấn Độ cho rằng các quan chức quân sự của nước này không hài lòng với các tuyên bố từ phía Nga.
Trang Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ đang bài viết của hãng thông tấn Pháp AFP cho hay, ngày 15/8/2013, Nga đã chính thức có những tuyên bố đầu tiên về trách nhiệm của Tập đoàn đóng tàu liên hợp - nơi chế tạo và đại tu tàu ngầm lớp Kilo INS Sindhurakshak trước khi bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào đầu năm 2013.

Theo ông Alexei Kravchenko - Phát ngôn viên của Tập đoàn đóng tàu thống nhất Nga, trước và sau khi tàu ngầm Kilo INS Sindhurakshak được bàn giao, không có bất cứ phàn nàn nào về kỹ thuật được báo cáo cho phía Nga.Tập đoàn này khẳng định tàu ngầm INS Sindhurakshak hoạt động rất tốt mọi tính năng khi được bàn giao cho quân đội Ấn Độ.

Vụ tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak hôm14/8/2013
Vụ tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak hôm14/8/2013

Trong khi đó, một đại diện khác của công ty Zvyozdochka, nơi trực tiếp tiến hành đại tu tàu ngầm INS Sindhurakshak trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Ria Novosti của Nga đã nói rằng khi tàu ngầm INS Sindhurakshak còn ở cảng Severodvinsk trên Biển Barents, các vấn đề cụ thể đã được các chuyên gia Nga thẩm định rất kỹ.

Báo chí Ấn Độ cho rằng các động thái này của Nga chứng tỏ Moscow đang muốn bảo vệ danh tiếng cho các nhà sản xuất tàu chiến của nước này, đồng thời rũ bỏ các cáo buộc trách nhiệm liên quan đến nơi sản xuất, bảo hành, khẳng định rằng con tàu gặp nạn của Hải quân Ấn Độ vẫn ở tình trạng hoàn hảo trước và sau khi được bàn giao.

Tuy chưa có những tuyên bố chính thức nhưng báo chí Ấn Độ cho rằng các quan chức quân sự của nước này không hài lòng với các tuyên bố từ phía Nga.

Trước đó, chỉ cách ngày lễ kỷ niệm Quốc Khánh Ấn Độ không lâu, tàu ngầm lớp Kilo Severodvinsk đã phát nổ (nguyên nhân ban đầu được xác định xuất phát từ hệ thống pin nhiên liệu) tại một quân cảng ở thành phố Mumbai khiến 18 người mất tích, nhiều người khác bị thương.

Vụ hỏa hoạn dẫn đến cháy nổ kinh hoàng này được ví như một cú đấm đau, không những chỉ gây thiệt hại cho tham vọng xây dựng sức mạnh quân sự của Ấn Độ mà còn ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của nhà xuất khẩu vũ khí hải quân lớn nhất nhì thế giới hiện nay là Nga.

Tính cho tới thời điểm hiện tại, Nga vẫn là đối tác quốc phòng, xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Ấn Độ và Moscow vẫn đang cố gắng nuôi dưỡng thị trường này ngay từ khi Liên Xô vẫn chưa tan rã.

Theo những con số thống kê, ở lĩnh vực hải quân, trong 11 chiếc tàu ngầm Kilo Dự án 877 (loại tàu ngầm tương tự như INS Sindhurakshak) do Nga (Liên Xô cũ) chế tạo để xuất khẩu thì có đến 8 chiếc được bán cho Ấn Độ vào những năm 1980.

Đây cũng là một căn cứ để một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí toàn cầu có tên Igor Korotchenko nêu ra nhận định rằng vụ tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ bởi chuyên gia này cho rằng hiện Ấn Độ đang còn quá nhiều trang bị có xuất xứ từ Nga và một sự thay đổi chiến lược nào cũng có nguy cơ  tăng ngân sách  cực lớn.

Vụ tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak hôm14/8/2013
Vụ tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak hôm14/8/2013

Tuy nhiên, thực tế cũng đã xuất hiện những ý kiến khác cho rằng trong tương lai Ấn Độ sẽ cân nhắc lại chiến lược của mình trong quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga. Một số quan chức của Ấn Độ cũng đã bay tỏ thái độ không hài lòng vì các tuyên bố trách nhiệm của các nhà sản xuất của Nga liên quan đến một số tai nạn gần đây.

Một số chuyên gia phân tích khác lại cho rằng Ấn Độ trên thực tế đang bị ép buộc phải sử dụng các dịch vụ đại tu cũng như giao dịch mua bán vũ khí, trang thiết bị với Ấn Độ bởi Hải quân nước này vẫn đang duy trì và vận hành rất nhiều tàu chiến và máy bay do Nga sản xuất.

Thời gian gần đây, bên cạnh việc hợp tác quân sự với Nga, Ấn Độ cũng có các lựa chọn khác, New Delhi cũng đã và đang thiết lập quan hệ hợp hợp tác quân sự với Washington. Trong một đánh giá của mình Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Mỹ đã cho biết trong 10 năm qua, trao đổi thương mại quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng từ con số 0 đến nay là 8 tỷ USD.

Chắc chắn khuynh hướng này sẽ khiến các quan chức Nga không vui vẻ gì, đặc biệt là tâm lý bồn chồn của Ấn Độ sau những tai nạn liên quan đến tàu ngầm do Nga chế tạo trong một vài năm trở lại đây.

Ấn Độ rất quan tâm và quan ngại đến vụ tai nạn tàu ngầm nguyên tử Kursk của Nga trong quá khứ, sự kiện đã cướp đi sinh mạng của 118 thủy thủ vào tháng 8/2008. Tiếp sau đó,  lại xảy ra hỏa hoạn trên tàu ngầm Nerpa (đã bàn giao cho Hải quân Ấn Độ) khiến 20 thủy thủ Nga thiệt mạng khi đang thử nghiệm trên biển vào tháng 11/2008.

Tàu ngầm INS Sindhurakshak trước khi gặp nạn vẫn còn hạn bảo hành từ Nga đến tận tháng 1/2014. Đây là tàu ngầm được Nga hoàn thành chế tạo năm 1997, mới qua cải tạo, nâng cấp kéo dài 2 năm trước khi bàn giao cho Hải quân Ấn Độ đầu năm vừa qua. Trước đó, năm 2010, chính con tàu này cũng đã bị hỏa hoạn khiến 1 người thiệt mạng.



Bình Nguyên